Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ, tinh gọn tổ chức bộ máy để tiết kiệm tiền chỉ là một phần; quan trọng hơn cả là hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, đưa đất nước phát triển...
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng 13/2, các Đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
2 nhiệm vụ rất quan trọng để đất nước phát triển
Nêu ý kiến thảo luận tại tổ, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, chủ trương sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy được nhân dân, các tổ chức, cơ quan đồng tình, ủng hộ, triển khai thực hiện rất nhanh, rất tốt, cho thấy chủ trương rất đúng, là điều người dân mong đợi từ lâu.
Tổng Bí thư chỉ rõ, tinh gọn tổ chức bộ máy để tiết kiệm tiền chỉ là một phần, quan trọng hơn cả là hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, đưa đất nước phát triển, “đây là điều mong mỏi nhất”.
Tổng Bí thư đặc biệt chỉ rõ 2 nhiệm vụ rất quan trọng để đất nước phát triển. Đầu tiên, phải có tăng trưởng, từ đó nâng cao đời sống nhân dân, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của nhân dân trên các mặt.
Theo Tổng Bí thư, không thể nói tăng trưởng mấy con số mà đời sống nhân dân không đáp ứng được. “Kinh tế phát triển thì đời sống người dân phải được nâng cao. Đây là mục tiêu xuyên suốt”.
Thứ hai là tinh gọn bộ máy và hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật, để huy động sức mạnh toàn xã hội. Cùng với đó là bố trí đội ngũ cán bộ để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật.
“Mô hình tổ chức bộ máy sắp xếp đã cơ bản được người dân đồng tình, từ Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, chính quyền địa phương, cơ sở. Còn cơ chế hoạt động thế nào, phải bố trí được cán bộ thực thi hết lòng hết sức vì dân, vì Đảng”- Tổng Bí thư nói.
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, Nghị quyết của Trung ương nhiều khóa đã đánh giá bộ máy cồng kềnh, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả. Nghị quyết 18 của Trung ương khóa XII đã nêu rõ, triển khai và đến giờ là khóa XIII tiếp tục phải làm.
Trong quá trình trên đều có nghiên cứu rất kỹ từ thực tiễn trong nước, kinh nghiệm các nước và thấy rằng các nước đều tính đến sự hài lòng của nhân dân; tiêu chí đánh giá hiệu lực, hiệu năng của bộ máy; quan tâm đến khả năng lãnh đạo, tầm nhìn dài hạn, khả năng thích ứng và đổi mới của chính quyền. Cùng với đó phải tính đến khả năng phối hợp, năng lực thực thi chính sách và chất lượng hiệu quả; tính đến khả năng quản lý về ngân sách.
“Tại sao tiềm lực đất nước như thế mà không phát triển được? Đầu tư công thế nào mà khó khăn thế, có tiền Nhà nước mà không tiêu được? Vì sao hệ thống luật, quy định lại phức tạp thế này? Địa phương này muốn hỗ trợ, địa phương khác lại không?”- Tổng Bí thư nêu thực tế.
Phục vụ nhân dân tốt hơn
Dẫn câu chuyện của Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc đều có bước phát triển vượt bậc, Tổng Bí thư nói, “như Singapore, 50-60 năm trước, họ nói được sang Bệnh viện Chợ Rẫy chữa bệnh là mơ ước. Bây giờ, mình lại mơ sang họ khám bệnh. Hay Trung Quốc khi mở cửa có trình độ tương đồng, bây giờ thu nhập đầu người 12.000-15.000 USD, còn ta chưa được 5.000 USD”.
Việc so sánh như thế, để thấy tốc độ phát triển của Việt Nam khó khăn, trong khi nguy cơ tụt hậu đã được Đảng nhận định từ Đại hội VI.
Tổng Bí thư đặc biệt lưu ý, phải tính đến năng lực cạnh tranh của thị trường; vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Bởi nhìn thành quả đạt được là vĩ đại song nhìn sang nhiều nước thấy mình còn chậm, khả năng cạnh tranh quốc gia rất khó khăn.
Nêu vấn đề, muốn đạt mục tiêu thì phải phát triển rất cao và nhanh, nhưng với bộ máy nặng nề có phát huy được hết tiềm lực hay không, Tổng Bí thư cho biết bây giờ mới sắp xếp bước đầu, còn vẫn tiếp tục nghiên cứu, đánh giá về bộ máy chính quyền hiệu năng, hiệu quả thế nào.
Lấy ví dụ, huyện Đông Anh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, thu ngân sách gấp nhiều lần nhiều tỉnh Tổng Bí thư nêu vấn đề "tại sao một huyện, quận như thế, quy mô đất đai, dân số như thế người ta lại làm được. Còn đây phạm vi của một tỉnh tại sao kinh tế lại đì đẹt như vậy, tốc độ phát triển như thế này. Phải mang sách vở đến mà học, phải tính toán lại, phải rút kinh nghiệm với những việc đó".
Đề cập vấn đề chính quyền quốc gia nên 3 cấp hay 4 cấp, Tổng Bí thư cho biết, 80% các nước có chính quyền 3 cấp, ở ta 4 cấp. Ngành Công an nghiên cứu thí điểm trước, bỏ công an cấp huyện. Công an chính quy về xã thì dân mừng, vì từ hộ khẩu, đăng ký ô tô, xe máy, thậm chí điều tra… công an xã xử lý được hết, không cần chờ đến huyện, tỉnh.
“Thực tế, có tỉnh tách ra rất phát triển, song có tỉnh nói hết đất, dư địa rồi, chỉ tính liên kết vùng, chính vì vậy mới có hội đồng vùng, liên kết vùng... Do đó, đòi hỏi tiếp tục nghiên cứu. Mục tiêu đất nước phát triển, phục vụ tốt hơn Nhân dân. Thấy được những việc đó thì phải làm", Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.