Tội phạm kinh tế giảm, nhưng tham nhũng tăng 40,97%

Quốc Huy| 08/11/2022 09:10
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng 8/11, thừa uỷ quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm báo cáo Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022.

Tình hình tội phạm diễn biến phức tạp

Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, ngay từ đầu năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; trong đó tiếp tục nhấn mạnh nhiệm vụ bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội là trọng tâm, then chốt.

Công tác phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương quan tâm thực hiện; chủ động đa dạng hóa cách thức và tăng thời lượng công tác tuyên truyền cho Nhân dân về phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của tội phạm.

Tội phạm về trật tự xã hội tuy giảm 6,69%, song còn diễn biến phức tạp, nhất là giết người do mâu thuẫn, thù tức cá nhân, tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”, tội phạm xâm hại trẻ em, mua bán người, xâm phạm sở hữu, chống người thi hành công vụ...

Tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu diễn biến rất phức tạp. Nổi lên là các sai phạm trong các lĩnh vực chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đấu thầu, đấu giá, mua sắm công, y tế, giáo dục, đất đai, tài chính, ngân hàng, tài nguyên, khoáng sản, phòng, chống dịch bệnh...

Số vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế phát hiện giảm 36,68%, số vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ phát hiện tăng 40,97%.

Tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông tiếp tục diễn biến ngày càng phức tạp với phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, tinh vi hơn. Nổi lên là: Tổ chức đánh bạc, đánh bạc, cá độ bóng đá qua mạng internet; tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng Internet; tình trạng tán phát tin nhắn rác để quảng cáo hoạt động cờ bạc, mại dâm...

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Công an, năm 2022, công tác tuyển chọn đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, miễn nhiệm và quản lý điều tra viên, cán bộ điều tra tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. Số điều tra viên cả nước hiện có hơn 13.640, tăng gần 6,7%, trong đó có 917 điều tra viên cao cấp, gần 7.090 điều tra viên trung cấp và hơn 5.640 điều tra viên sơ cấp.

Song, Bộ trưởng cũng thừa nhận “một số nơi còn tình trạng thiếu điều tra viên, vẫn còn một số ít điều tra viên trình độ, năng lực yếu, chưa đáp ứng yêu cầu công tác điều tra, xử lý tội phạm” và “cá biệt còn vi phạm trong hoạt động điều tra đến mức phải xử lý hình sự”.

Cũng theo Bộ trưởng Tô Lâm, cơ quan điều tra các cấp đã thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong công tác điều tra, xử lý tội phạm, công tác bắt, giam, giữ. Các yêu cầu, nhiệm vụ Quốc hội giao liên quan đến công tác điều tra, xử lý tội phạm đều được thực hiện có hiệu quả; tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư, người giám hộ, người bào chữa, trợ giúp pháp lý tham gia hoạt động tố tụng hình sự theo quy định pháp luật.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng thừa nhận công tác điều tra, xử lý tội phạm vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Đáng chú ý, còn xảy ra các trường hợp đình chỉ điều tra do không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm; kết thúc thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can phạm tội; VKS không phê chuẩn các lệnh, quyết định của Cơ quan điều tra...

Còn tình trạng đối tượng bị tạm giữ bỏ trốn, chết không do bệnh lý

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Uỷ ban Tư pháp ghi nhận trong kỳ báo cáo, một số chỉ tiêu đã đạt và vượt so với yêu cầu của Quốc hội. Đáng chú ý, tỷ lệ khám phá tội phạm xâm phạm trật tự xã hội đạt gần 87%, trong đó án rất nghiêm trọng đạt trên 95%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt trên 96%; không có tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố bị quá hạn.

Cơ quan điều tra các cấp đã nỗ lực trong việc rà soát các vụ án, bị can đang tạm đình chỉ điều tra, kết quả đã giảm được nhiều vụ án, bị can đang tạm đình điều tra so với năm 2021.

Uỷ ban Tư pháp cũng đánh giá, công tác bắt, vận động đối tượng truy nã ra đầu thú đạt kết quả cao; đã bắt, vận động đầu thú, thanh loại hơn 5.800 đối tượng, trong đó có 1.354 đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra của Quốc hội cho rằng công tác điều tra, xử lý tội phạm vẫn còn một số hạn chế. Cụ thể, cơ quan điều tra một số địa phương tiếp nhận, xác minh, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố còn chưa đúng quy định. VKSND các cấp phát hiện nhiều thiếu sót và yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố vụ án, trực tiếp khởi tố và yêu cầu điều tra vụ án hình sự, ban hành nhiều kiến nghị đối với Cơ quan điều tra yêu cầu khắc phục vi phạm pháp luật trong công tác này.

Uỷ ban Tư pháp cũng lưu ý chất lượng hoạt động điều tra còn một số hạn chế, trong đó có công tác thu thập, đánh giá chứng cứ. Cơ quan điều tra phải đình chỉ điều tra do không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm và hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can thực hiện tội phạm 18 trường hợp, tăng 6 trường hợp so với năm 2021. Đặc biệt, số lượng đối tượng truy nã còn nhiều (hơn 9.600 đối tượng), trong đó số đối tượng nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm đang bị truy nã là hơn 4.600.

Về công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam, Báo cáo của Chính phủ đánh giá, đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, trong đó các cơ sở giam giữ được đảm bảo an ninh, an toàn, không để xảy ra tình huống đột xuất, bất ngờ, các vụ việc gây rối, chống phá tập thể…

Tuy nhiên, công tác này còn một số tồn tại, hạn chế, như công tác quản lý người bị tạm giữ, người bị tạm giam nhất là người bị kết án tử hình gặp nhiều khó khăn và áp lực rất lớn, chưa được giải quyết. Đồng thời, vẫn còn tình trạng các đối tượng bị tạm giam, tạm giữ trốn, vi phạm pháp luật trong thời gian giam giữ, chết không do bệnh lý.

Nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại, theo Chính phủ, do đối tượng bị bắt đưa vào cơ sở giam, giữ thường có tâm lý hoang mang, lo lắng, sợ bị trừng phạt của pháp luật, quanh co chối tội, luôn tìm cách chống đối, trốn. Trong khi đó, một số đối tượng bi quan, mặc cảm, ân hận với tội lỗi do bản thân gây ra nên tìm mọi cách để tự sát...

Ủy ban Tư pháp nhận định, vẫn còn trường hợp vi phạm chế độ đối với người bị tạm giữ, tạm giam, vi phạm về công tác quản lý tạm giữ, tạm giam và công tác giáo dục người bị tạm giữ, tạm giam.

Đặc biệt, còn để bốn đối tượng bỏ trốn (đã bắt lại tất cả), 39 đối tượng chết do tự sát, sáu đối tượng chết do đánh nhau. Cá biệt, theo Uỷ ban Tư pháp, đã xảy ra ba trường hợp chết do cán bộ, chiến sỹ của cơ sở giam giữ dùng nhục hình.

Uỷ ban Tư pháp đánh giá việc áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam đã có nhiều tiến bộ so với năm 2021. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn một số vi phạm, dẫn đến VKSND các cấp đã không phê chuẩn một số quyết định tố tụng.

Số người bị tạm giữ hình sự phải trả tự do không xử lý hình sự sau khi hết thời hạn tạm giữ giảm so với năm 2021, nhưng vẫn còn 626 người.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tội phạm kinh tế giảm, nhưng tham nhũng tăng 40,97%