Đời sống

TP Cần Thơ 20 năm xây dựng và trưởng thành - Bài 3: Phát huy lợi thế để bứt phá

Tâm Phúc - Minh Triết - Khánh Ngọc 02/01/2024 06:00

Với vị trí trung tâm của vùng ĐBSCL, có hệ thống hạ tầng giao thông kết nối tốt, TP Cần Thơ được đánh giá có nhiều tiềm năng thu hút đầu tư trong thời gian tới, nhất là lĩnh vực phát triển hạ tầng đô thị, hạ tầng khu công nghiệp và thương mại, dịch vụ.

Ba trụ cột

Tin vui nhất đối với người dân miền Tây nói chung, người dân Cần Thơ nói riêng trong những ngày giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 là tuyến đường bộ cao tốc kết nối Cần Thơ đến TPHCM đã thông suốt. Có tuyến đường này, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa từ Cần Thơ về TPHCM chỉ mất hơn 2 giờ, rút ngắn một nửa thời gian so với trước đây.

Theo thông tin từ Bộ GTVT, dự án nâng cấp mở rộng kênh Chợ Gạo, dự án nạo vét kênh Quan Chánh Bố giai đoạn 2 cũng sắp hoàn thành vào đầu năm 2024.

Như vậy, từ năm 2024 trở đi, kết nối giao thông từ TP Cần Thơ đến các trung tâm kinh tế lớn như: TPHCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Hải Phòng, Đà Nẵng… thuận tiện bằng cả 4 phương thức vận chuyển là: đường bộ, đường hàng hải, đường thủy và đường hàng không.

ttg-phat-lenh-khoi-cong-duong-vanh-dai-phia-tay.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công dự án đường vành đai phía Tây TP Cần Thơ

Mặt khác, tại TP Cần Thơ còn có hệ thống hàng chục trường đại học, cao đẳng trung học chuyên nghiệp, trong đó có nhiều trường đạt tiêu chuẩn quốc tế với năng lực đào tạo hàng chục ngàn sinh viên mỗi năm.

TP Cần Thơ cũng có nhiều bệnh viện lớn với đội ngũ y, bác sỹ giỏi về chuyên môn, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân; có nhiều địa điểm vui chơi giải trí, đặc biệt là mới đây, một nhà đầu tư đã khởi động dự án sân golf tại quận Cái Răng. Với cơ sở hạ tầng “phần cứng, phần mềm” đều có đủ, TP Cần Thơ đang nổi lên là điểm đến đầu tư hấp dẫn trong năm 2024.

Ông Kelvin Teo, đại diện Tập đoàn VSIP cho biết, lý do Tập đoàn VSIP chọn Cần Thơ làm điểm đến đầu tiên tại ĐBSCL là vì: thứ nhất, theo quy hoạch của Chính phủ Việt Nam, Cần Thơ sẽ là trung tâm của vùng trên các lĩnh vực; thứ hai, khu vực VSIP đầu tư khu công nghiệp tại Cần Thơ nằm ở trung tâm vùng nguyên liệu nông, thủy hải sản; thứ ba là quỹ đất dồi dào, kết nối giao thông thuận tiện đường bộ, đường thủy và cả đường hàng không.

Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Cần Thơ cho hay, với việc tháo gỡ được điểm nghẽn về giao thông, Cần Thơ đã có được yếu tố về thiên thời, địa lợi. Nếu yếu tố còn lại là “nhân hòa”, tức là thể chế, môi trường đầu tư, kinh doanh tốt thì Cần Thơ sẽ có được sự “bứt tốc” đi nhanh hơn trong năm 2024 và những năm tiếp sau.

khoi-cong-khu-cong-nghiep-visip.jpg
Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công khu công nghiệp Vĩnh Thạnh - VSIP Cần Thơ

Theo Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường, trong quá trình phát triển, TP Cần Thơ đã thành lập được 6 khu công nghiệp với tỷ lệ lấp đầy trên 68%; thu hút được 258 dự án đầu tư, cho thuê hơn 342 ha đất công nghiệp, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1,8 tỷ USD, vốn thực hiện đạt 1 tỷ 136 triệu USD chiếm 60,3% tổng vốn đầu tư đăng ký; giải quyết việc làm cho hơn 43.000 lao động. Sản xuất công nghiệp của Cần Thơ đóng góp cho ngân sách hàng năm khoảng 2.000 tỷ đồng, đóng góp khoảng 15% giá trị sản xuất công nghiệp của toàn vùng.

Bên cạnh đó, lĩnh vực phát triển thương mại, dịch vụ của Cần Thơ cũng là điểm sáng, dẫn đầu vùng ĐBSCL về tổng mức bán lẻ hàng hóa và đứng thứ 3 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương (chỉ sau TP Hà Nội và TPHCM), với doanh số đạt trên 100.000 tỷ đồng vào năm trước khi xảy ra dịch COVID-19.

Về hoạt động xuất nhập khẩu, hiện nay hàng hóa sản xuất tại địa phương đã có mặt tại trên 100 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ thu ngoại tệ năm 2023 đạt trên 2,2 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân 11,5% mỗi năm.

Về hoạt động du lịch: Trên địa bàn hiện có hàng trăm điểm vui chơi, giải trí, tham quan du lịch với sản phẩm đa dạng. Giai đoạn 2004 – 2023, địa phương đón hơn 71 triệu lượt du khách, tăng bình quân 16,7%/năm; tổng doanh thu từ du lịch đạt hơn 34.000 tỷ đồng.

du-lich.jpg
Du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái, nông nghiệp... là thế mạnh của TP Cần Thơ

Về phát triển đô thị, trên địa bàn TP Cần Thơ đã hình thành hàng chục khu đô thị quy mô lớn, đáp ứng chỗ ở, kinh doanh cho hàng chục ngàn cư dân. Hiện nay, địa phương đang triển khai công tác lập quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trên cơ sở bám sát nhiệm vụ quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với định hướng mở rộng không gian đô thị về phía Nam, Tây và phát triển các khu đô thị vệ tinh, xây dựng huyện Phong Điền trở thành thị xã…

Đột phá bằng cơ chế đặc thù

Ngày 11/01/2022, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 45/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ.

Theo Phó chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ Dương Tấn Hiển, trước những khó khăn của địa phương như: mặc dù xác định là đô thị động lực của vùng, thế nhưng trong những năm qua địa phương chưa phát huy được vai trò của mình bởi những lý do: Việc kết nối giao thông còn hạn chế; tàu lớn chưa vào được cảng trên sông Hậu nên phần lớn hàng hóa phải đi bằng đường bộ lên cụm cảng TPHCM để xuất khẩu với chi phí tăng thêm nhiều lần; Cơ cấu kinh tế tuy chuyển dịch đúng hướng nhưng lại thiếu cơ sở công nghiệp quy mô lớn nên nguồn thu rất hạn hẹp…

Trước những khó khăn đó, TP Cần Thơ đã chọn lĩnh vực và đề xuất Quốc hội cho 8 nhóm cơ chế chính sách đặc thù nhằm tháo nút thắt của Cần Thơ trong hai thập niên qua.

san-bay-can-tho.jpg
Sân bay Cần Thơ

Theo Nghị quyết 45, Quốc hội cho phép TP Cần Thơ thí điểm cơ chế đặc thù về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch; thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý; chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An và xây dựng Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL đặt tại Cần Thơ.

Về cơ chế cụ thể, thứ nhất là về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước: Quốc hội cho phép TP Cần Thơ được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho địa phương vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp. Tổng mức vay và bội chi ngân sách của TP Cần Thơ hàng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

phoi-canh-duong-vanh-dai-pia-tay.jpg
Phối cảnh con đường vành đai phía Tây TP Cần Thơ

Hàng năm, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cho TP Cần Thơ không quá 70% số tăng thu ngân sách Trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao.

HĐND TP Cần Thơ được quyết định áp dụng phí, lệ phí chưa được quy định trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí; điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí, lệ phí được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí, trừ án phí, lệ phí tòa án;

Ngân sách TP Cần Thơ được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí quy định để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và các nhiệm vụ chi khác thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách TP Cần Thơ.

HĐND TP Cần Thơ được quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định.

TP Cần Thơ được thực hiện cơ chế tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định. Sau khi ngân sách thành phố bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội cho cả thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định của cấp có thẩm quyền.

trung-tam-ddijen-luc-o-mon.jpg
Trung tâm điện lực Ô Môn

HĐND TP Cần Thợ được quyết định sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách thành phố và cho phép ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể do thành phố quản lý theo hiệu quả công việc với mức không quá 0,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ hoặc mức lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo. Mức thu nhập cho các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt sẽ do HĐND TP Cần Thơ quy định.

Quốc hội cũng cho phép TP Cần Thơ thí điểm xã hội hóa nạo vét luồng Định An cho tàu có trọng tải 10.000 tấn vào sông Hậu. Cụ thể, TP Cần Thơ được phép mời gọi nhà đầu tư có quy mô vốn từ 500 tỷ đồng trở lên thực hiện Dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An, đảm bảo chuẩn tắc luồng hàng hải cho tàu có trọng tải từ 10.000 tấn trở lên ra vào các cảng trên sông Hậu.

Doanh nghiệp thực hiện dự án này sẽ được ưu đãi áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời gian 15 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 04 năm và giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 9 năm tiếp theo; miễn tiền thuê đất trong 15 năm và giảm 50% tiền thuê đất cho thời gian còn lại đối với diện tích đất được thuê để đổ chất nạo vét của dự án.

Cần Thơ còn được chọn để xây dựng Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho vùng ĐBSCL.

du-lich-vuon.jpg
Du lịch Cần Thơ ngày càng thu hút khách du lịch

Các doanh nghiệp có dự án đầu tư tại trung tâm ngoài được hưởng chế độ ưu tiên về thủ tục hải quan, thuế, còn được áp dụng thuế suất thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời gian 15 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo…

Dưới góc nhìn của nhà đầu tư, TS. LS Nguyễn Tiến Dũng – Chủ tịch HĐTV Trường Đại học Nam Cần Thơ cho biết, trong 8 nhóm cơ chế đặc thù thì doanh nghiệp quan tâm nhất là việc Quốc hội cho TP Cần Thơ được quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha. Có được sự phân cấp mạnh mẽ này, địa phương sẽ giải quyết các thủ tục về đất đai nhanh hơn, nhà đầu tư cũng dễ dàng thực hiện dự án đầu tư hơn.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ Dương Tấn Hiển, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 45 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù, địa phương đã đạt được một số kết quả quan trọng. Đối với nhóm giải pháp tài chính, địa phương đã triển khai các giải pháp khai thác, tăng nguồn thu để được hưởng chính sách thu vượt.

Về nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An – Cần Thơ, trong tháng 11/2023, Bộ GTVT đã tham mưu Chính phủ sửa đổi Nghị định 159/2018 (quy định về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa) theo hướng sẽ phân cấp, phân quyền cho địa phương thực hiện nạo vét trong vùng nước cảng biển. Về dự án trung tâm liên kết, địa phương đã hoàn chỉnh đề án đang trình Chính phủ phê duyệt.

“Với việc được hưởng các cơ chế, chính sách đặc thù, các dự án có quy mô lớn như: Trung tâm năng lượng Ô Môn (5 nhà máy); Dự án Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và Dự án là khu công nghiệp VSIP sớm đi vào hoạt động ổn định, đóng góp lớn cho sự phát triển của thành phố”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ Dương Tấn Hiển kỳ vọng.

Được biết, ở thời điểm hiện tại, Dự án Trung tâm năng lượng Ô Môn được xem là dự án quan trọng nhất đối với TP Cần Thơ. Dự án có tổng công suất 4.500MW, tổng mức đầu tư trên 11 tỷ USD. Theo tính toán, trong thời gian xây dựng cơ bản dự án này sẽ đóng góp cho ngân sách 4.000 – 5.000 tỷ đồng (liên quan xây dựng, lắp đặt thiết bị). Giai đoạn hoàn thành mức đóng góp cho ngân sách có thể tăng lên nhiều lần, đây là một tiềm lực rất lớn về kinh tế cũng như nguồn lực về ngân sách, giúp thay đổi lớn cho đầu tư phát triển TP Cần Thơ.

Với những thành tích xuất sắc trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, ngày 27/12/2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã ký Quyết định số 1666/QĐ-CTN về việc tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP Cần Thơ.

Bài cuối: Đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu trở thành thành phố sinh thái, văn minh và hiện đại

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP Cần Thơ 20 năm xây dựng và trưởng thành - Bài 3: Phát huy lợi thế để bứt phá