Nhiều đại biểu đã rất băn khoăn về vấn đề này khi thảo luận các Báo cáo công tác của Chính phủ, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC chiều nay 28/10.
Trước đó, buổi sáng, Báo cáo thẩm tra các Báo cáo của Chính phủ, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC,… Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết: "Năm 2016, nước ta diễn ra nhiều sự kiện chính trị trọng đại, kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ; phòng chống tội phạm, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, góp phần quan trọng giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Các báo cáo đã phản ánh khá đầy đủ kết quả đạt được, những hạn chế, vướng mắc trên các mặt công tác và đề ra giải pháp khắc phục. Tuy nhiên một số nội dung trong báo cáo cần phải hoàn thiện thêm".
Thiếu trụ sở làm việc
Mở đầu phiên thảo luận, ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) nêu, tình hình tội phạm năm 2016 giảm hơn so với cùng kỳ năm trước. Điều đó là nhờ nỗ lực từ các cơ quan tố tụng, trong đó nòng cốt là lực lượng Công an. Thực tiễn cho thấy công tác điều tra, truy tố, xét xử ngày càng được nâng cao về chất lượng, nhất là việc chống oan sai và bỏ lọt tội phạm. Hoạt động của các cơ quan tư pháp đã thể hiện sự thận trọng, chính xác trong hoạt động của mình. Năm 2016, các cơ quan tư pháp đã chú trọng đến công tác quản lý, giáo dục đội ngũ cán bộ, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm cán bộ sai phạm, nhất là các vụ việc có oan sai, lãnh đạo các cơ quan tư pháp đã chỉ đạo xử lý nghiêm cán bộ vi phạm nên nhân dân và xã hội đồng tình cao.
Đại biểu Nguyễn Thái Học
Theo ĐB Nguyễn Thái Học: "Có một thực tế là, chúng ta yêu cầu nâng cao chất lượng điều tra, truy tố, xét xử nhưng các điều kiện không được đảm bảo, như trụ sở làm việc Tòa án hiện nay khó khăn, 35 Tòa án cấp huyện phải đi thuê trụ sở làm việc, 23 VKS cấp huyện, 2 VKS cấp cao cũng trong tình trạng như vậy. Chính vì vậy nên khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ. Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ có biện pháp sớm nhất để các cơ quan tư pháp thực hiện nhiệm vụ của mình".
ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cũng đánh giá sự nỗ lực rất lớn của cơ quan tố tụng nói chung, Tòa án nói riêng. Tòa án đã giải quyết rất nhanh chóng những vụ án oan xảy ra hàng chục năm trước đây. Tuy nhiên, khâu giám định tâm thần hiện nay khó khăn, quá tải cũng ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ giải quyết các vụ án.
ĐB Mai Khanh (Ninh Bình) cho rằng: "Từ thực tiễn cho thấy, biên chế Thẩm phán chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến kết quả việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thấp như hiện nay, trong đó cũng có nguyên nhân từ việc chuyển thẩm quyền kháng nghị của Chánh án cấp tỉnh. Trước đây, thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm của Chánh án tỉnh, giải quyết giám đốc thẩm ở TAND cấp tỉnh, nhưng sau khi chuyển về Tòa cấp cao thì biên chế thiếu, đơn giám đốc thẩm nhiều không giải quyết hết được. Việc này gây bức xúc dư luận và làm cho việc giải quyết án bị chậm trễ, cần phải khắc phục".
Nhiều ĐB khác cũng cho rằng, chúng ta chưa đầu tư đúng mức về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực cho cơ quan Tòa án thực hiện nhiệm vụ, nhất là 3 Tòa cấp cao mới thành lập.
Hạn chế oan sai bằng cách nào?
Đối với việc phòng chống oan sai, ĐB Khanh nêu lên một thực tế: "Từ một số vụ án oan sai kéo dài gần đây cho thấy, dù chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong hàng trăm ngàn vụ án đã xét xử mỗi năm nhưng hậu quả rất lớn, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân với các cơ quan tố tụng.
Thực tiễn thấy rằng, trong báo cáo của 3 ngành tố tụng đề cập đến nguyên nhân oan sai chưa sâu, hướng khắc phục chưa rõ. Qua nghiên cứu thấy rằng, việc oan sai hầu như xuất phát từ ý thức chủ quan, lỗi của con người. Từ một số vụ án trên thực tế thấy rằng liên quan chủ yếu đến nhận thức của các cơ quan tố tụng về vấn đề thượng tôn pháp luật trong việc chấp hành nghiêm ngặt trình tự, thủ tục tố tụng. Nhiều vụ án xét xử đi xét xử lại nhiều lần và Tòa án xác định rõ vi phạm tố tụng nhưng quan điểm của một số CQĐT hay Điều tra viên vẫn cho rằng đây là những thiếu sót, những hạn chế tồn tại không ảnh hưởng đến bản chất vụ án".
Đại biểu Mai Khanh
Theo pháp luật về tố tụng hình sự chỉ có thể khẳng định là vi phạm hay không vi phạm thủ tục tố tụng, và những vi phạm đó có ảnh hưởng đến vụ án hay không, chứ không có từ thiếu sót. Chính vì có nhận thức khác nhau như vậy nên có nhưng vụ việc được xem xét rất nhiều lần nhưng đến nay chưa có kết quả.
“Việc này có liên quan đến nhận thức và chấp hành pháp luật nên một trong những biện pháp phòng chống oan sai là phải chỉ ra nguyên nhân như đã đề cập đến ở trên, nhất là trong bối cảnh pháp luật quy định về bảo vệ quyền con người, quyền công dân”-ĐB Mai Khanh nói.
Giải trình thêm về vấn đề này, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, hiện nay một trong những tồn tại lớn là giải quyết đơn giám đốc thẩm, tái thẩm tồn đọng. Con số thống kê cho thấy, có tới 70% đơn còn tồn đọng và mới giải quyết 30%.
"Trước đây, kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm do Tòa án cấp tỉnh làm, nhưng hiện nay việc này giao cho 3 Tòa cấp cao. Từ chỗ 63 đầu mối xuống còn 3 đầu mối nên việc bị dồn lại, trong khi đó những đầu mối này mới được thành lập, nhân sự thiếu nên rất khó khăn", Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói.
"Còn việc thuyên chuyển cán bộ công tác không phải dễ dàng, vì khi bố trí cán bộ từ Tòa cấp tỉnh lên Tòa cấp cao, đáp ứng yêu cầu về trình độ, nhưng không bố trí được chỗ ở nên rất nhiều người muốn lên nhưng đành chịu. Vừa qua Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán Quốc gia đã tổ chức thi tuyển và trong thời gian sớm nhất sẽ bố trí nhân sự", Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết.