Trên quyết dưới… liệt

congly.com.vn| 13/04/2012 10:50
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Khu vực nông thôn đang có nguy cơ mất đất vì đô thị hóa, trở thành đối tượng dễ bị rủi ro và tổn thương trong kinh tế hội nhập và tác động biến đổi khí hậu. Đây cũng là khu vực sản xuất còn nhỏ lẻ, tỷ lệ hộ nghèo cao, kỹ thuật sản xuất thấp, thiếu tổ chức sản xuất với quy mô lớn và đầu tư vốn lớn.

Bộ Lao động - Thương binh & xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) đã đề xuất và được Chính phủ phê duyệt đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” nhằm thực hiện nhiệm vụ “xây dựng kế hoạch và giải pháp đào tạo, nâng cao kiến thức và kỹ năng của nông dân, lao động nông thôn, cán bộ và cán bộ cơ sở” được nêu trong Nghị quyết số 24 của Chính phủ.

Dạy cắt may cho lao động nông thôn

Đề án 1956 với kinh phí 32.000 tỉ đồng đặt mục tiêu đào tạo mỗi năm 3 triệu lao động, trong đó có 1 triệu lao động nông thôn được đào tạo mỗi năm, chuyển đổi ngành nghề sang phi nông nghiệp, có thể “ly hương hoặc bất ly hương” sẽ là giải pháp căn cơ. Việc này, được Bộ LĐ-TB&XH và Tổng cục Dạy nghề làm khá bài bản. Kế hoạch là đào tạo nghề phi nông nghiệp do Tổng cục Dạy nghề đảm trách, phần dạy nghề nông nghiệp giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì. Thậm chí còn có hội nghị, ký kết hợp tác và giao nhiệm vụ cho các đơn vị có liên quan,trong đó, việc dạy nghề nông nghiệp vùng ĐBSCL giao cho Viện lúa ĐBSCL. Thế nhưng từ khi ký kết đến nay thì không thấy nhắc đến chuyện này nữa.

Qua 1 năm thực hiện thì Đề án 1956 lại sắp trở thành "phong trào" cũ. Kết quả hạn chế, học xong không được làm và cũng không làm được. Theo các chuyên gia, trở ngại chính là do mỗi cơ quan đều thực hiện theo cách riêng, không đồng bộ và đặc biệt là thiếu đánh giá nhu cầu của các nhóm đối tượng nông dân và cán bộ địa phương theo các tiểu vùng sinh thái và địa lý hành chính khác nhau. Do vậy đã dẫn đến tình trạng đào tạo không địa chỉ, cuối cùng người được đào tạo nghề hoặc là không kiếm được việc làm hoặc là kiếm được việc làm nhưng không đúng theo chuyên môn được đào tạo. Bên cạnh đó, vẫn chưa có một trung tâm nghiên cứu dự báo, đào tạo nghề cho nông dân và cán bộ địa phương theo phương pháp mới là “lấy người học làm trung tâm”.

Thiếu cơ sở vật chất, thiếu giáo viên dạy nghề chuyên nghiệp và chưa hề khảo sát nhu cầu nghề nghiệp cho lao động từng vùng ở nông thôn. Các trung tâm đào tạo có khả năng ngành gì thì chiêu sinh ngành ấy, do vậy, chưa gắn kết tốt giữa đào tạo, dạy nghề và giải quyết việc làm. Thực tế chỉ ra rằng không nên thành lập ở mỗi huyện một trung tâm đào tạo nghề mà cần có sự liên kết vùng trong đào tạo dạy nghề, cần có trung tâm đào tạo nghề chuyên nghiệp cấp vùng có chất lượng. Trong khi đó, với 2.790 làng nghề và trên 11 triệu lao động, có thể gánh vác việc dạy nghề theo mô hình thí điểm khá thành công của hiệp hội làng nghề Việt Nam theo đó việc đào tạo nghề phải bảo đảm cho người lao động sống được với nghề. Mô hình thí điểm này cần nhân rộng. Sau 1 năm triển khai, đã có cảnh báo nếu không chấn chỉnh rốt ráo, 32.000 tỷ đồng sẽ có nguy cơ lãng phí, mà nguyên do bởi "trên quyết dưới… liệt"!

Bảo Dân

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trên quyết dưới… liệt