Đó là cảm giác mà mẹ con chị Bùi Thị Hiền (sinh năm 1969) quê ở thôn Liên Sơn, xã Thạch Sơn, huyện Thạch Hà, tỉnh Thanh hóa phải trải qua trong suốt 13 năm, khi đối mặt với căn bệnh tan máu bẩm sinh.
Chị Hiền đưa con đi truyền máu tại bệnh viện
Một mình nuôi 2 con bị bệnh hiểm nghèo
Gặp chị Hiền tại tầng 3, khoa Thalassemia của Viện Huyết học Truyền máu Trung ương (Hà Nội) khi chị đi mua cơm chiều cho cậu con trai tên Bùi Văn Lương năm nay 13 tuổi, đang điều trị tại bệnh viện vì mắc bệnh tan máu bẩm sinh. Chị bảo, chị phải mua suất cơm 30 ngàn để có chút thịt bồi bổ sức khỏe cho con, con ăn xong còn lại gì thì mẹ ăn nốt. Đó là cách mà các bà mẹ chăm con ở Viện Huyết học Truyền máu Trung ương mách nhau để vừa có thức ăn bồi bổ cho con vừa có cơm ăn cho mẹ.
Lần này cũng như bao lần trước, chị một mình mang con từ Thanh Hóa ra Hà Nội điều trị trong thời gian quy định là 12 ngày/tháng. Đó là với điều kiện sức khỏe cháu Lương ổn định, còn nếu xảy ra điều gì bất thường thì không căn cứ ngày, tháng.
Khi tôi hỏi chồng chị đâu, sao không ra Hà Nội cùng chị chăm cháu Lương, thì chị bưng mặt khóc. Những giọt nước mắt tuôn lã chã như thể đã kìm nén từ lâu lắm. Lấy tay quệt ngang dòng nước mắt, chị kể cho tôi nghe về quá khứ buồn. Chị Hiền là con út trong một gia đình làm nông, đông anh em. Kinh tế gia đình khó khăn nên chị nghỉ học từ sớm, đi làm kiếm tiền phụ bố mẹ. Đến năm 32 tuổi, chị yêu và nên duyên vợ chồng với một người con trai cùng tuổi, cùng làng. Hạnh phúc lứa đôi tròn đầy khi chị mang thai đứa con đầu lòng. 9 tháng 10 ngày hồi hộp, chờ mong cũng qua đi, chị sinh hạ một bé trai kháu khỉnh cho gia đình nhà chồng, đặt tên là Bùi Văn Lương. Nhưng, khi được 9 tháng tuổi, cháu Lương có những biểu hiện bất thường như xanh xao, gầy gò, quấy khóc suốt ngày đêm.
Chị đưa con đến Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thành khám và nhận được kết luận từ các bác sĩ là bị thiếu máu nặng cần phải chuyển gấp đi Bệnh viện Nhi Trung ương. Nhưng, chỉ còn vài ngày nữa là đến tết nguyên đán, chị đành im lặng, giấu chuyện con bị bệnh để cả nhà ăn tết cho ngon. Hằng đêm, chị một mình ôm con khóc thầm. Sau tết, chị cùng với người anh trai bồng bế cháu Lương ra Bệnh viên Nhi Trung ương khám, chị rụng rời chân tay khi nghe bác sĩ kết luận con bị bệnh tan máu bẩm sinh.
Ngay lập tức, các bác sĩ tiến hành truyền máu cho cháu Lương vì bị thiếu máu trầm trọng. Sau đận đó trở về nhà, chị như người mất hồn không dám nói với ai về bệnh tình của con. Đến ngày bác sĩ hẹn ra điều trị, chị mới nói với chồng những mong được người đầu ấp tay gối san sẻ và làm chỗ dựa cho mẹ con chị trong lúc này.
Thật không ngờ, người chồng chẳng những không thương mẹ con chị mà còn hắt hủi và cho rằng nguyên nhân khiến cháu Lương bị bệnh chính là do chị Hiền gây ra.
Tai chị Hiền ù đi khi nghe những lời chồng nói. Chị ngã khụy và suy sụp hoàn toàn. Từ đó, chị cứ lủi thủi một mình vừa làm vừa đưa con đi chữa bệnh. Đến khi không thể chịu đựng được người chồng bạc bẽo, chị đành ôm con về nhà ngoại cậy nhờ.
Sau một thời gian, người chồng sang xin lỗi và ở cùng mẹ con chị tại nhà ngoại. Chị sinh cho anh ta thêm một cậu con trai thứ 2. Số phận thật trớ trêu khi cứ mãi đùa giỡn với chị, căn bệnh tan máu bẩm sinh quyết bám lấy các con chị. Con trai thứ 2 của chị cũng mắc bệnh giống như anh nó. Người chồng đổ mọi tội lỗi lên đầu chị và thêm một lần nữa khoét sâu vào nỗi đau của 3 mẹ con.
Anh ta bỏ đi để lại chị với 2 đứa con ốm đau, bệnh tật. Nước mắt chảy giữa đêm đông, tiếng khóc nấc lên mỗi trưa hè khi phải một mình bế hai con đi chữa bệnh. Chị nhớ lại thời điểm 8 năm về trước, khi đã bán hết đồ đạc trong nhà mà vẫn không đủ tiền đưa cả 2 con ra Bệnh viện Nhi Trung ương để chữa bệnh, đành phải để 2 con ở bệnh viện huyện. Hình ảnh hai đứa nhỏ trên giường bệnh truyền chung một túi máu khiến tim chị thắt lại. Do thể chất yếu, cộng với việc điều trị quá nhiều hóa chất, thuốc men, đứa con thứ 2 đã bỏ chị mà đi khi mới được 2 tuổi.
"Cho con ra đường ăn xin đi mẹ"
Bản thân chị Hiền cũng bị bệnh tiểu đường, phải uống thuốc 3 năm nay. Có những lúc, chị bị tụt đường huyết ngã lăn ra đường, nhưng chị nghĩ, nếu mình chết thì ai sẽ chăm con, nên lại gắng gượng vượt qua tất cả. Chị tâm sự rằng, nhiều lúc nhìn thấy con nhà người ta có bố, có mẹ chăm sóc trong khi đó con mình chỉ có mình mẹ mà thương con chảy nước mắt.
Dù biết bệnh của con không thể chữa khỏi nhưng chị vẫn cố gắng hết sức để chạy chữa cho con. Chị sợ một ngày nào đó, con sẽ không còn ở bên mình. Nỗi lo, sự sợ hãi không chỉ đến từ căn bệnh quái ác đang ngày ngày hành hạ con, mà còn đến từ số tiền điều trị hàng tháng của cháu Lương. Từ năm 2009 đến nay, do bệnh tình của cháu Lương ngày một nặng nên cháu được chuyển về Viện Huyết học Truyền máu Trung ương để điều trị. Mỗi đợt ra Hà Nội điều trị, trung bình hai mẹ con tiêu hết 4 triệu đồng.
Vì nhà không có điều kiện nên ngay cả việc thuê một chiếc giường gấp với giá 5 ngàn đồng/đêm chị cũng không dám thuê. Chị bảo tiền đó, để hôm sau mua thức ăn cho con. Vậy là đông cũng như hè, hai mẹ con lại trải manh chiếu, tấm bìa cát tông ra nền nhà để nằm ngày này qua tháng khác.
Thấy hoàn cảnh của chị đáng thương, nhiều bà mẹ cùng phòng chăm con ốm đã quyên góp cho chị ít tiền gọi là đỡ đần nhau trong lúc khó khăn. “Nhiều hôm, không có tiền để ăn cơm, có người nói với tôi rằng, em mua nhiều cơm ăn không hết nhưng không dám mời chị vì sợ chị bảo là ăn thừa. Tôi cám ơn và nói với cô ấy rằng, cô cho là tôi mừng rồi, cô ăn được thì cớ sao tôi không ăn được”, chị Hiền tâm sự trong nước mắt.
Chị kể nhiều lúc trong nhà không có một đồng nào, đã vay khắp lượt anh em, nợ cũ chưa trả được đã tính đến chuyện đi vay mới. Bởi, chị không làm gì ra tiền ngoài 2 sào ruộng. Chuyện đi vay lãi nóng trong ngày để có tiền đưa con đi chữa bệnh là chuyện thường tình. Nhiều khi bác sĩ trách tôi là tại sao cứ để con bị nặng mới chuyển ra ngoài này, tôi chỉ biết khóc. Cơ sự cũng bởi tôi không biết vay đâu ra tiền.
Biết mẹ không có tiền, cháu Lương nói với mẹ: “Mẹ ơi, mẹ mượn xe đẩy, rồi mẹ đẩy con ra đường đi ăn xin đi mẹ, không thì nhà mình chết đói mất. Con không chữa bệnh nữa đâu, tốn tiền lắm, mẹ cho con về nhà con nằm với bà…”.
Dẫu biết trong xã hội còn nhiều lắm những hoàn cảnh khó khăn, nhưng nếu những bệnh nhân bị mắc chứng tan máu bẩm sinh được cả cộng đồng chung tay, giúp đỡ, thì tin rằng những cảnh đời bất hạnh, những số phận éo le sẽ vơi bớt đi phần nào cực nhọc, có thêm nghị lực để đi hết cuộc đời dẫu ngắn ngủi mà tràn đầy tình thương.