Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Toàn quyền Canada David Johnston sẽ thăm cấp Nhà nước Việt Nam từ ngày 16 đến 19-11-2011. Đây là chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên của Toàn quyền Canada kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ Ngoại giao (1973).
Toàn quyền Canada David Lloyd Johnston. Ảnh: Canadian Press
Chuyến thăm Việt Nam lần này của Toàn quyền Canada David Johnston thể hiện sự coi trọng quan hệ với Việt Nam, mong muốn đóng góp cho việc tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam và nhằm trao đổi phương hướng tăng cường quan hệ song phương trên tất cả các lĩnh vực.
Nhân dịp này, hai bên sẽ trao đổi về tình hình mỗi nước và phương hướng tăng cường quan hệ song phương trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là về chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục, lao động và văn hóa.
Quan hệ chính trị hai nước đang trên đà phát triển tốt. Canada và Việt Nam có quan hệ hợp tác tốt trên nhiều diễn đàn chính trị kinh tế quốc tế như Liên hợp quốc, ASEAN, WTO, Cộng đồng Pháp ngữ, ARF, APEC, G20. Tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, hai bên cũng thường xuyên gia tăng trao đổi, tích cực phối hợp. Quan hệ giữa hai Quốc hội trong những năm gần đây cũng không ngừng được tăng cường.
Quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Canada trong thập kỷ qua phát triển theo chiều hướng gia tăng, song còn ở mức khiếm tốn. Từ 121 triệu USD, năm 1998 đã đạt 1,4 tỷ USD năm 2010, trong đó ta luôn xuất siêu sang Canada.
Việt Nam hiện đứng thứ 67 trong tổng số hơn 100 nước quan hệ thương mại với Canada. Kim ngạch thương mại hai chiều trong 9 tháng năm nay đạt hơn 960 triệu USD tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Việt Nam xuất sang Canada chủ yếu là hàng dệt may, giầy dép, hàng nông, thủy sản, ngoài ra còn xuất gỗ, sản phẩm gỗ, túi xách, ví, vali, mũ, ô dù, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, hạt điều, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, xe đạp, đồ gốm sứ và nhập từ Canada máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, sắt thép các loại; phân bón, thức ăn gia súc, nguyên liệu, ô tô, hàng thủy sản, nguyên phụ liệu dẹt may, da, giầy...
Đầu tư của Canada vào Việt Nam ngày càng lớn. Năm 2006, với 37 dự án giá trị vốn đầu tư đăng ký là 228,56 triệu USD, Canada đứng hàng thứ 23 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư ở Việt Nam. Năm 2008, Canada vượt lên hàng thứ 9 đạt 4,74 tỷ USD với 72 dự án, đặc biệt với dự án xây dựng khu nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp trị giá 4,2 tỷ USD tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Tính đến tháng 8-2011, đầu tư Canada vào Việt Nam đã vươn lên đứng hàng thứ 13 với 110 dự án trị giá 4,63 tỷ USD. Một số công ty lớn của Canada như Manulife, VinaCapital và Bombardier... đã có mặt tại Việt Nam và đều mong muốn tham gia đầu tư hơn nữa vào thị trường Việt Nam.
Từ năm 1992 đến nay, hai nước đã ký 32 điều ước quốc tế nhằm tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực kinh tế, phát triển, thương mại và mậu dịch, tránh đánh thuế hai lần, hàng không, cải cách hành chính, giáo dục, hợp tác nuôi con nuôi, hiệp định song phương để Việt Nam gia nhập WTO.
Hiện nay hai bên đã tiến hành 8 vòng đàm pháp Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư nước ngoài giữa Việt Nam và Canada và dự kiến có thể kết thúc vào nửa đầu 2012...
Hồng Điệp