Theo kết quả điều tra của Tổ chức Quỹ nhi đồng LHQ tại Việt Nam (UNICEF), trung bình mỗi năm ở Việt Nam có 7.000 trẻ em bị chết vì đuối nước.
Nhiều nguyên nhân dẫn đến đuối nước
Vụ 9 học sinh tử vong do đuối nước tại Quảng Ngãi xảy ra ngày 15/4 là một tai nạn hết sức thương tâm, một lần nữa gióng hồi chuông cảnh báo về tình trạng tai nạn đuối nước ở trẻ em nước ta.
Theo bà Vũ Thị Kim Hoa – Phó Cục trưởng Cục bảo vệ chăm sóc trẻ em, tỷ suất tử vong do tai nạn, thương tích trong độ tuổi từ 0-19 tuổi ở Việt Nam giai đoạn 2010-2013 vẫn còn cao so với các nước trên thế giới, cao gấp đôi tỷ suất tử vong do tai nạn, thương tích ở các nước có thu nhập cao. Đặc biệt, tỷ lệ trẻ em Việt Nam bị đuối nước cao gấp 10 lần các nước đang phát triển và chỉ đứng sau số ca tử vong do tai nạn giao thông.
Theo kết quả điều tra của Tổ chức Quỹ nhi đồng LHQ tại Việt Nam (UNICEF), trung bình mỗi năm ở Việt Nam có 7.000 trẻ em bị chết vì đuối nước, trong đó chiếm tới 50% là trẻ dưới 5 tuổi.
Trẻ tự chèo thuyền đến trường . Ảnh: Dân trí
Nguyên nhân gây đuối nước thì rất nhiều, đó có thể là do sự lơ là, chủ quan của bố mẹ chưa giám sát trẻ chặt chẽ hay thiếu người trông nom, chăm sóc bé để trẻ tự do vui chơi gần những nơi có mối hiểm họa tiềm tàng tai nạn này.
Đối với trẻ em dưới 5 tuổi có thể gặp tai nạn này ngay trong xô, chậu, chum, vại, bể chứa nước, ao hay giếng khơi trong gia đình. Trẻ lớn hơn có thể gặp tai nạn này ở ao, hồ, sông, suối,...
Trong dịp nghỉ hè, trẻ em khu vực nông thôn thường phụ giúp gia đình như ra đồng, sông suối mò cua, bắt ốc, chăn trâu bò... cũng dễ có nguy cơ bị đuối nước.
Thậm chí, khi trẻ chơi gần các khu vực ao hồ quanh nhà mà không có rào chắn, hố nước sâu sau khi đào lấy đất và các hố ở các công trình xây dựng không có rào chắn, nắp đậy…, trẻ mải chơi có thể sẩy chân và ngã xuống.
Tai nạn đuối nước cũng một phần là do trẻ không biết bơi, chưa được dạy kỹ năng đảm bảo an toàn và xử lý tình huống khi bơi và không có kỹ năng cứu đuối.
Có trường hợp, trẻ không biết bơi và không có kỹ năng cứu đuối lại nhảy xuống nước cứu bạn, dẫn đến hậu quả không những không cứu được bạn mà mình cũng bị đuối theo. Ngay cả khi trẻ biết bơi mà không có kỹ năng cứu đuối thì cũng bị đuối theo, do đó có thể thấy rằng bơi giỏi chưa đủ, mà quan trọng là phải có kỹ năng cứu đuối đảm bảo an toàn cho bản thân và người được cứu.
Tạo môi trường sống an toàn cho trẻ
Phòng chống tai nạn đuối nước trẻ em không chỉ là trách nhiệm của gia đình mà là của toàn xã hội. Vì vậy cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho người dân; xây dựng môi trường sống an toàn cho trẻ em.
Một trong những việc cần đưa vào chương trình giáo dục phổ thông là dạy bơi cho trẻ, dạy kỹ năng sống và kỹ năng an toàn dưới nước. Từng bước đưa môn bơi vào trong trường học một cách rộng rãi, đẩy mạnh xã hội hóa công tác dạy bơi... Phổ cập kỹ năng sơ, cấp cứu trẻ em bị đuối nước cho mạng lưới y tế cơ sở và đội ngũ cộng tác viên…Mỗi gia đình hãy quan tâm, chăm sóc, tạo điều kiện cho các em hiểu biết, biết bảo vệ mình trong môi trường nước ngay từ khi còn nhỏ.
Trẻ em khi bơi phải được người lớn giám sát thường xuyên. Nhà có trẻ nhỏ tốt nhất không nên để những lu nước, thùng nước, nếu bắt buộc phải có (như vùng phải tích trữ nước ngọt để dùng) nên đậy thật chặt để trẻ em không mở nắp được. Nhà có hồ bơi nên rào kín xung quanh và cửa có khóa để trẻ em không mở cửa được, có hệ thống báo động khi trẻ em vào. Nên cho trẻ tập bơi sớm (trên 4 tuổi). Người lớn nên đưa con đi học trong mùa mưa lũ, đặc biệt khi phải đi qua suối, sông.
Tăng cường phối hợp giữa các ngành, đoàn thể xây dựng nội dung và tổ chức thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng chống đuối nước trẻ em đến rộng rãi các tầng lớp nhân dân; đặc biệt, chú trọng đến vùng khó khăn, vùng có tỷ lệ trẻ bị đuối nước cao.
Cần xây dựng mô hình trường học an toàn; tổ chức các lớp sinh hoạt hè, thu hút các em học sinh tham gia, những nơi có điều kiện có thể dạy bơi cho các em…Đặc biệt, cần quan tâm trang bị những kỹ năng sống và giám sát cho các bậc phụ huynh, đây chính là điều kiện chăm sóc, bảo vệ các em tốt nhất để các em được phát triển một cách toàn diện và xã hội không còn phải chứng kiến những cái chết thương tâm do tai nạn đuối nước gây nên.
Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu kiểm soát tình hình tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là tai nạn đuối nước và tai nạn giao thông nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ em, hạnh phúc của gia đình và xã hội. Mục tiêu cụ thể của Chương trình là giảm tỷ suất trẻ em bị tai nạn, thương tích xuống còn 600/100.000 trẻ em; giảm tỷ suất trẻ em bị tử vong do tai nạn, thương tích xuống còn 17/100.000 trẻ em. Chương trình cũng sẽ xây dựng Cộng đồng an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em và nhân rộng mô hình phòng, chống đuối nước trẻ em. |