Sáng nay (5/12), TANDTC tổ chức Hội thảo tham vấn về một số nội dung cần hướng dẫn trong dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng quy định của BLHS 2015 về Tội mua bán người, Tội mua bán người dưới 16 tuổi...
Tham dự hội thảo có đại diện các Bộ ngành liên quan và lãnh đạo một số TAND địa phương như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Ninh,…Ông Bùi Ngọc Hòa, Thẩm phán TANDTC đã chủ trì hội thảo.
Xây dựng nghị quyết hướng dẫn
Phát biểu tại hội thảo, ông Bùi Ngọc Hòa cho biết, trong những năm gần đây, tình hình tội phạm mua bán người, mua bán trẻ em diễn biến phức tạp, gia tăng cả về số lượng và tính chất, mức độ, quy mô. Mua bán người đã trở thành một hoạt động mang lại lợi nhuận lớn cho các tổ chức tội phạm. Đây là tội phạm thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp, người phạm tội đã có hành vi phạm tội xâm phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự, quyền tự do, quyền làm người của nạn nhân, coi con người như một món hàng hóa để mua, bán, trao đổi nhằm mục đích kiếm lợi nhuận…
Để có cơ sở pháp lý nhằm xử lý ngày càng có hiệu quả loại tội phạm này, BLHS 2015 đã có nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung về Tội mua bán người, Tội mua bán người dưới 16 tuổi và một số tội phạm khác có liên quan.
Thực hiện Kế hoạch triển khai, thi hành BLHS năm 2015 và Nghị quyết số 41 của Quốc hội trong TAND, để có cơ sở thực tiễn cho việc hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về các Tội mua bán người, Tội mua bán người dưới 16 tuổi và các tội phạm có liên quan. TANDTC tổ chức hội thảo về một số nội dung cần hướng dẫn trong dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS 2015 về các tội danh trên.
Vì vậy, đề nghị các đại biểu thảo luận, đóng góp ý kiến đối với các quy định về mua bán người trong pháp luật hình sự Việt Nam, thực tiễn thi hành các quy định này, những kết quả đạt được, khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng và đề xuất, kiến nghị để hướng dẫn trong dự thảo Nghị quyết.
Ông Bùi Ngọc Hòa, Thẩm phán TANDTC
Báo cáo về dự thảo Nghị quyết, đại diện Vụ pháp chế và quản lý khoa học TANDTC cho biết, BLHS 2015 đã có những sửa đổi quan trọng về các tội danh: Tội mua bán người, Tội mua bán người dưới 16 tuổi và các tội phạm có liên quan. Việc sửa đổi này phù hợp với Nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị tội phạm buôn bán người, đặc biệt là đối với phụ nữ, trẻ em; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong phòng chống lọai tội phạm này. Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, TANDTC dự kiến cơ cấu một số nội dung cần hướng dẫn trong dự thảo Nghị quyết để các đại biểu thảo luận, góp ý.
Đó là: Xác định hành vi mua bán người, một số tình tiết định khung hình phạt; truy cứu hình sự một số trường hợp cụ thể; hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi mua bán người dưới 16 tuổi…; Truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp cụ thể, như trường hợp sử dụng thủ đoạn môi giới nuôi con nuôi trái pháp luật…
Hướng dẫn cần có ví dụ minh họa
Thảo luận tại hội thảo, các đại biểu cơ bản thống nhất với việc xây dựng dự thảo Nghị quyết, đồng thời đề nghị bổ sung, hướng dẫn một số trường hợp cụ thể.
Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh Phạm Minh Tuyên đề nghị, việc hướng dẫn ngắn gọn, dễ hiểu cho cho người áp dụng. Một số trường hợp cần nêu ví dụ tương tự để minh họa sau hướng dẫn để các Thẩm phán dễ dàng áp dụng.
Đại diện Bộ Công an cho biết, điểm quan trọng của dự thảo Nghị quyết là cần xác định tội danh như thế nào là Tội mua bán người và các hành vi mua bán người. Cùng với đó là việc nêu các ví dụ cụ thể để cơ quan tố tụng áp dụng. Những thủ đoạn mua bán người không cần phải giải thích, hướng dẫn nhiều, quan trọng là việc xác định hành vi tuyển mộ, để tiến hành mua bán người. Đặc biệt, những trường hợp mua bán người ra nước ngoài rất khó truy tố, nên đề nghị dự thảo quy định rõ. Hay các trường hợp vừa tổ chức mại dâm vừa mua bán, vừa vận chuyển người thì truy tố ra sao cần quy định rõ.
Đại biểu cũng đề nghị cần làm rõ một số khái niệm về bóc lột tình dục, hành vi trái ý muốn hay không? Hiện nay phụ nữ đi nhiều nơi để hoạt động mại dâm, đa phần qua con đường du lịch và tự nguyện, trong đó số ít bị lừa bán người. Vậy truy tố và xử lý như thế nào khi những hành vi này đan xen?
Còn theo ông Nguyễn Văn Hoàn, Phó vụ trưởng Vụ pháp luật Hình sự-Hành chính (Bộ Tư pháp), Nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp tội phạm có phân biệt sự khác nhau giữa mua bán người và mua bán trẻ em, là khi chứng minh Tội mua bán trẻ em chỉ cần hành vi, không cần mục đích. Trong Nghị quyết cần hướng dẫn cụ thể những hành vi na ná, có sự giao thoa với nhau như Tội mua bán người và hành vi đưa người đi di cư…để các Thẩm phán dễ áp dụng.
Phó Chánh án TAND tỉnh Quảng Ninh Đào Đình Trợi cũng nêu lên thực tế xét xử tại Quảng Ninh. 5 năm qua, TAND tỉnh Quảng Ninh đã xét xử trên 40 vụ án liên quan đến hành vi này. Các bị cáo đưa ra xét xử ít người ở địa phương mà ở các địa phương khác. Có những đứa trẻ khi cơ quan biên phòng bắt giữ đối tượng, trao trẻ lại thì không biết bố mẹ là ai nên không thể tìm được bị hại. Hoặc có nhiều vụ án mua bán người, bị hại bị đưa ra nước ngoài nhưng không xác định được họ ở đâu. Trong quá trình xét xử không đảm bảo quyền lợi cho bị hại như tống đạt giấy tờ, vậy có vi phạm tố tụng hay không đề nghị hướng dẫn trong Nghị quyết.
Ngoài ra, ông Trợi cũng đề nghị cần hướng dẫn một số khái niệm liên quan đến Điều 150 của BLHS 2015 về Tội mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi để xác định thế nào là “Vì động cơ đê hèn”, “Mục đích vô nhân đạo” để áp dụng các điều khoản trong xét xử. Trong trường hợp nạn nhân tự nguyện bán mình, người thực hiện hành vi phạm tội không phải dùng đến vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hay có bất kỳ thủ đoạn nào, thì người này có phạm Tội mua bán người và nạn nhân có được coi là đồng phạm không?
Đại biểu cũng đề nghị cần có hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp: Đối với hành vi chuyển giao, tiếp nhận người để cưỡng bức lao động, thì khi nào bị xét xử về tội “Mua bán người” quy định tại Điều 150, khi nào xét xử về tội “Cưỡng bức lao động” quy định tại Điều 297 Bộ luật Hình sự năm 2015…
Kết thúc hội thảo, Thẩm phán TANDTC, ông Bùi Ngọc Hòa đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các đại biểu, đó đều là những nội dung quan trọng góp phần hoàn thiện dự thảo nghị quyết. Vì vậy đề nghị Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC khẩn trương tổng hợp các ý kiến đóng góp để sớm hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội mua bán người, tội mua bán người dưới 16 tuổi và một số tội khác có liên quan, trình Hội đồng Thẩm phán và xin ý kiến Bộ, ngành có liên quan trong thời gian sớm nhất.