Ngày 7/2, Tổng thống Trump tuyên bố ông sẽ "ngay lập tức thu hồi" quyền tiếp cận thông tin an ninh của cựu Tổng thống Joe Biden và sẽ cấm ông Biden nhận các báo cáo tình báo.
Theo đài CBS News, ông Trump đưa ra quyết định này với lý do không còn cần thiết để ông Biden tiếp tục truy cập vào các tài liệu mật.
Trên nền tảng Truth Social, ông viết: "Không có lý do gì để Joe Biden tiếp tục nhận thông tin tình báo".
Ông Trump cũng khẳng định hành động của mình dựa trên tiền lệ do chính ông Biden đặt ra vào năm 2021. Khi đó, ông Biden đã ra lệnh tước quyền tiếp cận thông tin mật của ông Trump với lý do cựu tổng thống có "hành vi thất thường".
Trong cuộc phỏng vấn với CBS News vào tháng 2/2021, ông Biden nói rằng ông Trump "không thể được tin tưởng với thông tin mật", đồng thời nhấn mạnh: "Tôi không muốn suy đoán công khai, nhưng tôi nghĩ không có lý do gì để cung cấp báo cáo tình báo cho ông ấy. Điều đó có ích lợi gì? Ông ấy có thể gây ra hậu quả gì ngoài việc vô tình tiết lộ thông tin?"
Thông thường, các cựu Tổng thống Mỹ vẫn được nhận báo cáo tình báo sau khi rời nhiệm sở như một sự ưu ái từ chính phủ.
Bên cạnh đó, ông Trump cũng trích dẫn báo cáo của công tố viên đặc biệt Robert Hur – người từng điều tra việc ông Biden xử lý tài liệu mật sau khi rời vị trí Phó tổng thống.
Theo ông Trump, báo cáo này "tiết lộ rằng Biden bị suy giảm trí nhớ nghiêm trọng và ngay cả khi ở thời kỳ đỉnh cao, ông ấy cũng không đủ tin cậy để tiếp cận thông tin nhạy cảm."
Báo cáo của Hur đã gây tranh cãi khi đề cập đến trí nhớ của ông Biden, cho rằng ông có thể được nhìn nhận trước bồi thẩm đoàn như "một người đàn ông cao tuổi, tốt bụng nhưng có trí nhớ kém."
Tuy nhiên, công tố viên này cuối cùng không đưa ra cáo buộc hình sự đối với ông Biden, cho rằng không có đủ bằng chứng để chứng minh ông đã vi phạm luật pháp một cách rõ ràng.
Ngoài việc thu hồi quyền tiếp cận thông tin mật của ông Biden, Tổng thống Trump cũng ra lệnh hủy bỏ quyền truy cập an ninh của hàng chục cựu quan chức tình báo, những người từng ký một lá thư vào năm 2020 cho rằng vụ bê bối email của Hunter Biden – con trai ông Biden – mang dấu hiệu của một chiến dịch tung tin sai lệch từ Nga.