Giáo dục

TP.HCM hướng đến mục tiêu 300 phòng học/10.000 dân

Kim Sáng 16/11/2023 - 17:47

Đến năm 2025, TP.HCM đặt mục tiêu hoàn thành việc xây dựng 4.500 phòng học mới, hướng tới 300 phòng học/10.000 dân.

Sở Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) TP.HCM cho biết, tính đến năm học 2023 - 2024, TP.HCM có 2.737 cơ sở giáo dục và đào tạo, trong đó có 1.481 đơn vị công lập; 1.256 đơn vị ngoài công lập.

Toàn thành phố có 50.655 phòng học từ mầm non đến THPT, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên biệt.

Mạng lưới trường lớp công lập đã được phủ khắp 21 quận, huyện và TP Thủ Đức với quy mô ngày một tăng. Tuy nhiên thành phố vẫn còn một số quận, huyện có nhiều trường THCS, tiểu học có sĩ số cao hơn quy định, tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày thấp, điều kiện về sân chơi, bãi tập, thư viện không đảm bảo theo chuẩn quy định…

Kết quả thực hiện chỉ tiêu đạt 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học (từ 3 - 18 tuổi) không đồng đều giữa các cấp học, tỷ lệ thực hiện ở cấp TH và THCS thấp (tập trung tại TP Thủ Đức và một số quận, huyện như quận 12, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, huyện Bình Chánh và Hóc Môn).

Theo Sở GD&ĐT, chủ trương đầu tư xây dựng 4.500 phòng học mới nhằm hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước, triển khai thực hiện các công trình, dự án trọng điểm hướng tới chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước và hướng tới mục tiêu 300 phòng học/10.000 dân.

p1920258.jpg
TP.HCM hướng tới mục tiêu 300 phòng học/10.000 dân.

Để thực hiện Đề án trên, Sở GD&ĐT xác định thực hiện đầu tư hoàn thành 270 dự án thuộc 3 nhóm để đưa 5.815 phòng học (trong đó tăng thêm 4.483 phòng) vào sử dụng.

Nhóm 1 là các công trình trường học đã có trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và 2021 - 2025, thuận lợi về thủ tục hồ sơ, đề nghị ưu tiên giao vốn và đẩy nhanh tiến độ đầu tư.

Nhóm 2, danh mục các công trình trường học đề xuất mới khả thi đẩy nhanh tiến độ đầu tư.

Nhóm 3, danh mục các công trình trường học thuận lợi về pháp lý đất đai có thể tháo gỡ các nội dung liên quan để đẩy nhanh đầu tư.

Liên quan đến những khó khăn đối với Đề án xây dựng 4.500 phòng học mới, Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, thực tiễn kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 có nhiều khó khăn như tiến độ thực hiện chậm, vướng mắc về thủ tục trình thông qua dự án...

Thứ hai, quỹ đất sạch phù hợp với quy hoạch giáo dục cơ bản đã triển khai đầu tư, hiện nay hầu hết các dự án đầu tư xây dựng trường mới đều quy hoạch trên đất phải thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan dẫn đến khó và chậm triển khai thực hiện theo kế hoạch đề ra, do quy trình thực hiện nhiều bước và giá cả thay đổi.

Thứ ba, vào thời điểm hiện tại, TP Thủ Đức và 21 quận, huyện đang thực hiện điều chỉnh nhiều đồ án quy hoạch, do đó việc đề xuất đầu tư bị ảnh hưởng.

Liên quan đến Đề án, Sở GD&ĐT TP.HCM đã có những nhóm giải pháp cụ thể về các vấn đề quy hoạch đô thị, quỹ đất, đầu tư công, xã hội hóa, cơ chế chính sách, quản lý... Sở sẽ rà soát, phân tích cụ thể những dự án đã đưa vào danh mục đầu tư trung hạn, những dự án chưa hoàn chỉnh còn khó khăn vướng mắc, đề xuất các giải pháp tháo gỡ cụ thể, những dự án nào đã hoàn chỉnh để ưu tiên tập trung bố trí vốn.

Sở cũng rà soát lại những vướng mắc như vốn đầu tư, quỹ đất, tình hình quy hoạch mạng lưới trường lớp tại các địa phương... vượt quá thẩm quyền của thành phố, tham mưu văn bản kiến nghị cụ thể với các bộ ngành để có sự điều chỉnh phù hợp hoặc cho phép thành phố áp dụng đặc thù đối với địa bàn, đúng tình hình thực tế của thành phố.

Sở cũng chủ động phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát các dự án tham mưu UBND Thành phố trình HĐND Thành phố để bố trí bổ sung vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho các dự án.

Cạnh đó, Sở vận dụng nghị quyết 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, tham mưu trình UBND Thành phố ban hành kế hoạch cải tạo, sửa chữa trường học trên địa bàn Thành phố. Phối hợp với các ngành, các cấp, các địa phương đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư về lĩnh vực giáo dục; tạo điều kiện kêu gọi và huy động sự đóng góp của các cá nhân, các tổ chức xã hội tham gia đầu tư phát triển giáo dục tại địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM hướng đến mục tiêu 300 phòng học/10.000 dân