Chính phủ Ankara liên tục đổ lỗi cho “kẻ thù trong và ngoài nước” về những rắc rối xảy đến với đất nước Thổ Nhĩ Kỳ thời gian gần đây.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: AFP
Tờ nhật báo Daily Sabah (của Thổ Nhĩ Kỳ) cho biết, Thủ tướng Ahmet Davutoglu khẳng định vụ tấn công khủng bố Thủ đô Instabul hôm 12/01 vừa qua do một vài “nhân tố bí ẩn”, những kẻ sử dụng các tay súng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) như “diễn viên phụ”.
Ông Davutoglu cũng cáo buộc chính phủ Syria đã hợp tác với các chiến binh IS, đồng thời cho rằng "chắc chắn các cường quốc nước ngoài luôn có quan điểm gây cản trở cho các cuộc không kích mà Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành nhằm chống lại IS”, bài báo nêu rõ.
Tuy nhiên, theo tờ nhật báo Die Presse (Áo), ngày càng trở nên rõ ràng rằng những hành động và chính sách của Tổng thống Erdogan phần lớn là tìm cách "đổ lỗi" cho tình trạng bi đát đang diễn ra trong nội bộ đất nước Thổ Nhĩ Kỳ. Chính quyền Ankara cố gắng dẫn dắt “cuộc chiến” trên tất cả các mặt trận mà không nhận ra một điều, chính bản thân họ phải chịu trách nhiệm về sự gia tăng các nguy cơ khủng hoảng trong nước.
Chỉ cách đây một năm, tiến trình hòa bình với người Kurd là một trong những điểm cơ bản trong chính sách của Tổng thống Erdogan. Thế nhưng, khi đảng cầm quyền của ông mất dần sự ủng hộ của công dân Thổ Nhĩ Kỳ - những người chống lại bất kỳ hình thức đàm phán hòa bình nào với người Kurd, thì Tổng thống Erdogan nhanh chóng thay đổi lập trường, thẳng tay đàn áp Đảng Công nhân Kurdistan (PKK). Và chính hành động này đã dẫn đến tình trạng các khu vực ở miền đông nam Thổ Nhĩ Kỳ trở thành chiến trường cho một cuộc chiến tranh toàn diện, tờ Die Presse nhận định.
Cũng theo Die Presse, trong vấn đề Syria, Ankara kiên trì quan điểm Tổng thống Bashar al-Assad cần phải ra đi. Và để làm điều này, Tổng thống Erdogan đã dành sự hỗ trợ chẳng những về mặt chính trị mà còn cả quân sự (hỗ trợ đào tạo, trang thiết bị…) cho phe đối lập chính quyền Damascus. Thế nhưng, bất chấp những nỗ lực của nhiều quốc gia phương Tây, cũng như Thổ Nhĩ Kỳ, nhà lãnh đạo Syria vẫn tiếp tục nắm quyền khiến cho Tổng thống Erdogan không mấy hài lòng.
Hơn nữa, chính chính sách và đường lối hành động của Tổng thống Erdogan đã dần phá vỡ quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với các quốc gia có nhiều ảnh hưởng trong khu vực Trung Đông, chẳng hạn như Iraq, Iran, Ai Cập và Israel. Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng do quyết định bắn hạ máy bay Su-24 của Nga hôm 24/11 cũng đe dọa làm suy yếu ảnh hưởng của Ankara trong khu vực, Die Presse kết luận.