Có rất ít người bỏ công, bỏ sức và bỏ cả tiền bạc để đi sưu tầm những tờ báo cổ đã cách chúng ta cả thế kỷ, có thể gọi đó là những tờ báo quốc ngữ đầu tiên của nền báo chí nước nhà.
Vì vậy, một cuộc trưng bày triển lãm về sách báo cổ và có cả một buổi tọa đàm về sách báo cổ vừa được tổ chức tại Thư viện Hà Nội, do diễn đàn sachxua.net và Trung tâm sách báo Đông Tây tổ chức từ ngày 18/4 đến ngày 21/4 tới mang tên “150 năm Báo chí Quốc ngữ”. Đây cũng là một trong những hoạt động hướng tới kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí Cách Mạng Việt Nam.
Từ trái qua phải: Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, nhà sưu tầm Tạ Thu Phong, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, nhà văn Trương Đức Quý và nhà sưu tầm Hoàng Minh
Hơn 150 đầu báo các loại được trưng bày lần này tập hợp từ bộ sưu tập của 4 nhà sưu tập Nguyễn Phát Hà Giang, Tạ Thu Phong, Hoàng Minh và Trịnh Hùng. Trong đó có nhiều tờ báo, ấn phẩm đặc biệt có giá trị, quý hiếm xuất hiện từ năm 1865 đến năm 1954 như Gia Định báo, tờ học báo Thông loại khóa trình, Đuốc Nhà Nam, Nông cổ mín đàm…
Các tờ báo cổ và hiếm được trưng bày tại Thư viện Hà Nội
Tờ báo Đông Pháp
Cách đây tròn 150 năm, ngày 15/4/1865, tờ báo quốc ngữ đầu tiên đã ra đời, mang tên “Gia Định Báo”. Lần đầu tiên, người Việt Nam có được tờ báo in bằng chữ quốc ngữ. Từ thời điểm đó đến nay, báo chí quốc ngữ đã phát triển vượt bậc, trở thành chủ lưu của báo chí Việt Nam.
Trong suốt 150 năm qua, kể từ khi tờ báo Quốc Ngữ đầu tiên của nước nhà (tờ Gia Định Báo) ra đời, việc trưng bày cho công chúng một cách có hệ thống về diện mạo báo chí Việt Nam đã được thực hiện ba lần, lần thứ nhất năm 1943 được tổ chức tại Sài Gòn, cuộc trưng bày lần thứ hai diễn ra vào năm 1966 cũng tại Sài Gòn, lần thứ 3 tổ chức tại Hà Nội năm 2010 do sachxua.net phối hợp cùng Thư Viện Hà Nội và Trung Tâm Văn Hoá Ngôn Ngữ Đông Tây tổ chức.
Một bạn trẻ say xưa bên tờ báo cổ
Và từ ngày 18/4/2015, diễn đàn Sachxua.net tiếp tục phối hợp với Thư viện Hà Nội tổ chức lần trưng bày thứ 4. Những tờ báo trưng bày lần này được tập hợp từ bộ sưu tập của các nhà sưu tập báo chí trên cả nước, trong số này có nhiều tờ báo quý, hiếm lần đầu tiên xuất hiện trở lại với công chúng sau một thời gian dài vắng bóng.
Có mặt trong buổi tọa đàm “150 năm báo chí Quốc ngữ”, các nhà nghiên cứu, các dịch giả, những người sưu tầm sách báo và cả những người quan tâm đến nền báo chí nước nhà đã bày tỏ những lo ngại về sự thất lạc, thậm chí là biến mất của một số tờ báo quý hiếm, đặc biệt có giá trị lịch sử báo chí. Bởi việc sưu tầm, lưu giữ các tờ báo cổ không phải ai cũng làm được, nó không chỉ tốn công, tốn sức mà người sưu tầm báo cổ phải bỏ ra một khoản tiền không hề nhỏ cũng như khoảng thời gian lớn thì mới có thể sưu tầm được.
Chia sẻ về vấn đề này, nhà sưu tầm Hoàng Minh nói “Có tờ báo tôi phải mất đến 8 năm ròng mới có thể thuyết phục chủ nhân đồng ý để lại cho mình với một mức giá không hề rẻ tý nào. Có những khi tôi cũng phải ngậm ngùi không mua vì mức tiền vượt quá khả năng của mình, bởi đồng lương của tôi không thể đủ. Nói như vậy để thấy rằng việc sưu tầm những tờ báo cổ là rất khó và mất nhiều công sức. Tôi thường nói vui là tán những chủ tư liệu ấy còn khó hơn là tán gái”.
Và việc sưu tầm báo cổ trở nên khó khăn còn do tâm lý của người Việt, như chia sẻ của nhà sưu tầm Tạ Phong “ Từ xa xưa, mỗi người Việt đã có tâm lý tôn sư trọng đạo, coi sách là thầy nhưng lại chưa ai coi báo là thầy. Thay vì đó, báo chỉ được coi là công cụ. Khi công nghiệp túi nilon chưa phát triển thì báo được coi là công cụ gói, bọc thực phẩm, đồ dùng và nhiều thứ khác”.
Tờ Nam Phong tạp chí của Mạnh Quỳnh ra đời năm 1917 được trưng bày tại triển lãm
Cũng có mặt tại buổi tọa đàm này, anh Trịnh Hùng Cường gây chú ý bởi là dân xây dựng nhưng anh lại là một tay sưu tầm báo cổ có tiếng ở Bắc Ninh. Ngay từ khi mới học lớp 6, lớp 7, anh đã có ý thức giữ lại các tờ báo đã đọc với một niềm đam mê kỳ lạ với báo. Khi lớn lên, đã đi làm, niềm đa mê sưu tầm báo cổ lớn dần và trở thành một cái duyên gắn kết anh với làng báo. Hiện nay, Trịnh Hùng Cường là người duy nhất sở hữu bộ Nam Phong Tạp chí của Phạm Quỳnh, bộ này có 212 số và hiện nay anh chỉ còn thiếu 6 số nữa.
Dịch giả Thúy Toàn (ngoài cùng bên trái) và Nhà sưu tầm sách cổ Trịnh Hùng Cường (áo xanh) chụp ảnh cùng các khách mời đặc biệt của buổi tọa đàm "150 năm Báo chí Quốc ngữ"
Tuy gặp nhiều khó khăn trong việc sưu tầm, gìn giữ những tờ báo quốc ngữ cổ và hiếm, vẫn có những người như Tạ Thu Phong, Hoàng Minh, Trịnh Hùng Cường hay dịch giả Thúy Toàn, người đã lấy cả đất đai nhà cửa ở quê nhà để mở một nhà lưu niệm báo cổ với mong muốn con cháu sau này được nhìn thấy, được sờ vào những tờ báo mà chỉ được nghe qua lời kể, qua sách vở. Dịch giả Thúy Toàn nói : “Tôi năm nay 80 tuổi rồi nhưng vẫn cố gắng làm cái công việc này, nghĩa là đi sưu tầm những tờ báo cổ xưa của nước nhà. Tôi nghĩ rằng, con cháu của mình sau này không chỉ được nghe, được kể, được học trong sách mà còn được nhìn tận mắt những tờ báo quốc ngữ đầu tiên của dân tộc. Từ khi nghỉ hưu, tôi dành toàn bộ thời gian và số tiền của mình để dồn sức cho công việc hết sức khó khăn này. Và đến nay tôi cũng mạnh dạn làm một nhà lưu niệm gọi là một địa chỉ tham quan cho con cháu chúng ta đến tham quan và tìm hiểu về tờ báo quốc ngữ đã có từ lâu của nền báo chí nước nhà”.