Việc điều động phân công 2 đồng chí Trần Sỹ Thanh và Đào Hồng Lan vào hai vị trí chủ chốt vừa qua, đã và đang cho thấy sự đổi mới mạnh mẽ trong tư duy, thay đổi trong cách bố trí cán bộ lãnh đạo của Đảng và Bộ Chính trị nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Vậy là 2 vị trí quan trọng là Chủ tịch UBND TP Hà Nội và người đứng đầu ngành Y tế vừa qua đã chính thức đươc công bố.
Chuyện tốt này nếu là trước đây, việc một cán bộ được Đảng điều động, bổ nhiệm hay tổ chức giới thiệu, theo đúng quy trình bỏ phiếu, rồi đắc cử chức vụ vốn không chỉ là niềm vui của cá nhân người đó, mà còn là niềm vui chung của cả dòng họ, bạn bè khi trong nhà có người “được lên chức”. Chẳng gì thì cũng “một người làm quan, cả họ được nhờ”. Nhưng giờ đây tình hình đã khác, việc lên chức đã được cả người trong cuộc và người ngoài cuộc nhìn nhận đúng bản chất hơn, trên cả niềm vinh dự còn là sự gánh vác trọng trách, đôi khi là gánh vác nhiệm vụ không dễ dàng gì.
Đó cũng là trường hợp của tân Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh và Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khi cả 2 vị tân lãnh đạo này đều nhậm chức trong bối cảnh có nhiều vấn đề “nóng” và “khó” đang chờ đợi họ ở phía trước.
Không “nóng” và “khó” làm sao được khi Hà Nội- trái tim của cả nước vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém cần khắc phục. Là Thủ đô của cả nước nhưng Hà Nội chưa thể hiện rõ vai trò là trung tâm, động lực tăng trưởng và phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước; năng lực cạnh tranh còn thấp, nhất là so với khu vực và thế giới. Hạ tầng kinh tế, xã hội phát triển chưa đáp ứng được yêu cầu; công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, xây dựng, phát triển đô thị, trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường còn hạn chế; phát triển kinh tế, xã hội, phát triển đô thị chưa toàn diện, thiếu đồng bộ; nhiều dự án lớn chậm được triển khai, gây lãng phí nguồn lực; việc quy hoạch xây dựng các đô thị vệ tinh không đạt kế hoạch… Trong đó có nhiều vấn đề gây bức xúc cho người dân như tai nạn giao thông, tắc đường, ngập lụt, ô nhiễm, hỏa hoạn, chung cứ xuống cấp… vẫn chưa được cải thiện nhiều.
Làm sao để xây dựng và phát triển Thủ đô theo Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045: “Thủ đô Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng đồng bằng Sông Hồng và cả nước”; Hà Nội còn là Thủ đô của lương tri và phẩm giá, nơi hội tụ tinh hoa của đất trời, nơi lắng đọng hồn thiêng sông núi, vẫn là “bài toán” lớn đang chờ lời giải, đặc biệt rất cần bản lĩnh, sự thông thái, tinh tường của người đứng đầu Thành phố.
Ngành Y tế- một lĩnh vực quan trọng trong trụ cột chính sách an sinh xã hội của cả nuớc đang “chao đảo trong cơn khủng hoảng”. Những sai phạm có tính hệ thống trong vụ việc Việt Á đã và đang càn quét nhiều vị trí trọng yếu trong ngành từ cấp Bộ đến từng địa phương, khiến cho cả người trong và ngoài ngành Y tế hoang mang với chính 2 chữ "Lương y". Uy tín và niềm tin sụt giảm, sự hoang mang làm một bộ phận cán bộ ngành e ngại “không dám làm”, không dám chịu trách nhiệm với chức trách của mình.
Không ít khó khăn tồn đọng từ trước vẫn chưa được tháo gỡ kịp thời do vướng cơ chế, hoặc chưa có hành lang pháp lý để giải quyết hiệu quả như tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế ngày càng phổ biến ở các bệnh viện trong cả nước. Hàng loạt bác sĩ và nhân viên y tế nghỉ việc dẫn đến tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng ở các cơ sở chăm sóc sức khỏe cấp cơ sở ngày càng phổ biến… đang là những thách thức không nhỏ với ngành Y tế.
Không “nóng” và “khó” sao được khi ở cả hai chức vụ này đều đã có những lãnh đạo tiền nhiệm từng được tổ chức tiến cử, Đảng giao trọng trách, nhân dân tin yêu, nhưng vì cả những nguyên nhân khách quan và chủ quan đã đánh mất mình, phụ lại niềm tin yêu ấy, thậm chí bản thân họ còn dính vào vòng lao lý. Không ít những bài học đau xót trong công tác cán bộ, lỗ hổng về cơ chế, sự suy thoái tư tưởng, đạo đức người đảng viên và cả câu chuyện “tiến cử nhầm cán bộ” cũng được đặt ra, như một trong những rào cản về tâm lý mà những người kế nhiệm phải có bản lĩnh vượt qua.
Những khó khăn thách thức đối với 2 vị trí công việc không chỉ người ngoài cuộc nhìn rõ, mà ngay chính những nhân sự được tin tưởng giao trọng trách cũng cảm nhận sâu sắc. Tân Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh khi nhận nhiệm vụ đã nói: “Với cá nhân tôi, nhận nhiệm vụ Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội là niềm vinh dự, đồng thời mang trách nhiệm hết sức lớn lao trước Đảng bộ, chính quyền, cử tri và nhân dân Thủ đô”. Ông cũng đã thẳng thắn chia sẻ rằng: “Trước lịch sử ngàn năm văn hiến, với quy mô và tầm vóc vĩ đại của Thủ đô - trong đó có tôi thấy mình nhỏ bé, nhưng nhận thức được nhiệm vụ được giao là to lớn”.
Tuy nhiên Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh cũng khẳng định, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội hôm nay xây dựng Thủ đô còn đối mặt nhiều khó khăn và thách thức, nhưng cơ hội và thuận lợi vẫn là chủ yếu. Bởi vì chúng ta có 3 điểm tựa quan trọng: Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị- điểm tựa về chính trị; Hiến pháp và Luật Thủ đô - điểm tựa về pháp lý; và chúng ta có truyền thống hào hùng, có lòng dân hướng tới một thủ đô lương tri và phẩm giá, với tinh thần Hà Nội cùng cả nước, cả nước cùng Hà Nội - đây là điểm tựa về tinh thần, nguồn lực vật chất to lớn. Vì vậy, chúng ta có quyền tin tưởng rằng Hà Nội sẽ chuyển mình và phát triển rực rỡ.
Không khác là mấy, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khi nhận nhiệm đã rất bất ngờ. Bà cho biết, đến khi nhận được văn bản chính thức thì cũng chỉ mới được thông báo trước đó 2 ngày.
"Khi về nhận nhiệm vụ của ngành với một tâm thế bộn bề suy nghĩ không biết có đảm nhận được nhiệm vụ nặng nề này hay không? Có đáp ứng được yêu cầu của ngành hay không?, tân Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế chia sẻ và ước rằng, bản thân trước đây học ngành y để bây giờ tự tin nhận nhiệm vụ và nhanh chóng bước vào cuộc một cách nhanh nhất.
"Rất nhiều người hỏi tôi tại sao không phải là người xuất phát từ ngành y mà lại dũng cảm nhận nhiệm vụ lãnh đạo ngành y vào lúc này? Nhận câu hỏi đó, tôi nghĩ rằng với vai trò trách nhiệm của người đảng viên là chấp hành sự phân công công việc của Đảng và Nhà nước, có thể tôi hoặc người nào đó cũng phải nhận nhiệm vụ này, nhận sự dũng cảm này và tôi đã được sự tin tưởng của Bộ Chính trị, của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, do đó với trách nhiệm của người Đảng viên tôi cũng sẽ nỗ lực để tiếp cận công việc và cùng tập thể lãnh đạo Bộ Y tế từng bước tháo gỡ khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ được giao", Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan khảng khái chia sẻ.
Liên quan tới công tác cán bộ, đặc biệt là 2 vị trí quan trọng này, tại kỳ tiếp xúc cử tri vào ngày (23/6), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành thời gian nói về việc chọn người làm Chủ tịch UBND TP Hà Nội và Bộ trưởng Bộ Y tế. Tổng Bí thư khẳng định, quan trọng là phải chọn đúng cán bộ, phải làm thật chính xác, không được vội vàng.
Theo Tổng Bí thư, nếu đưa vội người nào đó vào vị trí đang khuyết mà họ không chín chắn thì lại là lựa chọn không chính xác. “Phải chọn người cho đúng, chính xác”, Tổng Bí thư nêu rõ.
Việc điều động phân công 2 đồng chí Trần Sỹ Thanh và Đào Hồng Lan vào hai vị trí chủ chốt vừa qua, đã và đang cho thấy sự đổi mới mạnh mẽ trong tư duy, thay đổi trong cách bố trí cán bộ lãnh đạo của Đảng và Bộ Chính trị nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Chúng ta tin tưởng rằng, với sự thận trọng, bài bản và quyết đoán của Đảng, Bộ Chính trị, sự kỳ vọng của người dân, cũng như kinh nghiệm, sự sáng tạo, tâm huyết và tâm thế vững vàng khi nhận nhiệm vụ của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh và Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, các đồng chí sẽ vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt trọng trách mà Đảng giao phó, dẫn dắt Thủ đô và ngành Y tế phát triển bứt phá, góp phần đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển cường thịnh.