Bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, nhân dân ta đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, non sông thu về một mối.
45 năm đã qua, vượt lên muôn vàn khó khăn, thử thách, toàn Đảng, toàn quân toàn dân ta đã tiếp tục đoàn kết một lòng, tiến hành thành công công cuộc đổi mới, đưa đất nước thoát khỏi tình trạng đói nghèo, lạc hậu…
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump
Những thành tựu kinh tế vượt bậc
Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, chịu hậu quả nặng nề và tàn khốc của nhiều năm chiến tranh, bị bao vây cấm vận… sau 45 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả nước đã đạt được nhiều thành tựu kinh tế - xã hội quan trọng, Việt Nam đã vươn lên, phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và tích cực, chủ động hội nhập quốc tế.
45 năm đã qua, đất nước ta không những đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, phá được thế bao vây cấm vận, vượt qua những tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính tiền tệ khu vực và thế giới những năm 1997-1998 và cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu những năm gần đây, mà vẫn giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.
Từ một quốc gia thiếu lương thực, đến nay Việt Nam đã là một cường quốc xuất khẩu lương thực trên thế giới. Hàng hoá trên thị trường dồi dào, đa dạng và lưu thông tương đối thuận lợi. Kinh tế đối ngoại phát triển mạnh, mở rộng hơn trước về quy mô, hình thức, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội. Mức tăng trưởng GDP bình quân 5,9%/năm, giai đoạn 2016 – 2020 ước đạt 6,8%, là mức cao so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.
Đặc biệt, năm 2019, Việt Nam đạt tốc độ tăng GDP cả năm 7,02%, vượt mục tiêu của Quốc hội đề ra, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu khu vực và thế giới. Năng suất lao động tăng 6,2%; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đạt 46,11%. Mô hình tăng trưởng chuyển dịch tích cực, giảm dần phụ thuộc vào khai khoáng và tăng tín dụng; đóng góp của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngày càng tăng. Chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát tốt, CPI bình quân năm 2019 tăng 2,79%, thấp hơn mục tiêu đề ra (là mức tăng bình quân năm thấp nhất trong 3 năm qua).
Thị trường tài chính, tiền tệ và tỷ giá được điều hành chủ động, linh hoạt và duy trì ổn định phù hợp; dự trữ ngoại hối khoảng 79 tỷ USD (năm 2019, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào 20 tỷ USD). Hệ số tín nhiệm quốc gia được nâng hạng từ BB- lên BB với triển vọng “tích cực”. Tổng thu ngân sách Nhà nước ước tính đạt trên 1.400 nghìn tỷ đồng; tỉ trọng chi đầu tư phát triển tăng, đạt 26,6%; bội chi NSNN khoảng 3,44% GDP; nợ công giảm còn 56,1% GDP (năm 2016 là 64,6% GDP). Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 33,9% GDP; tỉ trọng đầu tư của khu vực ngoài nhà nước tăng lên 46%.
Vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đạt 38 tỷ USD, tăng 7,2%; vốn FDI thực hiện đạt mức kỷ lục 20,4 tỷ USD. Trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm, xuất nhập khẩu vẫn tăng và đạt mức kỷ lục 517 tỷ USD; xuất khẩu tăng 8,1%, trong đó xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng mạnh; xuất siêu năm thứ tư liên tiếp và đạt 9,9 tỷ USD. Cơ cấu lại nền kinh tế thực chất hơn; các ngành, lĩnh vực chủ yếu vẫn phát triển ổn định, tích cực trong bối cảnh khó khăn. Sản xuất công nghiệp tăng mạnh; bảo đảm an ninh năng lượng; phát triển mạnh nguồn điện năng lượng tái tạo. Khu vực nông nghiệp phát triển ổn định. Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả vượt bậc, đến nay có 8 tỉnh, thành phố có 100% xã đạt chuẩn; 54% số xã và 111 huyện đạt chuẩn, hoàn thành mục tiêu trước thời hạn gần hai năm.
Khu vực dịch vụ duy trì đà tăng khá cao; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt gần 5 triệu tỷ đồng, tăng 11,8% so với năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,2%). Khách quốc tế ước đạt trên 18 triệu lượt, tăng 16,2%. Năm thứ hai liên tiếp nhận giải thưởng “Điểm đến hàng đầu châu Á”. Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu đạt kết quả tích cực; tỷ lệ nợ xấu nội bảng còn 1,91%; bảo đảm an toàn hệ thống. Tỉ lệ lao động qua đào tạo cả năm khoảng 61-62%, trong đó tỉ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 24%.
45 năm đã qua kể từ ngày thống nhất đất nước, Việt Nam đã xây dựng và từng bước hoàn thiện được thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Trong đó, quan hệ sản xuất ngày càng phù hợp hơn, tạo điều kiện phát triển lực lượng sản xuất. Các loại hình thị trường từng bước được hình thành và phát triển, gắn kết ngày càng vững chắc và bền chặt với thị trường thế giới thông qua các hiệp định song phương và đa phương như WTO, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA)…
Vị thế Việt Nam đang vươn cao
Sau 45 năm thống nhất đất nước, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Từ năm 2008 mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã đạt trên 1.000 đô la, vượt qua ngưỡng nước nghèo chậm phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1-1,5% (còn khoảng 3,73-4,23%); trong đó các huyện nghèo giảm trên 4%. Thành tích giảm nghèo của Việt Nam tiếp tục là một điểm sáng, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Chỉ số phát triển con người (HDI) thuộc nhóm trung bình cao của thế giới.
Đến năm 2000, cả nước đã đạt chuẩn quốc gia về xoá nạn mù chữ. Sự nghiệp giáo dục có bước phát triển mới về quy mô, đa dạng hoá về loại hình trường lớp; khoa học công nghệ và tiềm lực khoa học - công nghệ có bước phát triển; Chất lượng giáo dục đào tạo và dạy nghề được nâng lên; xếp hạng giáo dục đại học nước ta tăng 12 bậc, từ hạng 80 lên 68.
Chất lượng dịch vụ y tế tiếp tục được nâng lên; đạt 8,6 bác sĩ, 27,5 giường bệnh trên 1 vạn dân; tỉ lệ tham gia BHYT đạt 89,3%, vượt mục tiêu đề ra. Làm tốt công tác y tế dự phòng; chú trọng vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuổi thọ của người dân ngày càng tăng.
Vấn đề tạo điều kiện ưu đãi về tín dụng, đào tạo nghề, phát triển sản xuất, xoá đói giảm nghèo cho đối tượng chính sách được quan tâm. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng, cơ bản gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế; chất lượng cuộc sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện rõ rệt. Những giá trị văn hoá đặc sắc của dân tộc được kế thừa và phát triển, giao lưu hợp tác văn hoá với nước ngoài được mở rộng, các tài năng văn hoá - nghệ thuật được khuyến khích; chính sách phát triển nguồn nhân lực được chú trọng.
Các chính sách người có công, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững được các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo và thực hiện hiệu quả. Cơ cấu lao động tiếp tục chuyển dịch tích cực; riêng năm 2019 tạo thêm 1,62 triệu việc làm; mở rộng bao phủ bảo hiểm xã hội lên 32,5%.
Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc được mở rộng, củng cố và tăng cường; chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, có hiệu quả. Vị thế, uy tín quốc tế của nước ta tiếp tục được nâng cao.
Việt Nam sau 45 năm thống nhất đã và đang đạt được những kết quả, thành tựu to lớn, đó là điều mà không thể phủ nhận được. Quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế của Việt Nam ngày càng sâu rộng, có hiệu quả. Vị thế, uy tín quốc tế của nước ta được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Vai trò, trách nhiệm của Việt Nam trên trường quốc tế được thể hiện ngay trong năm 2020, với vị trí Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc mà Việt Nam tham gia với tư cách là ủy viên không thường trực. Và cũng trong năm 2020 Việt Nam đang giữ vị trí Chủ tịch ASEAN.
Những ngày tháng 4/2020, trong khi cả nước chung tay chống loại giặc mới, vô hình và cực kỳ nguy hiểm đó là đại dịch toàn cầu Covid-19 đang gây bệnh cho hơn 2,9 triệu người, đã cướp đi sinh mạng của hơn 203.000 người (tính đến ngày 26/4/2020), tại Việt Nam, với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn nhân dân Việt Nam đang làm tốt công tác kiểm soát dịch bệnh, được cộng đồng quốc tế và các tổ chức y tế WHO đánh giá cao. Đây chính là thành tựu lớn nhất của Việt Nam vào những ngày tháng 4 lịch sử này.
Sau 45 năm thống nhất đất nước, với những thành tựu đạt được, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam đang tiếp tục tỏa sáng trong thực hiện khát vọng xây dựng một đất nước Việt Nam thịnh vượng, hùng cường, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.