Tổng thống Duterte - người hùng với phần lớn người dân Philippines, nhưng là “kẻ khùng” trong mắt nhiều chính trị gia thế giới. Một kẻ khùng “thiếu suy nghĩ” nhưng khiến người khác căng óc nghĩ suy?
"Superman” đất nước nghìn đảo hay đơn giản là “kẻ khùng”?
Sự thất thường đến khó hiểu của ông Duterte không phải quá bất ngờ đối với giới quan sát. Nếu như phần lớn những người dân đảo quốc Philippines, đặc biệt là các gia đình có người thân là nạn nhân của cái chết trắng, nhắc đến ông như một người hùng, một “Superman” có khả năng cứu rỗi nhân loại; thì trong mắt nhiều chính trị gia có tên tuổi, Duterte chỉ là một… kẻ khùng không hơn không kém!
Trong nhiều cuộc phỏng vấn trước đây, ông từng thừa nhận mình là một đứa trẻ “có vấn đề”; từng đánh nhau khi còn là học sinh, và bị đuổi học hai lần. Đó là một Rody (tên thường gọi của ông) thời niên thiếu ngỗ ngược, có thể la cà với đám bạn đường phố đến thâu đêm suốt sáng, và thường chỉ về nhà vào lúc 3-4 giờ sáng.
Tổng thống Rodrigo Duterte - người hùng với phần lớn người dân Philippines, nhưng lại bị nhiều chính trị gia xem là một "kẻ khùng"
Hồi tháng 12 năm ngoái, ông tiết lộ một bí mật gây chấn động mà rất có thể đây chính là nguyên nhân khiến ông trở thành một kẻ "rối loạn nhân cách yêu bản thân thái quá chống lại xã hội”, như nhận định của một chuyên gia tâm lý. Khi mới 14, 15 tuổi, Duterte bị linh mục người Mỹ lạm dụng tình dục.
Theo bản báo cáo, ông Duterte thậm chí còn được mô tả là kẻ không có khả năng trung thành và cam kết, thờ ơ trước nhu cầu và cảm xúc của người khác, thiếu hối hận và tội lỗi. “Bốc đồng, dễ bị kích động, kém kiểm soát cảm xúc” chính xác là những cụm từ mô tả đặc điểm tính cách mà không chỉ các chuyên gia tâm lý mới có thể đưa ra nhận xét về Tổng thống Philippines.
Khi chiến dịch chống tội phạm ma túy của Manila bị cộng đồng quốc tế phản ứng dữ dội, ông Duterte không ngại ngần tuyên bố sẽ rút khỏi Liên hiệp quốc. Những tưởng sóng gió chính trường sẽ nổi lên ở Philippines, khu vực Đông Nam Á, châu Á - Thái Bình Dương và toàn cầu trước tuyên bố hùng hồn của ông. Song mọi chuyện nhanh chóng được giải quyết êm xuôi và dần tan như bọt biển, tưởng chừng như chưa bao giờ ông nói ra câu đó.
Hay như thời điểm cận kề ngày Tòa Trọng tài (được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc) ra phán quyết cuối cùng về vụ kiện Biển Đông, giới chuyên gia cũng nhấp nhổm đứng ngồi không yên khi ông Duterte đắc cử Tổng thống Philippines. Họ lo ngại, với tính khí “ngang ngửa” ứng viên Tổng thống Mỹ đến từ đảng Cộng hòa Donald Trump, liệu ông có bất ngờ thoái lui? Dĩ nhiên chuyện ấy đã không xảy ra!
“Kẻ khùng” cần… Mỹ ở Biển Đông
Sự thất thường đến khó hiểu của nhà lãnh đạo đất nước nghìn đảo trong thời gian gần có lẽ khiến Nhà Trắng phải căng óc suy nghĩ xem, thực chất ông Duterte đang toan tính điều gì sau mỗi phát ngôn “không biết trời đất là gì”? Và, với ông Barack Obama, có lẽ ông sẽ khó có thể quên được kỷ niệm… nhớ đời với Tổng thống Philippines trong năm cuối cùng của nhiệm kỳ thứ hai trên cương vị Tổng thống Mỹ.
Sự cố ngoại giao hi hữu khiến giới chính khách choáng váng chỉ vừa mới xảy ra hồi đầu tháng 9 vừa qua, ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh được tổ chức tại Lào (diễn ra từ 6-8/9). Lúc đó, nhận lời chỉ trích từ Nhà Trắng về chiến dịch chống tội phạm ma túy đẫm máu của Manila, Tổng thống Rodrigo Duterte vô cùng tức giận. Không những lớn tiếng tuyên bố chấm dứt hợp tác với Washington trong cả lĩnh vực chống khủng bố và tuần tra trên Biển Đông, vị Tổng thống 71 tuổi còn không ngại sử dụng ngôn từ xúc phạm người đồng cấp - Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Nhưng, kết quả như chúng ta đã biết là gì? Ít ngày sau, Washington thông báo, tháng 12 năm nay, quân đội Mỹ sẽ chuyển cho lực lượng tuần duyên Philippines 2 chiếc máy bay quân sự Sherpa đã qua sử dụng nhằm hỗ trợ nước này tăng cường các hoạt động tuần tra ở Biển Đông. Tất nhiên trước khi được nhận món quà bất ngờ này, ông Obama đã tức giận hủy hẹn với người đồng cấp quốc gia nghìn đảo; còn ông Duterte thì đã kịp gửi lời xin lỗi tới vị Tổng thống da màu của đất nước cờ hoa.
"Kẻ khùng" liệu có khiến người khác... phát điên? Ảnh minh họa
Thế rồi, đến ngày 21/9, một tuần sau khi kêu gọi chấm dứt tuần tra chung với Hải quân Mỹ tại Biển Đông và rút lực lượng Mỹ ra khỏi Mindanao, Tổng thống Duterte lý giải hành động của mình trước các quân nhân ở Davao rằng, mục đích của ông chỉ là để… thương lượng thành công với phe Hồi giáo nổi dậy miền Nam Philippines (!?).
Ông giải thích thêm, Philippines hiện “không đủ” vũ khí để chiến đấu, còn số chiến đấu cơ được Không quân Philippines mua trước đây hỏa lực “không đủ mạnh”. Đồng thời, ông cũng khẳng định, Manila “không sẵn sàng” bước vào cuộc chiến với Bắc Kinh trên Biển Đông, vì đó sẽ là… một cuộc thảm sát! Kỳ lạ hơn, theo tờ Philippines Star, ông Duterte lại (rất thật thà) nói thêm: “Vấn đề là họ không muốn giao cho chúng ta tên lửa. Chúng ta có thể mua từ Hàn Quốc. Song Seoul không thể bán nếu Mỹ không đồng ý”.
Tấm “chân tình” của Tổng thống Philippines đối với Mỹ được thể hiện rõ ràng như sau: “Tôi chưa bao giờ nói họ phải ra khỏi Philippines”, Tổng thống Duterte nhấn mạnh. Theo ông, có thể lực lượng đặc biệt Mỹ sẽ phải rời đi… trong tương lai. Rõ ràng, “rời đi” khác với “ra khỏi”, bởi dù sao đi nữa, theo ông, Manila “cần có” quân đội Mỹ tại Biển Đông!?
Ấy vậy nhưng ngay sau đó, vị Tổng thống Philippines già nhất từ trước đến nay (trúng cử Tổng thống năm 71 tuổi) vẫn lại khiến người khác “khó hiểu” khi không quên tái khẳng định “chính sách đối ngoại độc lập” của Manila, và nhất là lập trường bảo vệ cuộc chiến chống ma túy của mình trước những lời chỉ trích từ Washington và châu Âu…
Ông Zhang Baohui, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương tại Đại học Lingnan ở Hong Kong từng nhận định, chính sách ngoại giao của ông Duterte có thể làm thay đổi mạnh mẽ bức tranh địa chiến lược của khu vực, “khiến Trung Quốc có vị trí lợi thế so với Mỹ”; và như vậy, chính sách xoay trục mà Tổng thống Obama cố gắng thực hiện suốt nhiều năm qua rất có thể sẽ… tan thành mây khói.
Bởi vậy mới nói, trong mắt người đời, những “kẻ khùng” thường không quá nguy hiểm, và chẳng mấy khi phải đề phòng. Thế nhưng, kịch hay về cuối, tàn cuộc cờ mới biết ai là người thắng bại, và khi đó “Bá gia mới biết kẻ Khùng là ai” (Phật giáo Hòa Hảo).