Diễn biến những ngày qua cho thấy Trung Quốc tiếp tục có những thủ đoạn, những hành động ráo riết trong việc hiện thực hóa “đường lưỡi bò” phi pháp trên Biển Đông... bất chấp sự phản đối của Việt Nam và quốc tế.
Phát hành bản đồ nuốt trọn Biển Đông
Trung Quốc vừa phát hành một bản đồ mới trong đó ngang nhiên tuyên bố chủ quyền phi pháp với hầu hết Biển Đông, bao gồm cả các quần đảo và vùng biển của Việt Nam.
Tân Hoa Xã đưa tin bản đồ trên được vẽ theo chiều dọc, do Nhà xuất bản Bản đồ tỉnh Hồ Nam phát hành. Bản đồ mới cho thấy rõ ngoài phần lục địa của Trung Quốc, phạm vi mà nước này gọi là "chủ quyền" của mình còn mở rộng ra khắp Biển Đông, kéo dài đến tận bờ biển của Malaysia và Philippines theo hình lưỡi bò, ôm trọn cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Vùng biển và các đảo trên Biển Đông được vẽ với tỷ lệ tương đương phần đất liền, khác với bản đồ truyền thống lâu nay của Trung Quốc.
Trong các bản đồ trước đây, chính quyền Trung Quốc cũng trắng trợn tuyên bố chủ quyền với trọn Biển Đông nhưng chỉ đưa các đảo vào một ô vuông nhỏ ở góc phía dưới.
Nhân dân Nhật báo biện bạch rằng cách vẽ mới sẽ giúp người dân "đọc được đầy đủ và trực tiếp toàn bộ bản đồ của Trung Quốc", trong khi nhà xuất bản thì mạnh miệng rằng bản đồ dọc "mang ý nghĩa thúc đẩy hiểu biết của người dân".
"Đường lưỡi bò" hay đường 9 đoạn là khái niệm được Trung Quốc đưa ra nhằm khẳng định tuyên bố chủ quyền với hầu hết Biển Đông. Yêu sách này của Trung Quốc bị các nước có liên quan, trong đó có Việt Nam và Philippines, cực lực phản đối.
Việt Nam khẳng định "đường lưỡi bò" của Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển liên quan ở Biển Đông.
Bản đồ dọc với tuyên bố "đường lưỡi bò" phi pháp mà Trung Quốc vừa phát hành. Ảnh: Xinhua
Những hành động ráo riết của Trung Quốc gần đây nhằm hiện thực hóa yêu sách trên, trong đó việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, vấp phải sự phê phán mạnh mẽ của dư luận thế giới.
Trong hội thảo quốc tế với chủ đề “Hoàng Sa - Trường Sa: Sự thật lịch sử” vừa diễn ra tại thành phố Đà Nẵng, các học giả trong và ngoài nước nhất trí rằng yêu sách "đường lưỡi bò" của Bắc Kinh là không có cơ sở pháp lý, lịch sử và vô giá trị.
Vu cáo tàu Việt Nam đâm va
Mặc dù huy động lực lượng tàu các loại khá đông đảo, trong đó có cả tàu quân sự để hung hăng xua đuổi, tấn công tàu kiểm ngư, tàu cá Việt nam nhưng Bắc Kinh lại dùng chiêu “vừa ăn cướp vừa la làng” để lòe bịp dư luận thế giới. Mới đây, Trung Quốc tiếp tục vu cáo rằng Việt Nam dùng phương tiện đâm va vào các tàu hải cảnh Trung Quốc hơn 1.400 lần tại khu vực gần giàn khoan Hải Dương 981, bất chấp thực tế là lực lượng chấp pháp Việt Nam chỉ đấu tranh bằng cách thức hòa bình.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc bịa đặt rằng "Việt Nam đã cử một lượng lớn tàu, người nhái và thả nhiều chướng ngại vật, trong đó có lưới đánh cá", xuống vùng biển mà Bắc Kinh hạ đặt trái phép giàn khoan 981. Reuters trích thông cáo viết "ngày 7/6, vào lúc cao điểm có 63 tàu của Việt Nam vượt hàng rào của Trung Quốc để đâm vào các tàu Trung Quốc tổng cộng 1.416 lần".
Thông tin này được đưa ra mà không có bất cứ bằng chứng nào kèm theo. Trên thực tế, chính các tàu của Trung Quốc đã tổ chức tấn công các tàu Việt Nam. Đại diện Cục Kiểm ngư Việt Nam cho hay ngày 7/6 tại khu vực giàn khoan, số lượng tàu Trung Quốc lên đến khoảng 120 tàu. Các tàu của Trung Quốc tổ chức thành từng nhóm, sẵn sàng đâm va, hú còi, phun vòi rồng vào các tàu Việt Nam. Một tàu kiểm ngư của Việt Nam đã bị hư hỏng do bị tàu của Trung Quốc đâm trực diện với tốc độ lớn.
Đây không phải là lần đầu tiên Bắc Kinh vu cáo Việt Nam tấn công, kể từ sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan vào hạ đặt trái phép trên thềm lục địa của Việt Nam. Ngày 26/5, tàu Trung Quốc rượt đuổi và đâm chìm tàu cá của Việt Nam khiến 10 ngư dân bị hất xuống nước. Hình ảnh vụ đâm tàu này được các ngư dân ghi lại và công bố cho cả thế giới. Tuy nhiên đại diện ngoại giao Trung Quốc nói rằng tàu Việt Nam quấy rối tàu Trung Quốc rồi sau đó tự chìm.
Các tàu và máy bay Trung Quốc không chỉ nhiều lần đe dọa sử dụng vũ lực bằng cách mở bạt che pháo, mà còn đâm húc làm hỏng tổng cộng 24 tàu thi hành luật pháp của Việt Nam.
Hung hăng và tạo hiện trường giả trên biển
Chiều 24-6, Cục Kiểm ngư (Tổng cục Thủy sản, Bộ NNPTNT) cho biết: Các tàu Trung Quốc tại khu vực giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt phi pháp trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam ngày càng hung hăng và mạnh động hơn trong việc ngăn cản, uy hiếp các tàu thực thi công vụ trên biển của Việt Nam và tàu ngư dân Miền Trung đang hoạt động gần giàn khoan trái phép.
Theo Cục kiểm ngư, Trung Quốc vẫn duy trì hơn 100 tàu quanh khu vực giàn khoan trái phép. Trong đó, 37-39 tàu hải cảnh, 12-14 tàu vận tải, 17-19 tàu kéo, 30 tàu cá và 6 tàu quân sự. Toàn bộ số tàu này được tổ chức thành nhóm từ 5-10 tàu xếp thành đội hình vòng cung quanh giàn khoan trái phép từ 10-11 hải lý. Ngoài ra, lúc 13g10 – 14g25, Trung Quốc còn sử dụng một máy bay cánh bằng sooshieeujCMS-B3586 hoạt động ở khu vực Nam – Đông Nam, cách giàn khoan 12 hải lý, bay ở độ cao 500-700m, lượn 4 vòng sau đó rời khỏi khu vực theo hướng Đông Bắc.
Khi các tàu kiểm ngư VN hoạt động cách giàn khoan trái phép 9-11 hải lý thì hàng loạt tàu hải cảnh, hải giám, hải tuần và tàu kéo của Trung Quốc kéo tới ngăn cản quyết liệt. Các tàu Trung Quốc dàn thành hàng ngang, sử dụng tốc độ cao áp sát các tàu của ta với khoảng cách từ 10-120m. Các tàu Trung Quốc có biểu hiện hung hăng, manh động và có ý đồ vây ép để đâm va, phun vòi rồng khi các tàu Việt Nam tiến vào.
8g sáng, ngày 24-6, khi các tàu thực thi công vụ của Việt Nam hoạt động cách giàn khoan 10,5 hải lý thì có 5 tàu kéo, 6 tàu hải cảnh và 1 tàu hải tuần chạy đến chặn hướng, áp sát ngăn cản. Tàu kiểm ngư KN-951 đã bị tàu kéo số 32 của Trung Quốc áp sát ở khoảng cách 100m, sau đó tàu kéo 284 của Trung Quốc áp sát ngăn cản ở khoảng cách gần nhất là 10m với mục đích đâm va. Tuy nhiên, các tàu của Việt Nam đã chủ động vòng tránh để đảm bảo an toàn.
Bên cạnh đó 30 tàu cá Trung Quốc với sự hỗ trợ của 2 tàu hải cảnh số hiệu 46102 và 46106 cũng tỏ ra quyết liệt trong việc vây ép các tàu cá của ngư dân miền Trung khi họ đang đánh bắt trên ngư trường truyền thống cách giàn khoan trái phép 40-45 hải lý. Cụ thể, các tàu Trung Quốc tổ chức thành hàng ngang bủa vây tàu ngư dân ta, sau đó cơ động và chạy song song với các tàu cá của ngư dân ở khoảng cách 20-50 m, không cho tàu ngư dân ta tiếp cận vào gần giàn khoan trái phép.
Ngoài số lượng lớn tàu quân sự, tàu hải cảnh, tàu vận tải, Trung Quốc còn sử dụng 35 tàu cá ngăn cản tàu cá của Việt Nam, khi chúng ta khai thác trên ngư trường truyền thống cách giàn khoan 38 -40 hải lý. Tại khu vực giàn khoan, Trung Quốc tiếp tục tổ chức các tàu thành từng nhóm, sẵn sàng đâm va, phun vòi rồng vào tàu thực thi pháp luật của Việt Nam.
Những ngày qua, các tàu Trung Quốc còn thực hiện nhiều thủ đoạn, vây ép, chặn đầu, khóa đuôi và giăng bẫy nhằm tạo bằng chứng giả bằng hình ảnh tàu của ta đâm va vào tàu Trung Quốc để quay phim, chụp ảnh. Tuy nhiên, lực lượng thực thi pháp luật của ta đã bình tĩnh, không mắc mưu Trung Quốc. Tàu kiểm ngư vẫn kiên trì bám trụ tại hiện trường giàn khoan, đồng thời tổ chức đấu tranh với cường độ cao để phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam.
Biến đảo chìm thành đảo nổi
Thời gian gần đây, báo chí Philipines tiếp tục thông tin về việc Trung Quốc đang đẩy mạnh cải tạo đất trái phép tới 5 khu vực trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam - gồm Đá Gạc Ma, Đá Châu Viên, Đá Ga Ven, Đá Tư Nghĩa và Đá Én Đất.
Theo truyền thông quốc tế, sau khi thành công trong việc cải tạo, làm nổi bãi ngầm Gạc Ma - Trung Quốc sẽ bắt đầu triển khai hành động tương tự tại bãi Chữ Thập với mục đích xây dựng căn cứ quân sự rộng đến 88km2.
Bên cạnh mục đích quân sự hiển nhiên mà ai cũng thấy được, việc Trung Quốc cấp tập xây dựng các căn cứ quân sự giữa Trường Sa còn được coi là âm mưu thâm hiểm nhắm đến nhiều mục tiêu khác như: tuyên bố chủ quyền, tạo cớ để gây xung đột trong khu vực hay thậm chí là thiết lập một vùng nhận diện phòng không nhằm biến biển Đông thành ao nhà của họ.