Bình Nhưỡng tiếp tục đưa ra lời đe dọa Hàn Quốc sau khi nước này tuyên bố trừng phạt các thực thể của Triều Tiên.
Mới đây, hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc trích dẫn một bản tin của Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết, Triều Tiên đưa ra lời cảnh báo Hàn Quốc rằng Seoul sẽ phải trả giá đắt vì đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt mới chống Bình Nhưỡng do các chương trình hạt nhân và tên lửa.
Bản tin của KCNA cũng dẫn lời một người phát ngôn của Hội đồng Tham vấn Hòa giải Dân tộc, cơ quan giải quyết giao lưu và hợp tác liên Triều chỉ trích, các biện pháp trừng phạt của Hàn Quốc là một hành động khiêu khích có động cơ chính trị không thể dung thứ.
Đồng thời, người phát ngôn của Hội đồng Tham vấn Hòa giải Dân tộc nhấn mạnh, các biện pháp trừng phạt và thủ đoạn gây áp lực từ những kẻ kết thân với Mỹ sẽ chỉ khiến chúng phải trả giá đắt.
Triều Tiên tuyên bố Hàn Quốc sẽ phải "trả giá đắt" vì các lệnh trừng phạt
Trước đó, đại diện Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết sẽ đưa thêm 20 tổ chức và 12 cá nhân của Triều Tiên vào danh sách bị trừng phạt có hiệu lực từ ngày 11/12. Lý giải về điều này, đại diện Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nhấn mạnh, Seoul đang nỗ lực cắt đứt những nguồn tài trợ cho các chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.
Triều Tiên cũng vừa thẳng thừng đưa ra lời chỉ trích tổng thống Hàn Quốc vì "cầu xin" tăng cường áp lực và trừng phạt lên Bình Nhưỡng khi tới thăm Trung Quốc.
Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận đảng Lao động Triều Tiên mô tả chuyến thăm của Tổng thống Moon là chuyến đi vô nghĩa của một kẻ ăn xin đang cố thoát khỏi sự cô lập quốc tế do chính sách đi theo Mỹ của ông gây ra.
Theo tờ báo, chuyến thăm còn làm leo thang đối đầu với người dân trong nước bằng cách tăng cường hợp tác với các thế lực nước ngoài nhằm trừng phạt, gây áp lực với Triều Tiên.
Trước đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 13/12 tới Bắc Kinh, bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc dài 4 ngày. Ông Moon đã hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nhất trí 4 nguyên tắc chính nhằm giải quyết vấn đề Triều Tiên, giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên gồm không có chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, phi hạt nhân hóa bán đảo, tìm giải pháp hòa bình cho vấn đề hạt nhân và cải thiện quan hệ Seoul - Bình Nhưỡng.