"Trùm" đường dây đánh bạc từng được đề xuất tuyển vào ngành Công an

Mạnh Hùng| 22/11/2018 14:18
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng nay (22/11), phiên tòa xét xử 92 bị cáo trong đường dây đánh bạc nghìn tỷ xảy ra tại tỉnh Phú Thọ bước sang ngày làm việc thứ mười, phiên tòa tiếp tục được diễn ra ở phần tranh tụng.

Mở đầu phiên tòa sáng nay, luật sư Trần Hồng Phúc, thuộc Công ty luật Nguyễn Chiến là một trong 5 luật sư, thuộc nhóm người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Dương bị truy tố và đưa ra xét xử về các tội “Tổ chức đánh bạc” và tội “Rửa tiền" đã đề nghị HĐXX giảm nhẹ tối đa trách nhiệm hình sự đối với thân chủ của mình. Bên cạnh đó, nữ luật sư còn cho rằng cần phải xử lý trách nhiệm của các nhà mạng trong vụ án này.

Hội đồng xét xử trong phiên tòa sáng nay

Theo luật sư Trần Hồng Phúc, đại đa số người chơi bạc sử dụng hình thức thẻ cào viễn thông của các nhà mạng (Viettel, Vinaphone, Mobifone) để đăng nhập vào hệ thống trò chơi do Công ty Nam Việt quản lý để đổi lấy Rik. Do sự quản lý lỏng lẻo của các nhà mạng để cho công ty trung gian thanh toán kết nối với nhà mạng nhằm gạch thẻ, điều đó chứng minh nhà mạng đang thu mua lại chính thẻ do mình phát hành ra. Luật sư Phúc nhấn mạnh: “Nếu các nhà mạng không cho phép gạch thẻ cào viễn thông của mình thanh toán cho các dịch vụ game thì không có việc dùng thẻ điện thoại đổi rik chơi game. Nhà mạng chỉ có thể cho gạch thẻ vào dịch vụ viễn thông của chính nhà mạng, nay lại cho thanh toán nội dung số của các game khác với phạm vi dịch vụ viễn thông của mình nên có phần lỗi của nhà mạng”.

Trước đó, tại phiên tòa xét xử sáng ngày 17/11, bị cáo Phạm Tuấn Anh (trưởng phòng kỹ thuật vận hành - trung tâm thanh toán công ty CNC) và Nguyễn Ngọc Thịnh (nhân viên trung tâm thanh toán công ty CNC) đã khẳng định thẻ cào viễn thông vốn chỉ là thẻ thanh toán giá cước khi sử dụng dịch vụ thông tin di động theo quy định.

Tuy nhiên, chúng lại được các nhà mạng đưa vào game bài, thông qua biện pháp phát hành rồi thu mua lại chính thẻ của mình thì mới nạp được vào game. Như vậy, việc phát hành thẻ rồi qua dịch vụ gạch thẻ mua lại chính là hành vi “biến” thẻ thanh toán dịch vụ viễn thông thành tiền. Nếu không có việc gạch thẻ này thì người chơi không đánh bạc được và không có vụ án này.

Nữ luật sư Phúc khẳng định: “Đại diện VKS cho rằng các cổng trung gian thanh toán như của CNC là để “nuôi sống con game” nhưng chúng tôi cho rằng các cổng này không nuôi sống được, sẽ chết nếu không cho gạch thẻ cào viễn thông. Bản chất cổng CNC chỉ là cổng chuyển tiếp gạch thẻ, do không kết nối trực tiếp với nhà mạng nên không gạch thẻ được”.

Các bị cáo tại phiên tòa sáng nay

Bên cạnh đó, cáo trạng truy tố cũng kết luận số tiền thu lời bất chính của các công ty viễn thông (Tổng công ty viễn thông quân đội Viettel, Tổng công ty dịch vụ viễn thông (Tập đoàn VNPT), Tổng công ty viễn thông Mobifone) phải truy thu là trên 1.200 tỷ đồng.

Sau khi vụ án bị khởi tố, các nhà mạng đã dừng dịch vụ thẻ cào thanh toán trực tuyến. Điều này chứng minh các nhà mạng đã nhận thấy lỗi sai của mình.

Nữ luật sư Trần Hồng Phúc còn dẫn lại thông tin từ truyền thông về hội nghị giao ban quản lý tháng 4/2018 của Bộ TT&TT. Tại đây, Cục Viễn thông được yêu cầu phải hoàn thành Đề án quản lý thẻ cào di động trong thanh toán dịch vụ nội dung số và báo cáo lãnh đạo Bộ trước ngày 15/5/2018. Sau đó, Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về biện pháp quản lý thẻ cào di động.

Như vậy, động thái này cho thấy quản lý nhà nước trong lĩnh vực viễn thông có những lỗ hổng, khiếm khuyết và cơ quan quản lý Nhà nước phải đi vào hoàn thiện hành lang pháp lý mà cụ thể là các biện pháp quản lý thẻ cào. Do đó, cần đánh giá nhìn nhận “nhân văn”, có tình, có lý đối với trách nhiệm hình sự của các bị cáo, trong đó có Nguyễn Văn Dương phạm tội liên quan đến game online trái phép trong bối cảnh thiếu khuyết về hành lang pháp lý liên quan trực tiếp đến việc sử dụng thẻ cảo viễn thông vào game bài.

Luật sư Trần Hồng Phúc nói: “Việc chưa xem xét đồng thời trách nhiệm của các nhà mạng trong vụ án này đã làm cho vụ án chưa được toàn diện, việc xử lý các bị cáo trong vụ án này thiếu vắng vai trò của các nhà mạng có phần gây bất lợi cho các bị cáo về tội đánh bạc, tổ chức đánh bạc…”.

Luật sư Trần Hồng Phúc trong phần bào chữa của mình

Cũng trong phần bào chữa cho thân chủ của mình là bị cáo Nguyễn Văn Dương, luật sư Trần Hồng Phúc đã dẫn nhiều văn bản, lời khai của các bị cáo Nguyễn Thanh Hóa, cựu Cục trưởng C50; Phan Văn Vĩnh, Cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, để chứng minh thân chủ từng được lãnh đạo cấp cao Bộ Công an phê duyệt tuyển vào ngành.

Theo luật sư Phúc, hồ sơ vụ án phản ánh, sau khi có lộ trình phát triển công ty nghiệp vụ bình phong, cựu Cục trưởng C50 đề nghị Dương xin vào ngành Công an. Bản cung của Dương thể hiện: "Anh Hóa bảo tôi làm đơn rồi sẽ xin lãnh đạo cấp trên để tuyển vào ngành. Ngày 17/3/2016, tôi làm đơn gửi anh Hóa. Ngày 18/3/2016 anh Hóa ký công văn gửi ông Vĩnh đề xuất tuyển nhưng do tôi không đủ điều kiện về chính trị nên không được".

Ngoài ra nữ luật sư Trần Hồng Phúc đã đưa ra dẫn chứng công văn 8/1/2018 của Cơ quan An ninh điều tra Công an Phú Thọ gửi Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát và Chánh Thanh tra Tổng cục cũng có nội dung xác nhận: "Ngày 18/3/2016, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa có công văn đề nghị Tổng cục trưởng tuyển Nguyễn Văn Dương vào ngành Công an...".

Các bị cáo được dẫn giải tới phiên tòa

Luật sư cũng nêu lại lời khai của ông Hóa tại phiên tòa vào chiều 20/11 để cho thấy "hôm đó ông Hóa cũng đã xác nhận nội dung này".

Từ những thông tin đưa ra, luật sư Phúc khẳng định: Do CNC là công ty bình phong của Bộ Công an nên C50, Tổng cục Cảnh sát và Bộ Công an đã có chủ trương quy hoạch để tuyển chọn Dương phục vụ lâu dài trong lực lượng.

Trước đó, bị cáo Nguyễn Văn Dương bị VKS đề nghị mức hình phạt tù từ 8 - 9 năm đối với tội Tổ chức đánh bạc; 3 - 4 năm tù đối với tội Rửa tiền, tổng hợp hình phạt chung cho cả 2 tội danh là từ 11 - 13 năm tù.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Trùm" đường dây đánh bạc từng được đề xuất tuyển vào ngành Công an