TPHCM phải chuẩn bị tâm thế tốt hơn để phòng chống làn sóng dịch thứ 5 có thể xảy ra

Trọng Bằng| 16/11/2021 19:12
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

TPHCM phải chuẩn bị tâm thế tốt hơn, chủ động hơn để phòng chống làn sóng dịch thứ 5 của dịch bệnh có thể xảy ra như ở một số nước; củng cố y tế cơ sở, y tế cộng đồng, y tế dự phòng, y tế gia đình phải được quan tâm một cách thấu đáo, không để tình huống xấu xảy ra, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu.

tphcm-can-chuan-bi-tam-the-tot-hon-de-doi-pho-voi-lan-song-dich-thu-5-co-the-xay-ra22.jpg
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ cử tri tại buổi tiếp xúc.

Sáng 16/11, tại TPHCM, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn Tổ Đại biểu Quốc hội TPHCM đơn vị số 10 và số 2 tiếp xúc cử tri huyện Củ Chi, Hóc Môn, Quận 1, Quận 3 và Quận Bình Thạnh theo hình thức trực tiếp và trực tiếp, báo cáo cử tri về kết quả kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Tại buổi tiếp xúc, các cử tri hai huyện Củ Chi và Hóc Môn bày tỏ tin tưởng vào các biện pháp phòng, chống dịch hiện nay tại TPHCM và cả nước, đồng thời kiến nghị Đảng, Nhà nước, Thành phố quan tâm hơn nữa đến các hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh, trong đó có người nông dân của các huyện vốn sống dựa chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp; quan tâm tiêm vaccine cho học sinh và tiêm mũi ba cho lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch; đề nghị sớm đưa học sinh trở lại trường học; vấn đề quan tâm đầu tư cho y tế cơ sở, nhất là trạm y tế xã, phường. Cử tri cũng đề nghị Nhà nước quan tâm đào tạo nâng cao chất lượng cán bộ quản lý y tế, bảo đảm thực hiện đúng quy định pháp luật, tránh những trường hợp các bác sĩ, cán bộ y tế vừa qua bị khởi tố, ảnh hưởng đến lòng tin của người dân.

Về vấn đề sản xuất vaccine trong nước, cử tri Trần Thị Cúc đề nghị: “Vừa qua nước ta đã quan tâm đầu tư nghiên cứu vaccine phòng COVID-19, nhưng hiện chưa thể cấp phép. Do đó, cử tri rất quan tâm vấn đề này. Kiến nghị các bộ, ngành liên quan quan tâm để đầu tư nghiên cứu sản xuất để sớm có vaccine nội địa và chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh”.

“Về công tác an sinh xã hội, chúng tôi đề nghị quý lãnh đạo cần có cơ chế chính sách nhiều hơn nữa để giúp đỡ cho người dân tại huyện có cơ hội được tiếp cận, phục hồi nền kinh tế. Mặc dù, thời gian hiện tại người dân đã cố gắng tập trung sản xuất để phục hồi kinh tế nhưng hậu quả dịch bệnh để lại còn lớn”, cử tri Đại đức Thích Thiện Tâm, Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Củ Chi nêu ý kiến.

tphcm-can-chuan-bi-tam-the-tot-hon-de-doi-pho-voi-lan-song-dich-thu-5-co-the-xay-ra.jpg
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Trách nhiệm của TPHCM là cần lấy lại vị thế, hình ảnh của TPHCM trên mọi phương diện

Sau khi lắng nghe các ý kiến, phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, khi trình bày chương trình hành động ứng cử ĐBQH, đại biểu đã cam kết luôn luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri và trở thành ĐBQH, đại biểu thực hiện đúng như thế.

Trước đại dịch Covid-19, Chủ tịch nước đã vào TPHCM gặp gỡ cử tri. Trong đại dịch, Chủ tịch nước cũng vào TPHCM và giờ đây tiếp tục tiếp xúc cử tri. Chủ tịch nước đánh giá cao Đoàn ĐBQH TPHCM đã tổ chức tiếp xúc cử tri với các chuyên đề sâu, giám sát về y tế, kinh tế, trực tiếp lắng nghe ý kiến cử tri TPHCM nói chung và cử tri 2 huyện Củ Chi, Hóc Môn nói riêng.

“Tinh thần là rất nghiêm túc, chứ không làm qua loa, chiếu lệ. Từ đó, lắng nghe trực tiếp, kịp thời tâm tư, nguyện vọng của cử tri và phản ánh tới Quốc hội và các cơ quan chức năng”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Trung ương sẽ cùng TPHCM tổ chức tưởng niệm cho những người đã mất vì Covid-19

Trong năm 2021, Việt Nam đã đương đầu đại dịch lần 4 có mức độ lây nhiễm nghiêm trọng dẫn tới hậu quả nặng nề là hơn 23.000 người chết, riêng TPHCM có hơn 17.000 người qua đời, chuỗi cung ứng ở TP bị đứt gãy và không ít sang chấn tâm lý trong người dân.

Chủ tịch nước gửi lời chia sẻ với những mất mát lớn lao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM trong suốt thời gian dài qua. Đồng thời, đánh giá cao tinh thần và nỗ lực của lãnh đạo TPHCM, của cấp huyện, đặc biệt là nhân dân TPHCM đã đoàn kết, thống nhất, chủ động, năng động, sáng tạo, từng bước kiểm soát tốt dịch bệnh, góp phần khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội.

TPHCM đã vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ. Tuy vậy, những hệ lụy về xã hội, việc làm, tâm lý người dân bị ảnh hưởng nặng. Chủ tịch nước cho rằng, TPHCM phải tiếp tục giải quyết các hậu quả trong một thời gian dài, không phải trong năm 2021 là xong mà có thể cả trong năm 2022, thậm chí đầu năm 2023 mới có thể khôi phục tình trạng bình thường.

Hiện nay, tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn còn phức tạp và TPHCM vẫn có hơn 1.000 ca mắc/ngày. Chủ tịch nước đề nghị TPHCM đánh giá một cách toàn diện về việc phòng chống dịch Covid-19 trong làn sóng dịch thứ 4 vừa qua, rút ra các bài học, kinh nghiệm và biểu dương, khen thưởng đúng lúc các tổ chức, cá nhân, các tôn giáo, các nhà hảo tâm, đặc biệt là người dân đã nỗ lực vượt qua đại dịch. Khen thưởng có thể là giấy khen, bằng khen, hay huân chương, danh hiệu anh hùng, truy tặng liệt sĩ cho những tấm gương đã không tiếc công, tiếc sức để bảo vệ người dân TPHCM.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ thống nhất cao về việc Trung ương cùng TPHCM tổ chức tưởng niệm cho những người đã mất vì Covid-19 trong cả nước và TPHCM. Chủ tịch nước nhấn mạnh, tính mạng của nhân dân là quan trọng nhất.

Trong giai đoạn thích ứng với dịch Covid-19, Chủ tịch nước yêu cầu TPHCM phải tiếp tục kiểm soát tốt dịch Covid-19, nỗ lực bao phủ vaccine, thực hiện 5K, hạn chế tối đa các trường hợp trở nặng và tử vong. TPHCM cần chú trọng các vấn đề lớn như chương trình tăng trưởng của thành phố trong "cỗ xe tam mã" đầu tư – tiêu dùng – xuất khẩu, phục hồi chuỗi cung ứng và đặc biệt là không để thiếu lao động trong cơ sở sản xuất, nhất là trong dịp cuối năm.

Lấy lại vị thế, hình ảnh của TPHCM trên mọi phương diện

Trong thời gian tới, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu TPHCM và hai huyện tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết thông qua trong kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV. Đồng thời, thực hiện tốt Nghị quyết 128 của Chính phủ; cần cụ thể hóa “mục tiêu kép” thành mục tiêu nhỏ, cụ thể ở chính quyền các cấp.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị TPHCM làm tốt hơn nữa kết nối cung – cầu lao động, hỗ trợ người lao động, chú ý đào tạo, đào tạo lại nghề nghiệp cho người lao động.

Chủ tịch nước đánh giá cao TPHCM đã có khẳng định từ rất sớm về việc tất cả người lao động quay lại TPHCM đều được tiêm chủng kịp thời để phòng chống dịch. Cùng với đó, tích cực xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động.

Chủ tịch nước cũng yêu cầu cấp ủy chính quyền các địa phương cần chủ động hơn, giải quyết hiệu quả các công việc thuộc trách nhiệm của mình với tinh thần chia sẻ khó khăn với người dân và doanh nghiệp, cùng nhau cố gắng vượt qua các trở ngại.

Chủ tịch nước lưu ý TPHCM khôi phục, không để ách tắc lưu thông, chuỗi cung ứng hàng hóa và lao động giữa TPHCM và các tỉnh thành; khôi phục và phát triển doanh nghiệp bằng cách đối thoại và nắm bắt, tháo gỡ khó khăn ở từng dự án.

Chủ tịch nước yêu cầu TPHCM tiếp tục bảo đảm an sinh xã hội, tiếp tục bao phủ vaccine cho người dân. Chủ tịch nước nhấn mạnh việc tạo nguồn vaccine lớn để phủ 100% vaccine cho người dân, trước hết tập trung cho đô thị lớn, dễ lây nhiễm như TPHCM.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu TPHCM phải chuẩn bị tâm thế tốt hơn, chủ động hơn để phòng chống làn sóng dịch thứ 5 của dịch bệnh có thể xảy ra. "Tôi đề nghị các đồng chí cần chuẩn bị tâm thế tốt hơn, chủ động hơn để phòng chống làn sóng dịch bệnh thứ 5 có thể xảy ra như tình hình một số nước trên thế giới đang xảy ra. Chúng ta không đặt vấn đề sớm như thế, chúng ta lại bị động". Chủ tịch nước nói đồng thời lưu ý TPHCM củng cố y tế cơ sở, y tế cộng đồng, y tế dự phòng, y tế gia đình phải được quan tâm một cách thấu đáo, không để tình huống xấu xảy ra.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Trách nhiệm của TPHCM là cần lấy lại vị thế, hình ảnh của TPHCM trên mọi phương diện".

Chính vì thế, TPHCM nên hướng tới nền kinh tế sáng tạo, trong đó chú ý hơn nữa cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông qua các cải cách sâu rộng, điều hành kịp thời và TPHCM cần tiếp tục phát huy nguồn lực trong xã hội cho phát triển; tiếp tục triển khai mạnh mẽ hiệu quả chương trình tái cấu trúc kinh tế; rà soát, bổ sung quy hoạch đô thị, có chương trình nhà ở an toàn, sản xuất an toàn cho người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TPHCM phải chuẩn bị tâm thế tốt hơn để phòng chống làn sóng dịch thứ 5 có thể xảy ra