Khái niệm văn hóa ứng xử được hiểu là cách ứng xử của con người đối với những sự việc diễn ra trong cuộc sống, được đánh giá thông qua thái độ, lời nói, cử chỉ, hành vi, tốc độ xử trí,.. Văn hóa ứng xử là liều thuốc chữa lành mọi mối quan hệ, là cách gắn kết tình thương giữa người với người, là tiền đề cho mọi sự trân trọng, yêu thương tồn tại trong xã hội.
Ảnh hưởng từ nhà trường
Nói cách khác, là ảnh hưởng trực tiếp từ thầy cô và bạn bè. Giới trẻ là những trụ cột tương lai của đất nước, là những người sau này sẽ góp sức mình xây dựng quê hương ngày càng trở nên giàu đẹp. Vì vậy, văn hóa ứng xử của giới trẻ rất quan trọng tới tương lai của xã hội. Bởi đây là độ tuổi hình thành, xây dựng nhân cách của con người, là độ tuổi đang từ trẻ con lên trưởng thành. Chính vì vậy, việc ứng xử như thế nào sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của chính bản thân người đó cũng như toàn xã hội.
Môi trường xã hội có sự tác động mạnh mẽ đến môi trường học đường ở cả hai mặt tích cực và tiêu cực. Thế nhưng, trường học phải là điểm sáng về văn hóa ứng xử, nhà trường phải trở thành một thành trì vững chắc để bảo vệ văn hóa. Ngày ngày trẻ em được đến trường, tiếp xúc trực tiếp với chúng là thầy cô, bạn bè. Cho nên cách hành xử của thầy cô, bạn bè sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chúng.
Thầy cô giáo với lối hành xử văn minh nho nhã, tôn trọng đồng nghiệp, nhẹ nhàng quan tâm chỉ bảo, coi học sinh như những đứa con của mình thì học sinh cũng sẽ cảm nhận, sẽ đáp lại và học được sự tử tế, lễ phép, ngoan ngoãn vâng lời, nhận ra khuyết điểm nếu mắc phải khi được thầy cô nhắc nhở.
Với bạn bè cũng vậy, trong lớp học xây dựng một tinh thần đoàn kết, không ganh ghét đố kỵ, giúp đỡ nhau trong học tập, trong lao động; bạn ốm thì hỏi thăm, bạn đau chân thì dìu bạn, giúp bạn xách cặp, chia sẻ những cuốn truyện thú vị… tạo nên một môi trường học tập thân thiện, học sinh coi lớp học, thầy cô, bạn bè là một gia đình thứ hai và cảm thấy thích thú khi được tới trường.
Nói như nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng – Chủ tịch Hiệp hội các Hội VHNT TP Đà Năng thì: “Môi trường học đường phải tự xác định là một thành trì, thậm chí là thành trì cuối cùng nếu như xã hội băng hoại đạo đức đến mức không thể chấp nhận được thì chỗ còn lại để môi trường văn hóa tồn tại, phát triển chính là học đường”. Trong việc giáo dục văn hóa ứng xử học đường, hình thành nhân cách cho học sinh, các đơn vị, trường học đã chú trọng giải pháp nêu gương để thế hệ trẻ noi theo, tin tưởng, không hoài nghi, bất tín. Trên cơ sở chương trình ở từng cấp học, trong từng môn học, từng bài học, mỗi thầy cô giáo đã ý thức hơn việc chú trọng các yếu tố văn hóa, văn minh để định hướng các khái niệm, các giá trị để bồi đắp nhận thức, thái độ… và rèn luyện những hành vi tự giác, kỹ năng giao tiếp, ứng xử văn hóa một cách liên tục, bền vững cho cả người dạy và người học.
Nếp sống gia đình rất quan trọng.
Gia đình, nhà trường là nơi có ảnh hưởng trực tiếp tới sự định hình, phát triển nhân cách của con người và xã hội là nơi thử thách, đánh giá sự trưởng thành của nhân cách đó, cho nên, mỗi con trẻ nếu có được sự quan tâm đúng mức từ ba môi trường này, nhất là từ gia đình thì tất yếu sẽ có điều kiện phát triển lành mạnh, hình thành, phát triển nhân cách tốt.
Trong truyền thống của người Việt Nam luôn hướng đến việc xây dựng gia đình trong một hình mẫu: Cha mẹ nhân từ, con cái hiếu thảo, "anh em như thể chân tay”, vợ chồng chung thủy, hòa thuận… hàng xóm tối đèn có nhau. Những người được giáo dục trong hoàn cảnh đó đều trở thành những người sống chuẩn mực trong lời ăn tiếng nói, trong văn hóa ứng xử, nho nhã, giàu lòng nhân ái, chừng mực, thanh lịch, văn minh...
Để con trẻ trở thành một người có nhân cách tốt, việc giáo dục của mỗi gia đình đóng vai trò chủ đạo. Gia đình không chỉ là tế bào tự nhiên mà còn là một đơn vị kinh tế của xã hội, vì thế, muốn có một xã hội phát triển lành mạnh thì trước hết từng tế bào phải phát triển bền vững, để xã hội tồn tại và phát triển.
Lứa tuổi ấu thơ được chăm sóc, nuôi dưỡng tại gia đình là giai đoạn quan trọng, mặc dù khi đó, nhân cách chưa được thể hiện rõ ràng, song thông qua hành vi bắt chước hành động của người lớn, con trẻ bắt đầu thu nhận các tương tác nhân - sinh - quan để hình thành nhân cách của mình. Bởi gia đình là tổ ấm của mỗi người, là tế bào của xã hội; đồng thời, cũng là nơi bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, môi trường quan trọng để hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người..
Gia đình Việt Nam truyền thống được hình thành và phát triển, gắn kết một cách bền chặt là do tình nghĩa và trách nhiệm giữa các thành viên; với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp như: Kính trên nhường dưới, hòa thuận, thủy chung, nghĩa tình, hy sinh cho con, tôn trọng, hiếu đễ với ông bà, cha mẹ, anh em, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, hiếu học, cần cù, sáng tạo trong lao động, v.v.. trở thành cái nôi, thành nền tảng hình thành và nuôi dưỡng nhân cách con người Việt Nam. Đó chính là nền tảng của một gia đình hạnh phúc. Khi những đứa con được lớn lên trong một gia đình như vậy nó sẽ học theo được những điều tốt đẹp ấy. Bởi ngày ngày tiếp xúc, quan sát, và những tình cảm chúng nhận được sẽ hình thành nên một thói quen. Mà thói quen một khi đã hình thành thì rất khó thay đổi. Cho nên nếu một gia đình bất hòa, cha mẹ thường xuyên cãi vã, có những hành động vũ phu, ăn nói với nhau bằng những lời lẽ tục tĩu, đối xứ với người già không có lễ độ, thiếu sự chăm sóc, dạy con bằng những lời dọa nạt, thậm chí chửi rủa xúc phạm… thì tự sẽ tạo cho những đứa trẻ sống trong gia đình đó một sự hành xử thô lỗ như vậy.
Người đời thường có câu: sóng trước đổ đâu sóng sau ập đấy quả không phải không có lý do. Cho nên, chăm sóc và nuôi dạy con là một hành trình đầy khó khăn thử thách đối với bất kỳ bậc phụ huynh nào. Mỗi đứa trẻ lại sở hữu tính cách riêng biệt, vì thế cha mẹ cần dành nhiều thời gian để đúc kết quan sát và đúc kết kinh nghiệm cho riêng mình. Muốn con cái trở nên ưu tú trước hết cha mẹ phải là người dẫn đường.
Theo đó, giáo dục con trẻ không chỉ dừng lại ở lời nói hay mà phải bằng những cử chỉ, việc làm đẹp, bởi mọi hành vi, thái độ, lối sống của người lớn, nhất là cha mẹ có tác động trực tiếp tới việc hình thành, phát triển nhân cách của con trẻ. Người xưa thường nói “dạy con từ thuở còn thơ”, cho nên, việc thường xuyên giáo dục con trẻ thái độ, cử chỉ, lời nói lễ phép, kính trên nhường dưới, tôn sư trọng đạo… để khi trưởng thành con trẻ thấu hiểu, biết ơn đấng sinh thành, nuôi dưỡng, chăm sóc ông bà, cha mẹ là hết sức cần thiết.
Ảnh hưởng của gia đình, nhà trường và xã hội thông qua văn hóa ứng xử là ảnh hưởng của nhân tố khách quan. Nhưng những nhân tố khách quan ấy chưa đủ để trở thành một quá trình giáo dục và hoàn thiện nhân cách văn hóa mà phải có nhân tố chủ quan là vai trò của chủ thể tiếp nhận giáo dục. Đó là những thành viên gia đình, đặc biệt là trẻ em, chẳng những có tri thức mà còn phải có ý chí, nghị lực vượt qua mọi thử thách của hoàn cảnh, đồng thời cũng là con người đầy lòng nhân đạo, nhân ái, nhân văn khi ứng xử văn hóa trong gia đình cũng như ngoài gia đình.