Câu chuyện về nghị lực thép của người thầy khuyết tật Phùng Văn Trường sẽ được kể lại trong chương trình “Trạm yêu thương” với chủ đề “Nét chữ nghị lực”, phát sóng vào 10h ngày 24.12 trên kênh VTV1.
Bị khuyết tật cả chân và tay từ nhỏ, thầy giáo Phùng Văn Trường (Chương Mỹ, Hà Nội) đã quyết tâm luyện chữ bằng miệng, kiên trì viết nên cuộc đời mình. Chưa dừng lại ở đó, hơn 10 năm nay thầy Trường thầm lặng mở lớp dạy học miễn phí, thành lập tủ sách cộng đồng, mang kiến thức đến cho trẻ em nghèo.
“Trạm yêu thương” tuần này mở ra với những nét chữ ngay ngắn, gọn gàng của thầy giáo Phùng Văn Trường. Nhiều người không tin rằng, những nét chữ ấy được viết bởi một người khuyết tật cả tay lẫn chân. Để một lần nữa chứng thực cho mọi người thấy mình viết chữ đẹp, thay vì trả lời những câu hỏi nhanh của MC Minh Hằng, anh Trường đã lựa chọn cách viết đáp án ra giấy.
Nói về bản thân, thầy giáo Trường cho biết: “Tôi là con cả trong một gia đình nghèo tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội). Năm lên 2 tuổi, khi các bạn đã biết đi thì tay chân tôi yếu dần và không thể cử động được. Khi ấy, tôi chỉ biết ngồi nhìn các bạn vui đùa, chạy nhảy”.
Đến tuổi đi học, bàn tay không cầm được bút, việc học trở nên khó khăn. Bố anh Trường đã phải kẹp bàn tay anh lại tập viết. Những tưởng mọi việc suôn sẻ hơn khi cậu bé Trường được đi học nhưng khó khăn vẫn tiếp tục xảy ra. “Hết năm lớp 8, đôi tay của tôi co cứng lại không thể viết được. Việc phải nghỉ học khiến tôi trở nên trầm cảm và tự ti. Ngày ngày đối mặt với 4 bức tường, tôi cảm thấy mình bất lực” – anh Trường buồn bã nhớ lại.
Vì không muốn trở thành gánh nặng của bố mẹ, anh Trường đã xin mở một gánh hàng để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. “Cuối năm 2009, tôi bắt đầu buôn bán và hàng ngày ghi chép những khách hàng chưa trả tiền. Tôi đã phát hiện ra tuy không có tay nhưng mình có thể viết được bằng việc biến răng cửa thành những đầu ngón tay.
Có những lúc họng bật máu, người mỏi nhừ, thế nhưng để viết được. Tôi đã tập luyện không ngừng nghỉ. Và sau 1 tháng tôi đã viết được như người bình thường” – anh Trường hào hứng kể.
Để có những nét chữ đẹp như hiện tại, anh đã phải cố gắng và nỗ lực rất nhiều. Sau một thời gian nỗ lực tập viết và học tập, anh Trường bén duyên với nghề dạy học. Thời gian đầu, anh chỉ nhận dạy kèm cho các cháu trong nhà. Dưới sự kèm cặp của thầy Trường, sức học của các cháu đã có tiến bộ rõ rệt. Dần dần, các gia đình xung quanh đều đưa con đến nhờ anh Trường kèm cặp.
Đã hơn 10 năm nay, căn nhà nhỏ của thầy Trường không ngớt tiếng đọc bài, làm toán, ríu rít tiếng nói cười. Lớp học của anh chủ yếu học kiến thức ở bậc tiểu học. Dù sức khoẻ yếu dần nhưng mỗi ngày thầy Trường vẫn đón hơn chục học sinh từ lớp 1 đến lớp 5.
Đặc biệt lớp học này có nhiều học sinh khuyết tật, qua quá trình học đã biết viết và làm phép tính đơn giản. Không chỉ dạy học miễn phí, thầy Trường còn cùng bạn bè của mình thành lập thư viện miễn phí cho các em tại nhà với hơn 3.000 đầu sách.
Nói về hạnh phúc lớn nhất của mình chính là gia đình nhỏ, thầy Trường bật mí rằng, “Vợ tôi đến với tôi không chỉ bằng tình yêu mà còn có cả tình thương nữa. Cô ấy là người chăm chỉ và chịu đựng, nên tôi vô cùng trân trọng”.
Khi được hỏi về ước mơ của mình, người thầy khuyết tật mong muốn bản thân thật khoẻ mạnh để những người thân không phải bận tâm về mình, đồng thời anh cũng có thể tiếp tục duy trì dự án thư viện miễn phí để giúp đỡ nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.
Bằng nghị lực và quyết tâm của mình, dù khuyết tật cả chân và tay, nhưng anh Trường vẫn có thể trở thành thầy giáo, viết chữ đẹp, viết nên cuộc đời mình và mang kiến thức đến cho nhiều em nhỏ.