Hướng tới kỷ niệm 64 năm Ngày Truyền thống Bộ đội Biên phòng (3/3/1959-3/3/2023), 34 năm “Ngày Biên phòng toàn dân” (3/3/1989-3/3/2023), Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn cùng người dân địa phương tham gia trồng tre Bát Độ giáp biên giới.
Ngày 28/2, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị đã phối hợp với UBND huyện Cao Lộc, UBND thị trấn Đồng Đăng đã triển khai mô hình “Lũy tre biên giới Việt Nam” tại khu vực cửa khẩu, với khẩu hiệu: Biên cương nước Nam, giang san giữ vững. Tre xanh đất Việt, hào kiệt huy hoàng. Vì chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.
Ông Lê Trí Thức, Bí thư Huyện ủy Cao Lộc, tham gia trồng tre Bát Độ cùng bộ đội Biên phòng.
Theo đó, 1.200 cây tre Bát Độ giống đã được trao tặng cho 18 hộ dân tham gia tự quản đường biên, mốc giới trên địa bàn. Toàn bộ cây tre Bát Độ này được ươm giống tại Phú Thọ.
Bộ đội Biên phòng, dân quân và Hội phụ nữ huyện Cao Lộc cùng triển khai mô hình “Lũy tre biên giới Việt Nam”
Ngay sau khi trao tặng, Bộ đội Biên phòng, dân quân cùng Hội phụ nữ huyện Cao Lộc tham gia trồng tre dọc theo 1,3km đường biên giới thuộc khu Kéo Kham, thị trấn Đồng Đăng, từ khu vực mốc 1113 đến mốc 1116.
Bộ đội Biên phòng đưa tre ra khu vực biên giới
Tre Bát Độ được trồng theo quy chuẩn mỗi cây cách nhau 5m và chỉ cách hàng rào biên giới xây bằng tường, có dây thép gai của phía Trung Quốc vài chục mét.
Tre Bát Bộ được trồng dọc đường biên giới thuộc khu Kéo Kham, thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc.
Dự kiến mỗi hộ dân sẽ trồng khoảng 10 – 30 gốc tre theo giai đoạn tại khu vực biên giới.
Mô hình “Lũy tre biên giới Việt Nam” không chỉ là “hàng rào mềm” mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân vùng biên giới. Tre Bát Độ có thể thu hoạch sau 2 – 3 năm trồng. Trung bình năm đầu tiên cho thu hoạch từ 11-23 kg măng/bụi, đến năm thứ 6 cho thu 20 – 25 kg măng/bụi, sang năm thứ 7 – 8 có thể cho 30 – 40kg măng/bụi.