Thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết, vừa cấp cứu thành công cho bệnh nhi 1 tuổi bị rách thực quản do thìa đâm xóc vào họng gây nhiễm trùng nặng.
Theo đó, bệnh nhi Võ Ngọc Phương D. (ngụ tại Tuy Hòa, Phú Yên) nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng và tràn khí quá nặng ở vùng cổ, ngực. Kết quả chụp CT cho thấy tổn thương tràn khí dưới da, tràn khí trung thất, tràn dịch màng phổi khá nặng.
Tổng trạng bên ngoài của bệnh nhi khá ổn, tuy nhiên phần cổ phình to, tổn thương rộng, có chiều dài gần 7 cm. Bé D. được các bác sĩ chẩn đoán bị chấn thương ở hầu họng, tiên lượng xấu. Ngay lập tức, bệnh nhi được các bác sĩ cho mổ trong chiều hôm sau.
Bác sĩ Nguyễn Thế Huy - Phó trưởng khoa tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi đồng 1 kiểm tra tình trạng vết thương của bé.
Bác sĩ Nguyễn Thế Huy – Phó trưởng khoa tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi đồng1 (TP.HCM) cho biết: “Những ngày sau đó, bệnh nhi được gây mê, an thần để thay băng mỗi ngày. Rửa cổ bằng nước muối sinh lý trong vong 10 ngày. Sau đó, bệnh nhi được chuyển xuống khoa Ngoại đóng thực quản và may da, mở dạ dày nhằm hạn chế không cho ăn qua miệng để tránh kích thích tiêu hóa trên, chủ động được chế độ ăn".
Trước đó, theo thông tin từ người nhà bé Võ Ngọc Phương D., vào ngày 23/12/2016, bé D. được gia đình gửi tại một điểm giữ trẻ ở gần nhà. Buổi trưa các bảo mẫu cho bé ăn, trong lúc đang ăn bé D.úp mặt xuống trúng phải đầu muỗng vào họng. Sau đó các bảo mẫu đã nhanh chóng rút chiếc muỗng ra khỏi họng của bé. Lúc này bé vẫn bình thường. Tuy nhiên đến chiều cùng ngày các bảo mẫu phát hiện phía bên ngoài cổ của bé D.bị phình to, bé có dấu hiệu khó thở.
Lập tức bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện địa phương nhưng do tình trạng bệnh quá nặng, bé D. được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM để điều trị.
Theo đánh giá từ các bác sĩ, nguyên nhân dẫn đến tình trạng bé D. bị nhiễm trùng nặng là do khi thực quản tổn thương nhưng bé vẫn được cho ăn và uống sữa làm tình trạng nhiễm trùng lan rộng.
Từ thực tế trên, bác sĩ Huy khuyến cáo đối với trẻ tuyệt đối không cho ngậm bất cứ các loại dị vật gì, nhất là vào thời điểm Tết sắp đến tuyệt đối không cho trẻ ngậm hạt dưa, hạt bí hay những viên mứt nhỏ; đặc biệt là kẹo mút, nếu chẳng may bé bị té thì thanh cây kẹo mút sẽ đâm vào họng rất nguy hiểm.
“Nếu trẻ bị đâm dị vật thì nên giữ nguyên chuyển đến cơ sở y tế, người nhà không được tự ý rút ra”, bác sĩ Huy đề nghị.