Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh nội dung trên tại cuộc gặp mặt, biểu dương chức sắc, chức việc tôn giáo có đóng góp tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi gặp mặt
Sáng 9/8, tại thành phố Đà Nẵng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gặp mặt, biểu dương chức sắc, chức việc tôn giáo có đóng góp tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn và 126 vị chức sắc, chức việc tôn giáo tiêu biểu, đại diện lãnh đạo của 43 tổ chức tôn giáo.
Tôn giáo thực sự là một nguồn lực quan trọng
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, các chức sắc tôn giáo đều khẳng định tinh thần dân tộc, hành đạo gắn bó với dân tộc, xây dựng cuộc sống “tốt đời, đẹp đạo”. Các tôn giáo ngày nay đã tích cực nhập thế, hiện diện và có đóng góp trên nhiều lĩnh vực của xã hội. Các tôn giáo đã xây dựng đường hướng hành đạo gắn bó với dân tộc; tập hợp đông đảo tín đồ trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp, như: “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội” của Phật giáo; “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc” của Công giáo; “Sống phúc âm phụng sự Thiên Chúa, phục vụ Tổ quốc và dân tộc” của đạo Tin lành; “Nước vinh, đạo sáng” của đạo Cao Đài; “Vì đạo pháp, vì dân tộc” của Phật giáo Hòa Hảo...
Các chức sắc, chức việc tôn giáo bày tỏ “phục vụ người nghèo khổ bằng cả trái tim” như ý kiến của chức sắc Công giáo hay “bàn thờ tôn giáo có nhiều nhưng bàn thờ Tổ quốc có một”, góp phần làm cho Tổ quốc Việt Nam ngày càng tươi sáng hơn như ý kiến của chức sắc Đạo Cao Đài.
Bày tỏ tham gia nhiều hơn vào các lĩnh vực từ thiện, giáo dục, y tế, các ý kiến cho rằng, cần tổ chức nhiều hơn các cuộc tọa đàm, gặp mặt để lắng nghe, giải quyết ý kiến của các chức sắc, chức việc, tín đồ.
Theo Hòa thượng Thích Hải Ấn, Ủy viên Thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các trung tâm dạy nghề, y tế, từ thiện xã hội, giáo dục có quy mô còn nhỏ lẻ, xuất phát từ tấm lòng từ bi cứu giúp người khó khăn nên số lượng người được giúp đỡ còn hạn chế. Hoạt động của các trung tâm này chưa được chuyên nghiệp hóa. Hòa thượng mong muốn các ngành y tế, giáo dục hỗ trợ về chuyên môn đối với các phòng khám từ thiện, các trường mầm non thuộc tổ chức tôn giáo. Các cơ quan liên quan giúp đỡ về mặt pháp lý thủ tục hành chính mở các trường dạy nghề.
Giám mục Vũ Đình Hiệu, Giám mục Giáo phận Bùi Chu cho biết, Công giáo Việt Nam mong muốn đóng góp nhiều hơn trong lĩnh vực giáo dục, y tế nhưng gặp khó khăn về đất đai, không có mặt bằng xây dựng trạm xá, trường học. Giám mục đề nghị hỗ trợ về vấn đề này.
Đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các chức sắc, chức việc tôn giáo, Thủ tướng nhấn mạnh, “chúng ta thấy rất rõ rằng, sự đóng góp của các tôn giáo ở Việt Nam trong thời gian qua là to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước”. “Các ý kiến nêu ra hôm nay không chỉ là con số mà còn là tấm lòng yêu thương mọi người. Có vị đã nói ở Việt Nam chúng ta có 43 tổ chức tôn giáo được pháp luật công nhận nhưng bàn thờ Tổ quốc chỉ có một. Chúng ta quyết đoàn kết, phụng sự nhân dân, phụng sự Tổ quốc”.
Những điểm tương đồng giữa tôn giáo với xã hội, giữa giáo lý, giáo luật với các quy định của pháp luật Nhà nước ngày càng được phát huy.
Với những giáo lý nhân văn, bác ái của mình, các tôn giáo ở Việt Nam đã cụ thể hóa thành những hành động thiết thực, cứu người, giúp đời, chung tay cùng đồng bào tôn giáo và đồng bào không có tôn giáo xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh. Các chuẩn mực đạo đức tích cực, nhân văn của tôn giáo đã dung nhập vào đời sống xã hội, góp phần tạo nên những chuẩn mực đạo đức, văn hóa, ứng xử nhân văn, nhân ái của dân tộc ta, như Bác Hồ từng nói: “Chúa Giêsu dạy: Đạo đức là bác ái, Phật Thích Ca dạy: Đạo đức là từ bi, Khổng Tử dạy: Đạo đức là nhân nghĩa”.
Những giá trị văn hóa tốt đẹp, tiến bộ của tôn giáo đã góp phần tạo nên sự phong phú, đặc sắc của nền văn hóa dân tộc Việt Nam chúng ta. “Tôn giáo ở Việt Nam không chỉ là một thành tố của văn hóa mà còn thực sự là một nguồn lực quan trọng, góp phần phát triển đất nước”, Thủ tướng nói.
“Tôi rất cảm động và vui mừng khi nghe quý vị nói, chưa có nước nào mà gặp mặt đông đủ các vị lãnh đạo các tôn giáo như Việt Nam ta hôm nay. Cảm ơn lời nói từ đáy lòng đó”.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng nhấn mạnh, cần thẳng thắn, khách quan nhìn nhận, hoạt động tôn giáo, công tác tôn giáo cũng đang phải đối diện với những khó khăn, thách thức.
Trong đời sống xã hội, vẫn còn một số hiện tượng tín ngưỡng mới, tà đạo hoạt động mê tín dị đoan, trục lợi, trái thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng đến sức khỏe, thời gian, tiền bạc của nhân dân. Đâu đó vẫn còn tình trạng lợi dụng tôn giáo để chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, gây phức tạp về an ninh, trật tự xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trong tiến trình hội nhập.
Không để bị lợi dụng, chống phá về dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo
Với phương châm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo hành động để phục vụ nhân dân tốt hơn nữa, nói đi đôi với làm, Thủ tướng nhấn mạnh một số nội dung và cũng là mong muốn của Người đứng đầu Chính phủ.
Một là, các chức sắc, chức việc, lãnh đạo các tổ chức tôn giáo tiếp tục đồng hành cùng với Chính phủ và chính quyền các cấp, gương mẫu, trách nhiệm, tận tụy, hướng dẫn, động viên chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo thực hiện đúng phương châm, đường hướng hành đạo gắn bó đồng hành với dân tộc.
Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của tôn giáo cho quá trình phát triển đất nước; quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng cùng giải quyết những khó khăn, vướng mắc với tinh thần xây dựng, thiện chí và khách quan. Nguyên tắc chung là phải nhìn nhận và giải quyết các vấn đề liên quan đến tôn giáo trên tinh thần thượng tôn pháp luật và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tôn giáo của mọi người dân.
Hai là, mỗi chức sắc, chức việc, nhà tu hành và lãnh đạo các tổ chức tôn giáo là một tấm gương để quần chúng tín đồ noi theo, nêu gương giá trị văn hóa từ bi, bác ái, xây dựng mối quan hệ đạo - đời hòa hợp, chung tay cùng nhân dân và chính quyền các cấp xây dựng và phát triển đất nước.
Đề xuất những hoạt động phát huy nguồn lực của tổ chức tôn giáo tham gia tích cực, hiệu quả các hoạt động xã hội, nhất là các lĩnh vực thế mạnh của tôn giáo như y tế, văn hóa, giáo dục, dạy nghề, từ thiện xã hội, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường....
Bên cạnh đó, không để các hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo mê tín dị đoan, trục lợi, gây bức xúc trong xã hội, chia rẽ nhân dân, phá hoại khối đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo; nêu cao tinh thần cảnh giác, không để các thế lực lợi dụng chống phá ta về “dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo”, cản trở Việt Nam trong hội nhập và hợp tác quốc tế.
Ba là, các bộ, ngành chức năng, đặc biệt các địa phương cần tập trung cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về công tác tôn giáo, phát huy vai trò tích cực của các tôn giáo trong sự nghiệp xây dụng và bảo vệ Tổ quốc.
Phát huy giá trị văn hóa, đạo đức nhân văn, bác ái của các tôn giáo để lan tỏa trong đời sống xã hội, bồi đắp cho nền văn hóa dân tộc Việt Nam; phát huy nguồn lực trí tuệ và sức sáng tạo của con người Việt Nam nói chung và đồng bào tôn giáo nói riêng trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào lao động sản xuất. Chúng ta cần phát huy tối đa nguồn lực, trí tuệ của con người Việt Nam để phát triển đất nước, nêu cao tinh thần yêu nước, ý thức tự lực tự cường của dân tộc. Đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực để chúng ta cùng phấn đấu thực hiện.
Thủ tướng mong rằng, các chức sắc, chức việc và đồng bào theo tôn giáo ở Việt Nam tiếp tục thúc đẩy đoàn kết tôn giáo, đoàn kêt dân tộc, phát huy vai trò của tôn giáo đối với đất nước, với dân tộc, đặc biệt là những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo trong việc xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh. Các chức sắc, tín đồ tôn giáo tiếp tục đóng góp nguồn lực là thế mạnh của tôn giáo mình trong sự nghiệp y tế, giáo dục, xây dựng đời sống văn hóa, xóa đói giảm nghèo, từ thiện nhân đạo, bảo vệ môi trường và xây dựng đất nước ngày càng hiệu quả, thiết thực hơn nữa.
Việt Nam hiện có 43 tổ chức tôn giáo được công nhận, hơn 26 triệu tín đồ, gần 56.000 chức sắc, trên 145.000 chức việc... Theo báo cáo của Ban Tôn giáo Chính phủ trên địa bàn cả nước có trên 500 cơ sở y tế, phòng khám chữa bệnh từ thiện do các tổ chức tôn giáo thành lập. Cả nước có khoảng 300 trường mầm non, 2.000 lớp học tình thương, 12 cơ sở dạy nghề thuộc các tổ chức tôn giáo. Hiện có gần 800 cơ sở bảo trợ xã hội của các tổ chức Phật giáo, Công giáo, Cao đài... đang nuôi dưỡng trên 12.000 trẻ em mồ côi, trẻ tàn tật, người già cô đơn, bệnh nhân tâm thần, HIV/AIDS, tiếp nhận nhiều nhóm đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Trong 6 tháng đầu năm 2019, các tổ chức tôn giáo đã đóng góp cho xã hội hơn 1.000 tỷ đồng. |