Mới đây, Sở GD-ĐT TP. HCM đã ký kết với Trường Giáo dục sau ĐH - ĐH Stanford và EMG Education giới thiệu về mô hình giáo dục STEM thông qua công nghệ Stanford Mobile Inquiry-based Learning Environment.
Công nghệ Stanford Mobile Inquiry-based Learning Environment (viết tắt SMILE)- Môi trường Học tập Gợi mở trên Di động Stanford, một kết quả sau nhiều năm nghiên cứu của Trường Giáo dục sau ĐH thuộc ĐH Stanford.
Ảnh minh họa, nguồn Internet.
Mô hình này có khả năng biến một lớp học thành một môi trường học tập công nghệ cao với chi phí hợp lý, giúp học sinh tiếp thu các môn học và phát triển các kỹ năng học tập cấp độ cao, phát triển kỹ năng đặt câu hỏi của học sinh đẩy mạnh các hoạt động xoay quanh học sinh và các bài tập trong lớp học.
Đặc biệt với công nghệ này còn giúp giáo viên và các cấp quản lý có cái nhìn phân tích tổng quan rõ ràng theo thời gian thực. Từ đó, tạo ra một môi trường học tập sáng tạo và tích cực, nhằm phát triển các kỹ năng về sáng tạo, đánh giá, phân tích và thực hành cho các em.
Chia sẻ về "bước đi bạo dạn" này, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho hay: “Hợp tác phát triển mô hình STEM cũng là một giải pháp giúp giáo dục TP. HCM tiếp tục đổi mới, tiếp cận giáo dục tiên tiến của thế giới nhằm tạo ra những học sinh vững lí thuyết, có trình độ tiếng Anh, có tư duy khoa học và thích ứng với điều kiện của xã hội, hội nhập thế giới”.
“Từ chương trình này, học sinh sẽ được tiếp cận phương pháp học mới, có điều kiện sử dụng kiến thức đã học ở lớp để giải quyết những vấn đề trong cuộc sống. Từ đó, các em sẽ yêu thích việc học và sẽ có nền tảng bước đầu để tham gia nghiên cứu khoa học”, ông Sơn nhấn mạnh.