Tổng cục Du lịch khuyến cáo không đưa khách đến vùng biển ô nhiễm

Nhật Minh| 27/04/2016 15:38
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nếu Bộ NN&PTNT và Bộ TN-MT kết luận cá chết ở những vùng biển này do ô nhiễm thì chúng tôi sẽ khuyến cáo không đưa khách đến những vùng biển bị ô nhiễm”, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết.

Chỉ có ít ngày nữa là đến kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Đây cũng là thời điểm vàng của các công ty lữ hành và những địa phương có các tiềm năng du lịch biển. Thế nhưng, khi mùa du lịch biển vừa khởi động, tình trạng cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình và Thừa Thiên - Huế không chỉ khiến cho ngành du lịch của những tỉnh này như “ngồi trên đống lửa”, mà dân làm du lịch cũng hoang mang.

Tình trạng cá chết hàng loạt bất ngờ xảy ra từ 6/4 tại một số xã thuộc huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), thế nhưng cho đến nay, đã gần 1 tháng trôi qua, nguyên nhân chính xác dẫn đến sự cố nghiêm trọng này vẫn chưa được xác định và công bố.

Tổng cục Du lịch khuyến cáo không đưa khách đến vùng biển ô nhiễm

Cá chết hàng loạt ảnh hưởng lớn đến ngành du lịch tại các địa phương xảy ra tình trạng này.

Để đảm bảo an toàn cho khách du lịch, tránh tình trạng ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình và Thừa Thiên - Huế đã yêu cầu các nhà hàng, khách sạn không sử dụng cá ven bờ và cá chết phục vụ du khách. Trong khi đó, tỉnh Quảng Bình yêu cầu “các cơ sở chỉ được sử dụng nguồn thực phẩm có nguồn gốc từ các tàu đánh bắt xa bờ tại các ngư trường ở Vịnh Bắc Bộ, quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, tuyệt đối đảm bảo an toàn thực phẩm cho du khách và người tiêu dùng”.

Đối với các công ty lữ hành bán tour có điểm đến nằm trong vùng biển xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt, việc chấp nhận khách hủy tour, đổi tuyến là điều không thể tránh khỏi. Còn các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch ở những địa phương thuộc 4 tỉnh nói trên cũng nhanh chóng tính toán, thay đổi thực đơn theo hướng không sử dụng những đặc sản cho xuất xứ từ những vùng biển xảy ra cá chết hàng loạt; hoặc đặt mua các sản phẩm ở những ngư trường đảm bảo an toàn khác.

Tổng cục Du lịch khuyến cáo không đưa khách đến vùng biển ô nhiễm

Tiểu thương các chợ cá ở Huế chán nản vì cá ế. Ảnh: Zing

Cá chết hàng loạt, nguyên nhân chưa tìm ra, tiểu thương kinh doanh mặt hàng hải sản tại các vùng ven biển miền Trung thì rầu rĩ ngồi nhìn cá ế. Tâm lý “phòng bệnh còn hơn chữa bệnh” của người tiêu dùng khiến sức mua giảm.

Không chỉ có vậy, cá chết không rõ nguyên nhân còn dẫn đến một hệ quả tất yếu khác, những sản phẩm biển được xác định là sạch và an toàn hay các mặt hàng thực phẩm thay thế khác “nghiễm nhiên” được nâng giá. Và điều này tác động không hề nhỏ đến lĩnh vực kinh doanh du lịch ở nước ta, mà cụ thể là 4 tỉnh miền Trung có vùng cá chết.

Tổng cục Du lịch đề nghị sớm tìm ra nguyên nhân cá chết

Trao đối trên báo chí, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung cho rằng, ngành du lịch Việt Nam đang phải đối mặt với bốn khó khăn: “Thứ nhất, chất lượng môi trường tự nhiên của du lịch biển Việt Nam bị ảnh hưởng; Thứ hai, ảnh hưởng đến sức hấp dẫn của các điểm đến, khu du lịch biển của các tỉnh miền Trung từ: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế; Thứ ba, ảnh hưởng đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm của các cơ sở lưu trú, nhà hàng, khách sạn; Thứ tư, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ du lịch của các địa phương này”.

Tổng cục Du lịch khuyến cáo không đưa khách đến vùng biển ô nhiễm

Ông Ngô Hoài Chung - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ảnh: Nguoidothi

Trước tình hình trên, ông Chung đề nghị các cơ quan chức năng, nhất là ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường sớm vào cuộc để tìm ra nguyên nhân, có kết luận chính thức để có giải pháp khắc phục kịp thời.

Ngoài ra, để hạn chế thấp nhất thiệt hại và ảnh hưởng, Tổng cục Du lịch đã chỉ đạo các cơ sở lưu trú, lữ hành, các cơ quan quản lý về du lịch tại các địa phương nói trên nắm chắc tình hình, thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như theo dõi sát các cuộc thẩm tra, điều tra của các cơ quan chức năng để có xử lý kịp thời, đảm bảo hoạt động du lịch. Đối với các cơ sở lưu trú, khách sạn, Tổng cục cũng yêu cầu phải lấy cá và các loài hải sản có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, an toàn, chất lượng.

Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Ngô Hoài Chung cho biết: Đối với các doanh nghiệp lữ hành, Tổng cục Du lịch tạm thời chưa đưa ra khuyến cáo gì mà muốn chờ kết luận điều tra chính thức của các cơ quan chức năng có thẩm quyền.

“Nếu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Tài nguyên - Môi trường kết luận cá chết ở những vùng biển này do ô nhiễm thì chúng tôi sẽ khuyến cáo không đưa khách đến những vùng biển bị ô nhiễm”, ông khẳng định.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao UBND các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế rà soát, thống kê các hộ nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản bị thiệt hại, mức độ thiệt hại, đảm bảo đầy đủ, chính xác; đề xuất biện pháp hỗ trợ cho bà con ngư dân, nhất là các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, khó khăn, các trường hợp bị thiệt hại lớn, nặng nề, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.

Thủ tướng nhấn mạnh không được để dân thiếu đói do phải ngừng đánh bắt hải sản; đồng thời giao các bộ, ngành chức năng khẩn trương làm rõ nguyên nhân gây hiện tượng hải sản chết bất thường tại các địa phương này; báo cáo ngay Thủ tướng Chính phủ biện pháp xử lý nghiêm vi phạm.

Tin mới nhất liên quan đến vụ cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung: Sau khi họp nghe báo cáo của các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế về tình trạng cá chết trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã lấy mẫu nước từ nhiều địa điểm ở những tỉnh này cũng như tại Formosa (khu kinh tế Vũng Ánh, Hà Tĩnh) để tiến hành phân tích. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ đưa ra kết quả cụ thể, nêu rõ nguyên nhân và báo cáo đánh giá, đề xuất giải pháp khắc phục.

Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chủ trì cuộc họp báo công bố kết quả điều tra về nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên vào chiều nay (27/4).

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tổng cục Du lịch khuyến cáo không đưa khách đến vùng biển ô nhiễm