Tòa án nhân dân góp phần ngăn chặn, phòng ngừa và đẩy lùi tội phạm tham nhũng

Trần Quang Huy| 13/04/2016 09:09
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong những năm qua, Ban cán sự Đảng, lãnh đạo TANDTC thường xuyên chỉ đạo TAND các cấp quán triệt, thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng...

Cụ thể trên cả hai bình diện: TAND thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng trong tổ chức, hoạt động nội bộ và thực hiện phòng, chống tham nhũng thông qua công tác xét xử tội phạm.

Nỗ lực thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng

Kể từ khi Quốc hội thông qua Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 và Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, công tác phòng, chống tham nhũng đã có những bước chuyển biến rõ rệt. Là cơ quan thực hiện chức năng xét xử, trong những năm qua hệ thống Tòa án có nhiều nỗ lực, cố gắng trong công tác phòng, chống tham nhũng. TAND luôn chủ động, tích cực, đi đầu trong việc thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng và các văn bản có liên quan. Xác định đấu tranh phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, nhưng với quyết tâm cao, Ban cán sự Đảng, lãnh đạo TANDTC thường xuyên chỉ đạo TAND các cấp quán triệt, thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng.

Tòa án nhân dân góp phần ngăn chặn, phòng ngừa và đẩy lùi tội phạm tham nhũng

Ngày 14/3/2016, TANDTC tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng trong các TAND

TANDTC, công tác phòng, chống tham nhũng chủ yếu được giao cho hai đơn vị là Ban Thanh tra và Vụ Tổ chức - Cán bộ. Theo chức năng, nhiệm vụ của mình, Ban Thanh tra thực hiện việc thanh tra, giải quyết các khiếu nại, tố cáo đối với cán bộ, công chức trong hệ thống TAND có dấu hiệu vi phạm về hành chính, tư pháp hoặc phẩm chất đạo đức trong khi thực thi công vụ. Vụ Tổ chức - Cán bộ thực hiện công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong TAND, xem xét, giải quyết các trường hợp có đơn khiếu nại, tố cáo hành chính, tư pháp liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng. Ở các TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, công tác phòng, chống tham nhũng cũng được phân công thực hiện tương tự như ở TANDTC, với sự tham gia của các bộ phận chuyên môn làm công tác thanh tra và công tác tổ chức cán bộ, nhưng với quy mô nhỏ hơn.

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Ban cán sự Đảng TANDTC đã nghiên cứu, xây dựng Đề án về “Thực trạng và giải pháp phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp của Tòa án”. Bên cạnh đó, TANDTC còn ban hành hàng trăm công văn trao đổi nghiệp vụ để kịp thời hỗ trợ các Tòa án tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án tham nhũng, đặc biệt là các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo. Ngoài ra, qua công tác giám đốc việc xét xử, TANDTC cũng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các Tòa án để kịp thời phát hiện và rút kinh nghiệm đối với các bản án xét xử tội phạm tham nhũng có thiếu sót, nhằm đảm bảo việc áp dụng thống nhất pháp luật.

Xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án tham nhũng

Trong quá trình phòng, chống tham nhũng, Tòa án các cấp trong đó coi công tác xét xử tội phạm tham nhũng là trọng tâm của hoạt động phòng, chống tham nhũng. Các Tòa án đã quán triệt, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 15-CT/TW ngày 7/7/2007 của Bộ Chính trị và tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW, Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp; Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; đảm bảo đúng nguyên tắc xử lý tham nhũng quy định tại Điều 4 Luật Phòng, chống tham nhũng. Tòa án đã chủ động phối hợp với cơ quan tiến hành tố tụng để giải quyết các vụ án tham nhũng đảm bảo đúng thời hạn. Đối với những vụ án tham nhũng lớn, đặc biệt nghiêm trọng, các Tòa án đều cử Thẩm phán tham gia phối hợp ngay từ trong quá trình điều tra, truy tố để nắm chắc các tình tiết khách quan của vụ án, đảm bảo cho việc xét xử đúng pháp luật, tránh tình trạng trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung nhiều lần giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.

Trong 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng (từ 2006 đến hết 2015), Tòa án các cấp đã giải quyết theo thủ tục sơ thẩm là 4.323 vụ án về tội tham nhũng với 11.083 bị cáo; xét xử theo thủ tục phúc thẩm 1.027 vụ án/ 1.927 bị cáo. Các bị cáo bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tham nhũng chủ yếu là: tham ô tài sản; nhận hối lộ; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; lạm quyền trong khi thi hành công vụ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để vụ lợi… Các Tòa án đã phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với 63 bị cáo; phạt tù và tổng hợp hình phạt tù từ trên 20 năm đến 30 năm đối với 39 bị cáo; còn lại là các hình phạt khác tùy theo tính chất phạm tội. Ngoài các hình phạt chính, Tòa án còn áp dụng các hình phạt bổ sung, buộc các bị cáo phải bồi thường cho Nhà nước những thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra; tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm với tổng số tiền tương đối lớn.

Những vụ án lớn, trọng điểm mà dư luận xã hội quan tâm được đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh như: Vụ án Nguyễn Văn Tuyên cùng đồng phạm, phạm tội “Tham ô tài sản”. Vụ án Nguyễn Đình Thản phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” ở Công ty cổ phần Vinaconex 10 Đà Nẵng. Vụ án tham nhũng xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam với 10 bị cáo phạm các tội “Tham ô tài sản” và “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm” trọng, trong đó xử tử hình hai bị cáo là Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc. Vụ án tham nhũng xảy ra tại Ban đề án 112 với 23 bị cáo phạm tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Vụ án tham nhũng xảy ra tại PMU18... Quá trình xét xử, đảm bảo đúng thời hạn, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để lọt tội phạm hoặc làm oan người vô tội; áp dụng mức hình phạt nghiêm đối với các bị cáo nhất là kẻ chủ mưu, cầm đầu, bị cáo có vai trò tích cực; khoan hồng với những đối với bị các phạm tội do bị rủ rê, lôi kéo, nên có tác dụng răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.

Thực tiễn cho thấy công tác xét xử các vụ án tham nhũng của Tòa án thời gian qua đã đạt được những kết quả cao; góp phần ổn định tình hình chính trị; ngăn chặn, phòng ngừa và dần đẩy lùi hành vi phạm tội tham nhũng. Công tác xét xử các vụ án tham nhũng đã bảo vệ lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; từng bước đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tòa án nhân dân góp phần ngăn chặn, phòng ngừa và đẩy lùi tội phạm tham nhũng