Theo GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam, Việt Nam với nền giáo dục của nhân dân, giáo dục mở là điều tất yếu và chúng ta cũng đã sớm tiếp cận với khái niệm này.
Cụ thể, GS Trần Hồng Quân phân tích, giáo dục mở tại Việt Nam đã tồn tại khá lâu, với một tốc độ phát triển không quá chậm so với các nước trên thế giới. Hệ thống giáo dục mở cũng như tư duy về giáo dục mở hiện vẫn chưa được quan tâm đúng mức trong sự phát triển của nền giáo dục Việt Nam.
Ảnh minh họa. Hải Nam.
Trước áp lực của cuộc cách mạng 4.0, giáo dục mở trở thành luồng gió mới của nhiều quốc gia trên thế giới. Minh chứng cho điều giáo dục mở rõ nhất là các trường giáo dục ngoài công lập. Nhìn chung, giáo dục chúng ta vẫn chưa mở, vẫn khép kín, nhất là hệ thống thi cử. Việc tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả mọi người được học hành, nhất là giáo dục nghề nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế.
“Cuộc cách mạng 4.0, với tài nguyên về công nghệ đã hình thành trung tâm học mở, lớp học mở, tài nguyên học tập mở, giúp cho nhiều người được tiếp cận rộng rãi hơn việc học hành, khắc phục được việc chi trả chi phí quá cao cho nền giáo dục truyền thống. Chúng ta hoàn toàn có thể đẩy mạnh phát triển nền giáo dục mở cho toàn dân” , GS Quân cho biết.
Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam cũng cho rằng, giáo dục mở đòi hỏi sự tự chủ rất cao từ người học. Mục đích là giúp cho người học được tham gia rộng rãi học trong học tập, được lựa chọn hình thức học, thời gian học, nội dung học, thậm chí cả thầy giáo.
Theo TS khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng đồng tình khi cho rằng, với sức mạnh của công nghệ hiện nay chúng ta có cơ hội để đẩy mạnh giáo dục mở, khi mà bất cứ cá nhân nào cũng có thể học tập trực tuyến.
“Cần hiểu hệ thống giáo dục mở là hệ thống giáo dục trong đó các rào cản đối với giáo dục phải được dỡ bỏ cả về thể chế, kinh tế, công nghệ, địa lý đối với người học. Đặc biệt, phải phá bỏ rào cản về lợi ích, tức là sách giáo khoa, giáo trình cũng phải theo hướng mở. Đã là giáo dục mở thì sách giáo khoa, giáo trình phải được đưa lên mạng và được sử dụng miễn phí, như thế sẽ động chạm lợi ích bản quyền”, ông Tiến nhấn mạnh.
Nêu quan điểm tại hội thảo, GS Phạm Tất Dong- Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng giáo dục mở phải là mang cơ hội tiếp cận cho tất cả mọi người, xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời, nhất là mở cơ hội cho người lớn đi học. Không phải học để lấy bằng cấp mà học để có thêm kiến thức, học để sáng tạo.
“Người nông dân sở dĩ sáng tạo, có nhiều sáng chế là do không ngừng mày mò học tập, nghiên cứu. Vì thế, quan trọng nhất trong xây dựng giáo dục mở là thúc đẩy cơ hội học tập cho cộng đồng, gỡ bỏ những rào cản cản trở cơ hội học tập. Đây là một trong những tính ưu việt của nền giáo dục mở” – GS Phạm Tất Dong nói.