TP.HCM: Xuất hiện ổ dịch tiêu chảy cấp, một trẻ tử vong

Tuyết Nhung (TH)| 24/07/2014 15:48
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ít nhất 7 bệnh nhân tại ổ bệnh tiêu chảy cấp thuộc huyện Bình Chánh phải nhập viện điều trị, một bệnh nhi 10 tháng tuổi tử vong vì suy kiệt. Ngành Y đã khoanh vùng xử lý ổ bệnh, đồng thời cảnh báo tiêu chảy cấp có thể phát tán.

Tử vong do nhiễm trùng huyết từ đường tiêu hóa

Theo thông tin từ Ủy ban Nhân dân xã Lê Minh Xuân, ổ dịch này khởi phát từ ngày 8/7, tính đến chiều 23/7, tại khu vực này đã có 9 trường hợp (2 người lớn và 7 trẻ em) có triệu chứng tiêu chảy nhiều lần trong ngày, trong đó có một trường hợp tử vong là bé trai P.N.T (10 tháng tuổi).

Bé nhập viện Bệnh viện Nhi đồng 1 trong tình trạng sốt, tiêu chảy liên tục trong 2 ngày (khoảng 9-10 lần/ngày). Đến ngày hôm sau bé tử vong với chẩn đoán là sốc nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết từ đường tiêu hóa.

Ngoài ra còn có 2 trường hợp nặng phải nhập viện điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Nhiệt đới. Các trường hợp nhập viện điều trị được chẩn đoán tiêu chảy mất nước nặng, tiêu chảy nhiễm trùng, dương tính với vi khuẩn kháng sinh E. Coli ESBL. Trong các ca mắc bệnh, có một trường hợp là chị em ruột và một trường hợp sinh sống cùng ngôi nhà.

TP.HCM: Xuất hiện ổ dịch tiêu chảy cấp, một trẻ tử vong

Nguồn nước và môi trường mất vệ sinh là nguyên nhân chính của tiêu chảy

Theo Trung tâm y tế dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh, đây là ổ dịch tiêu chảy cấp, khu trú, xảy ra do điều kiện vệ sinh môi trường kém. Khu vực xảy ra ổ dịch có gần 30 hộ với trên 100 khẩu, là những người nhập cư ở nông trường Lê Minh Xuân cũ với mưu sinh chủ yếu là nuôi cá.

Theo ghi nhận của phóng viên tại khu vực xảy ra ổ dịch, lối đi vào các hộ này nhỏ hẹp và lầy lội, có nhiều phân của gia cầm, chó và mèo. Hầu hết các ngôi nhà đều được xây cất tạm bợ, khá xập xệ, xung quanh là ao hồ tù đọng không được lưu thông và ruộng cỏ hoang. Bên ngoài, chất thải của gia súc, gia cầm xả xuống ao hồ khiến nước bốc mùi hôi thối, rác thải sinh hoạt không được thu gom xử lý, một số hộ xả trực tiếp xuống hồ; còn phía trong sàn nhà ẩm thấp.

Ông Trương Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Lê Minh Xuân cho biết, mặc dù địa phương thường xuyên phối hợp với các đơn vị y tế dự phòng triển khai tuyên truyền tới các hộ dân nơi đây cách sinh hoạt và các biện pháp dự phòng bệnh lây nhiễm.

Tuy nhiên, do đây là khu vực có mô hình chăn nuôi vườn ao chuồng theo các hình thức cũ, không đảm bảo vệ sinh như: nuôi gà, vịt lấy phân nuôi cá tra, cá phi; nhà vệ sinh có đường dẫn vẫn đổ ra ao cá... Bên cạnh đó, do khu vực này thuộc quy hoạch của 2 dự án nhà ở xã hội đang chuẩn bị được giải tỏa di dời nên cơ sở hạ tầng kém.

Giám sát chặt ca bệnh

Ngay khi nhận được thông báo của Trung tâm Y tế dự phòng huyện Bình Chánh về ổ dịch tiêu chảy trên, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố đã khoanh vùng xử lý ổ bệnh, lấy mẫu xét nghiệm người bệnh và người thân của các hộ trong khu vực này, đồng thời thu thập mẫu nước sinh hoạt tại nguồn, tại nhà bệnh nhân và mẫu nước ao để xác định rõ nguồn bệnh.

Bác sỹ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố cho biết, đây là khu vực có nguy cơ xảy ra nhiều dịch bệnh nguy hiểm như sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản, tay chân miệng... nếu không được kịp thời xử lý. Vì vậy, đơn vị đã giao cho các cơ sở y tế trực thuộc thực hiện việc giám sát, phát hiện ca bệnh mới trong khu vực; ngoài ra còn tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe đến từng hộ gia đình, hướng dẫn cách điều trị, chăm sóc trẻ bị tiêu chảy tại nhà…

TP.HCM: Xuất hiện ổ dịch tiêu chảy cấp, một trẻ tử vong

Cán bộ y tế phun thuốc tại khu ổ dịch tiêu chảy. 

Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đã yêu cầu chính quyền địa phương có biện pháp cải tạo môi trường sống tại khu vực này.

Chiều 23/7, nhân viên Trạm y tế xã Lê Minh Xuân đã phun thuốc diệt khuẩn Cloramin B tại khu vực ổ dịch.

Theo bác sỹ Hoàng Lê Phúc, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi đồng 1, nguy cơ lớn nhất khi trẻ bị tiêu chảy là mất nước, rối loạn điện giải và rối loạn cân bằng kiềm. Do tình trạng bệnh xảy ra khá nhanh nên khả năng gây tử vong là rất cao. Ngoài ra, nếu không chú ý, trẻ có nguy cơ thiếu dinh dưỡng về sau.

Cũng theo bác sỹ Hoàng Lê Phúc, tiêu chảy là bệnh xảy ra quanh năm, nhưng với mỗi tác nhân thì đỉnh dịch lại khác nhau, thường rơi vào đối tượng trẻ ở độ tuổi ăn dặm cho đến giai đoạn học mầm non. Do tiêu chảy lây lan chủ yếu từ đường phân-miệng và qua một số trung gian như ruồi, tay...

Vì vậy, cách phòng ngừa tốt nhất là cho trẻ ăn chín uống sôi, rửa tay sạch sẽ, tăng sức đề kháng cho trẻ bằng cách cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn, uống vitamin A, tiêm vắcxin đầy đủ cho trẻ.

Khi trẻ có dấu hiệu mất nước như khát nước nhiều, quấy khóc, khóc không có nước mắt, mắt trũng sâu; trường hợp nặng hơn là trẻ nằm ngủ lì bì, khó đánh thức, mắt khô… cần đưa trẻ nhập viện càng sớm càng tốt và trong lúc di chuyển thì phải cho trẻ uống nước thường xuyên. Lưu ý trong trường hợp trẻ mất tri giác thì cần đưa trẻ đến trạm y tế gần nhất để sơ cấp cứu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM: Xuất hiện ổ dịch tiêu chảy cấp, một trẻ tử vong