Hiếu chiến, khát máu… những từ ngữ không đủ diễn tả hết sự tàn độc mà tên Tây lai Leon Leroy đã gây ra cho nhân dân trong cuộc thảm sát 286 đồng bào tại huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.
Lòng dạ lang sói của hắn là thứ vũ khí hủy diệt đồng bào, gieo rắc nạn diệt chủng lên mọi miền quê nghèo vùng sông nước, nhưng mất mát nhiều nhất vẫn là Bến Tre, quê ngoại của hắn.
Dù những nấm mồ tập thể chôn vội người thân ngày nào đã nằm yên dưới tán dừa xanh ngát, dù tấm bia căm thù mà đồng bào Cầu Hòa từng xây đã sờn màu năm tháng, nhưng những tội ác kinh hoàng của tên Tây lai Leon Leroy vẫn còn ám ảnh trong ký ức của người dân Bến Tre. Trang sử ghi lại vụ thảm sát 286 người dân Cầu Hòa thuộc xã Phong Nẵm, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre vẫn còn nguyên vẹn.
Chân dung cậu ấm mang hai dòng máu
Những năm 1945 - 1950, việc đánh chiếm miền Bắc Việt Nam của thực dân Pháp trở nên bị động. Để thay đổi tình thế, chúng quyết định gấp rút đẩy một phần lớn quân lực bao gồm lính Pháp và lính Âu Phi ra phía Bắc hòng tìm lại lợi thế sau ngày toàn quốc kháng chiến bùng nổ. Tại chiến trường các tỉnh miền Tây Nam bộ vẫn diễn ra những cuộc đấu tranh khốc liệt. Trong tình hình trên, quận An Hóa (Bến Tre ngày nay), Pháp cũng cho rút phần lớn lính bộ Pháp và Âu Phi ra phục vụ cho chiến trường phía Bắc nhưng không phải vì thế mà phong trào đấu tranh tại đây dễ thở hơn.
Ngược lại, thực dân Pháp đã sử dụng con át chủ bài, một thứ vũ khí thực sự đáng sợ hòng đè bẹp phong trào bám địa phương đấu tranh, nhằm san phẳng mọi tổ chức cách mạng mà ta đã gây dựng được tại đây: Leon Leroy. Đánh giá về nhân vật một thời từng là nỗi khiếp đảm của nhân dân An Hóa, ông Nguyễn Hùng, phó trưởng Ban quản lý di tích Cầu Hòa nhận định: "Đó thực sự là một con người độc ác. Những tội ác của hắn dày đến nỗi những gì chúng tôi có và được công bố cũng chỉ dừng ở mức những cái điển hình nhất".
Theo cuốn Lịch sử đấu tranh cách mạng xã Lộc Thuận, của Đảng ủy xã Lộc Thuận xuất bản năm 2004 thì Leon Leroy mang 2 dòng máu Pháp - Việt. Tài liệu trên ghi nhận, Leon Leroy sinh năm 1920 tại làng Bình Đại, Bến Tre ngày nay. Y là kết quả của cuộc hôn phối giữa tên lính săn gốc Pháp đã về hưu Phile Leroy và bà Võ Thị Khánh.
Được biết, Phile Leroy là người gốc đảo Corse (Pháp). Đời binh nghiệp cho phép Phile Leroy quen biết rồi thân thiết với tên kinh lý người Pháp, Chiris Tophe, thường được dân Bình Đại gọi là Kí Tốt. Dựa vào mối quan hệ này, sau khi mãn hạn đi lính tại chiến trường Đông Dương, Phile Leroy quyết định ở lại Bình Đại lập nghiệp. Tại đây, dưới sự hậu thuẫn của Chiris Tophe, Phile Leroy chiếm hơn 500ha đất làng Bình Đại làm của riêng.
Chân dung tên Tây lai Leon Leroy.
Sau đó, hắn gặp và cưới Võ Thị Khánh. Đánh giá về người phụ nữ trên, tài liệu Lịch sử đấu tranh cách mạng xã Lộc Thuận ghi nhận: "Võ Thị Khánh gốc là dân buôn bán hàng chuyến, sống buông thả, từ Gò Công qua Bình Đại gặp Phile Leroy lấy nhau chiếm đất và trở thành địa chủ và có 4 con. Cả hai ra sức bóc lột nhân dân bằng sưu cao thuế nặng và mau chóng trở thành một địa chủ khét tiếng ác ôn. Leon Leroy là con thứ 3 của vợ chồng địa chủ trên. Tuy là con thứ nhưng Leon Leroy được đánh giá là đứa trội hơn hẳn các anh chị về mọi mặt. Được biết, ngay từ nhỏ, hắn đã bộc lộ bản tính xảo trá và hung tàn vốn có của những cậu ấm".
Lớn lên, Leon Leroy được gửi lên Sài Gòn học tú tài tại trường Chasseloup Laubat nay là trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn. Những năm tháng theo học, y có cơ hội tiếp cận những danh tướng trong lịch sử đấu tranh nhân loại và thần tượng Hitler, Napoleon... qua sách vở. Từ đây, ý tưởng trở thành tướng và khát vọng quyền lực hình thành trong đầu cậu ấm Tây lai.
Cuối cùng, để hiện thực hóa khát vọng trên, sau khi học tú tài, Leon Leroy quyết định đầu quân cho quốc mẫu. Tại đây, với những chiến tích nhất định trong nghiệp cầm súng, sau một thời gian, y được gửi đi học trường sĩ quan trù bị Ton của quân đội Pháp ở Sơn Tây. Ra trường, tên Tây lai mang cấp bậc chuẩn úy. Tuy nhiên, việc gieo rắc tội ác kinh khiếp của hắn thực sự bắt đầu khi thực dân Pháp đánh chiếm Sài Gòn và các tỉnh Nam bộ.
Hiện nguyên hình tên sát nhân “khát máu”
Ra trường, Leon Leroy mang trong mình nhiệt huyết, khát vọng thăng tiến, muốn trở thành một vị tướng. Thế nên, mỗi khi được cơ hội thể hiện, hắn không quên dốc toàn lực phụng sự dù nó đi ngược lại nhân tâm, nhân đạo. Nấc thang đầu tiên dẫn hắn đến con đường tội ác diệt chủng là khi Pháp đánh chiếm Sài Gòn và các tỉnh Nam bộ.
Giai đoạn này, để lấy lòng quốc mẫu, cấp trên, Leon cất công tổ chức được một lực lượng lính thân binh đầu đỏ (lính Partisan hay còn gọi là lính tay sai) đáng kể. Được biết, toán lính này phần lớn đều là những thành phần bất hảo, sẵn sàng vì tiền của, danh vọng cướp của giết người, bán nước cầu vinh. Với “thành tích” trên, từ chuẩn úy, hắn được cấp trên tin tưởng cho đeo hàm thiếu úy.
Bước đầu thành công, được thăng chức càng khiến máu hiếu chiến của Leon sôi sục. Cuối năm 1945 đến hết năm 1946, hắn được dịp thử nghiệm đám lính đầu đỏ mà hắn cất công góp nhặt, chiêu mộ. Theo chân quân Pháp, Leon trực tiếp dẫn lính Partisan đánh chiếm Mỹ Tho. Sau đó, dưới sự chỉ huy của đại úy De Champorant, hắn lại được lệnh quay về tái chiếm cù lao An Hóa và trực tiếp chiếm đóng khu vực Bình Đại.
Tại đây, với đội quân lính đầu đỏ khét tiếng hung tàn, tàn sát không ghê tay, tên Tây lai đã dồn ép, khủng bố các cơ sở cách mạng và dân nghèo. Leon và đội quân đầu đỏ nhanh chóng biến thành nỗi khiếp đảm của nhân dân bằng những chính sách tàn bạo thường trực của dân cày. Bằng những hoạt động mang tính càn quét, tìm diệt với khẩu hiệu “thà giết nhầm hơn bỏ sót” chúng vào làng khủng bố, đốt, giết…
Từ giữa đến cuối năm 1946, được hậu thuẫn của Pháp như một thử nghiệm cho chiến thuật dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, Leon càng được dịp bộc lộ sự tàn bạo của mình. Đầu tháng 12/1945, Pháp bắt đầu triển khai kế hoạch tái chiếm An Hóa.
Để tạo thế áp đảo, chúng đánh phủ đầu vào An Hóa bằng máy bay chiến đấu bắn rát, dọc theo sông Ba Lai và sông Cửa Đại nhằm mục đích chia cắt tuyến giao thông đường thủy của ta. Đồng thời, đội binh đầu đỏ được tận dụng tối đa: Tìm diệt các cơ sở cách mạng, móc nối với các tay sai khác đang ẩn mình chờ cơ hội ngóc đầu dậy, phát triển tâm lý chiến bằng cách tung những tin đồn thất thiệt. Đặc biệt, chúng được xúi giục gây rối an ninh trong xóm ấp, tạo tâm lý hoang mang lo sợ trong quần chúng.
Những hậu thuẫn trên cho phép Leon Leroy thực hiện những cuộc tấn công vào những khu vực phòng bị yếu của ta. Theo đó, ngày 15/12/1945, Leon Leroy đích thân chỉ huy một trung đội lính đầu đỏ đổ bộ lên vàm Bà Trang, đột kích chớp nhoáng vào chợ Bình Đại rước mẹ hắn và bắt đi một số người. Song song với những hoạt động nhỏ lẻ của Leon, thực dân Pháp cũng gấp rút tiến hành những chiến dịch lớn chiếm đóng các tỉnh Nam bộ. Đến tháng 2/1946, thực dân Pháp quyết định mở chiến dịch tái chiếm cù lao An Hóa và toàn bộ tỉnh Bến Tre. Leon cũng là một trong những mắt xích quan trọng trong cuộc chiến trên.
Sau khi Pháp chiếm xong Bến Tre và cù lao An Hóa, Leon Leroy tiếp tục được trọng dụng nắm chức Đại lý hành chánh tạm thời tại cù lao An Hóa. Tại đây, hắn tiếp tục “tắm máu” các cơ sở cách mạng của ta khắp khu vực An Hóa bằng những cuộc càn quét, đốt phá, tàn sát tập thể. Tháng 7/1947, Leon Leroy được giữ chức Quận trưởng An Hóa. Từ đây, nhân dân Bến Tre thực sự được chứng kiến sự tàn độc đến cùng cực của tên Tây lai thông qua các cuộc giết chóc, diệt chủng bằng các đội quân mà người dân hãi hùng gọi bằng: Đội quân uống máu dân chúng, Đảng sọ người.
Còn tiếp...
Tham vọng và trả giá Leon Leroy được biết đến như một binh sĩ hiếu chiến và khát khao quyền lực. Ngay từ tuổi thiếu thời, hắn đã bộc lộ quan niệm tôn thờ sức mạnh. Trước bạn bè đồng trang lứa, hắn luôn ca ngợi Tào Tháo, khâm phục Napoléon, tôn thờ Hitler, hay nhắc đến "cá lớn nuốt cá bé" và theo hắn, ở đời nên làm đồ tể, chứ đừng làm con heo... Với đầu óc chứa đầy tham vọng pha chút máu giang hồ vặt, Leroy chọn con đường tiến thân bằng binh nghiệp. Tuy nhiên, con đường binh nghiệp của hắn không đem lại huy hoàng mà bị ghi vào lịch sử với những tội ác không thể nào quên. |