Mặc dù, Iran vẫn đang tuân thủ thỏa thuận hạt nhân giữa Tehran với 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đức. Tuy nhiên, ông Donald Trump dường như chưa bao giờ cảm thấy thoải mái về điều này.
Vừa qua, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald một lần nữa chính thức công nhận rằng Iran vẫn đang tuân thủ Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA), tức thỏa thuận hạt nhân giữa Tehran với 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đức. Tuy nhiên, ông Donald Trump dường như chưa bao giờ cảm thấy thoải mái về điều này.
Theo thỏa thuận, Iran sẽ cắt giảm chương trình hạt nhân và cho phép thanh sát quốc tế dày đặc để đổi lấy việc được dỡ bỏ trừng phạt kinh tế. Tuy nhiên, Mỹ vẫn “lách luật” bằng cách tiếp tục áp đặt các lệnh trừng phạt mới với Iran liên quan tới chương trình phát triển tên lửa đạn đạo của nước này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn "nung nấu" một cuộc chiến với Iran
Mới đây, tại Hội nghị Thượng đỉnh G-20, Tổng thống Mỹ Donald Trump còn nhắc đi nhắc lại lời kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới khác ngừng làm ăn với Tehran, một điều đi ngược lại tinh thần của JCPOA. Động thái này, cho thấy Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn "nung nấu" một cuộc chiến với Iran.
Ông Trump cũng đã nhiều lần chỉ trích JCPOA là “thỏa thuận tồi tệ nhất từ trước tới nay” và là “một sự đầu hàng thảm hại cần phải đảo ngược”.
Điều này đặt chính quyền Mỹ vào thế khó. Bởi các bên khác tham gia JCPOA, trong đó có Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc và Nga, cùng với bên giám sát là Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đều biết rằng, Iran đã có những nhượng bộ rất lớn và thừa nhận rằng Tehran đến nay vẫn tuân thủ giới hạn nghiêm ngặt của thỏa thuận này.
Do đó, Mỹ không thể “đơn thương độc mã” rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran bằng một tuyên bố ngược lại rằng Tehran vi phạm thỏa thuận. Các nước khác tham gia JCPOA sẽ không tán thành tuyên bố đó và sẽ chẳng có lệnh trừng phạt quốc tế nào được đưa ra. Còn nước Mỹ sẽ chỉ tự biến mình thành một kẻ lật lọng.
Nhưng cho đến nay, phe bảo thủ trong chính quyền Mỹ vẫn nỗ lực khiêu khích Iran trở thành bên phá hỏng thỏa thuận hạt nhân để Mỹ chiến thế thượng phong trong vấn đề này.
Ngày 22/7, Bộ ngoại giao Mỹ công bố loạt biện pháp trừng phạt kinh tế mới với Iran vì những hành động không hề liên quan tới thỏa thuận hạt nhân.
Không dừng lại ở đó, ngày hôm qua 25/7, Hạ viện Mỹ đã thông qua các biện pháp trừng phạt với hàng loạt nước Iran, Nga và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Các lệnh trừng phạt này về cơ bản giống với biện pháp mà Thượng viện đã thông qua trước đó.
Các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ như thiêu đốt phe bảo thủ ở Iran, những người vốn tin rằng JCPOA buộc Tehran phải nhượng bộ quá nhiều trong khi việc dỡ bỏ trừng phạt theo thỏa thuận hạt nhân chẳng đóng góp bao nhiêu cho nền kinh tế.
Iran cũng không thể ngồi yên và khẳng định Tehran sẽ chỉ từ bỏ thỏa thuận hạt nhân nếu Mỹ rút lui trước. Đó là khẳng định của ông Kamal Kharrazi, người đứng đầu Hội đồng chiến lược đối ngoại của Iran, cố vấn chính sách đối ngoại cho Thủ lĩnh tinh thần Ayatollah Ali Khamenei trong một cuộc trả lời phỏng vấn với kênh France 24, ngày 21/7 vừa qua.
Ông Kamal Kharrazi nhấn mạnh, các lệnh trừng phạt mới của Mỹ là sự vi phạm tinh thần và lời văn của JCPOA. Thỏa thuận hạt nhân này nêu rõ Mỹ sẽ kiềm chế mọi chính sách cụ thể nhằm ảnh hưởng trực tiếp và giàn tiếp đến việc bình thường hóa quan hệ thương mại và kinh tế với Iran, phù hợp với cam kết không cản trở việc thực thi thành công JCPOA.
Ông Kharrazi cũng khẳng định, Iran có quyền phát triển tên lửa vì mục đích quốc phòng.
Và như một lời thách thức các lệnh trừng phạt mà Mỹ vừa áp đặt, Iran tuyên bố sẽ triển khai một hệ thống sản xuất tên lửa mới có thể tiêu diệt nhiều loại mục tiêu trên không như máy bay chiến đấu, các thiết bị bay không người lái, máy bay trực thăng và tên lửa hành trình.