Trực thăng đưa ngư dân đột quỵ từ Trường Sa về đất liền điều trị

Chí Tâm| 07/03/2023 11:22
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Một ngư dân tại từ huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa) bị đột quỵ não cấp được trực thăng đưa về Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM) điều trị.

Theo đó, khoảng 5h00 ngày 5/3, nam bệnh nhân H.B. (71 tuổi, quê quán ở tỉnh Quảng Nam) khi đang khai thác hải sản trên biển thì đột nhiên ngã ra, sau đó bị liệt nửa người phải, không giao tiếp được. Các ngư dân nhanh chóng đưa bệnh nhân vào Bệnh xá đảo Song Tử Tây.

Trực thăng đưa ngư dân đột quỵ từ Trường Sa về đất liền điều trị

Tổ cấp cứu đường không, Bệnh viện Quân y 175 tích cực cấp cứu cho bệnh nhân trong suốt chuyến bay.

Bác sĩ trực thuộc đảo Song Tử Tây đã tiến hành khám, hội chẩn với Bệnh viện Quân đội Trung ương 108 và Bệnh viện Quân y 175 chẩn đoán thông qua điện thoại.

Sau khi hội chẩn, các bác sĩ xác định bệnh nhân gọi mở mắt nhưng không tiếp xúc, Glasgow 10 điểm, liệt hoàn toàn nửa người bên phải, sức cơ 0/5, kèm theo nôn ói, huyết áp cao khó kiểm soát. Kết luận chẩn đoán bệnh nhân bị liệt nửa người bên phải nghi do đột quỵ não. 

Ngay sau khi nhận được mệnh lệnh, Binh đoàn 18 nhanh chóng điều động trực thăng EC 225 số hiệu VN-8622 phối hợp với Tổ cấp cứu đường không Bệnh viện Quân y 175 - do Thượng úy, bác sĩ Tạ Văn Bạch làm tổ trưởng, xuất phát tại sân bay Tân Sân Nhất.

Tuy nhiên, khó khăn nhất trong tình huống này là thời gian vận chuyển từ đảo Song Tử Tây về với đất liền mất khoảng từ 4-5 giờ. Ngoài ra, sau khi lên trực thăng, áp lực nội sọ sẽ tăng, làm nặng thêm tình trạng của bệnh nhân.

Để đảm bảo an toàn, bác sĩ Bạch thống nhất với tổ bay để bay thấp nhất có thể, do đó, thời gian bay về chậm hơn bình thường.

Trực thăng đưa ngư dân đột quỵ từ Trường Sa về đất liền điều trị

Trực thăng đáp xuống nóc tòa nhà Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Quân y 175, đưa bệnh nhân về đất liền an toàn.

Vượt qua nhiều khó khăn, khoảng 19h ngày 6/3, trực thăng đáp xuống nóc tòa nhà Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Quân y 175 an toàn. Bệnh nhân được khẩn trương đưa vào Trung tâm cấp cứu.

"Bệnh nhân có những thời điểm huyết áp rất cao, chúng tôi phải dùng phương pháp hạ áp bằng thuốc đường tĩnh mạch. Tình trạng tăng áp lực nội sọ cũng khiến chúng tôi lo lắng suốt hành trình", bác sĩ Bạch kể lại.

Ngoài ra, nơi bệnh nhân đột quỵ là đảo xa nhất thuộc huyện đảo Trường Sa, nên thời gian bay kéo dài, nhiều nguy cơ rình rập tính mạng người bệnh.

May mắn, hiện tình trạng bệnh nhân đã ổn định, tiếp tục được điều trị tại bệnh viện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trực thăng đưa ngư dân đột quỵ từ Trường Sa về đất liền điều trị