Tòa án nhân dân - 70 năm vững bước dưới lá cờ vẻ vang của Đảng cộng sản Việt Nam (kỳ 2)

Trương Hòa Bình (Bí thư TW Đảng, Chánh án TANDTC)| 31/07/2015 21:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

(Tiếp theo kỳ trước)

Sau khi miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất nhưng chưa thống nhất về mặt Nhà nước, ngày 15-5-1976 Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hoà miền Nam Việt Nam đã ban hành Sắc luật số 01/SL-76 quy định về Tổ chức TAND và Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân. Tiếp đó, Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hoà miền Nam Việt Nam đã ra Quyết định số 29-QĐ-76 ngày 27-5-1976 thành lập Toà án nhân dân đặc biệt để xét xử các tên tư bản mại bản phạm tội lũng đoạn, đầu cơ tích trữ, phá rối thị trường. Và sau đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ra Quyết định số 181-NQ/QHK 6 ngày 23-01-1978 giao cho Toà án nhân dân đặc biệt xét xử những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng về trật tự xã hội xảy ra tại thành phố Hồ Chí Minh như: Giết người, cướp của, tống tiền, bắt cóc, đốt nhà, tổ chức lưu manh trộm cắp, hiếp dâm. (Toà án nhân dân đặc biệt đã được giải thể theo Nghị quyết số 720- NQ-HĐND 7 ngày 01-4-1986 của Hội đồng Nhà nước).

Ngày 27-12-1975 Quốc hội khoá V kỳ họp thứ hai đã ra Nghị quyết “về việc cải tiến các đơn vị hành chính”, bỏ cấp khu tự trị trong hệ thống các đơn vị hành chính. Do đó, TAND khu tự trị Việt Bắc và TAND khu tự trị Tây Bắc được giải thể.

Sau cuộc tổng tuyển cử tháng 4 năm 1976, nước ta thống nhất về mặt Nhà nước và lấy tên là Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong khi chưa có Hiến pháp mới, Quốc hội quyết định Hiến pháp 1959 được áp dụng cho cả nước và giao cho Hội đồng Chính phủ chịu trách nhiệm hướng dẫn việc thi hành và xây dựng pháp luật thống nhất trong cả nước. Luật Tổ chức Toà án nhân dân năm 1960 đã được áp dụng trong toàn quốc, các Toà án nhân dân ở miền Nam được thành lập nhanh chóng bằng một số lớn cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc trở về, cán bộ miền Bắc được chi viện cùng với cán bộ địa phương đã trực tiếp chiến đấu ở miền Nam.

Khái quát việc tổ chức và hoạt động của Toà án nhân dân trong giai đoạn sau khi thống nhất đất nước, có thể nhận xét như sau:

 - Toà án nhân dân ở Việt Nam đã được tổ chức thành một hệ thống từ Trung ương đến huyện, thị xã phù hợp với điều kiện và đặc thù của chế độ chính trị, kinh tế, xã hội của nước ta trong giai đoạn này.

- Các Toà án Binh trước chịu sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng thì nay được gọi là Toà án Quân sự; các Toà án Quân sự cũng như các Toà án nhân dân địa phương đều dưới sự hướng dẫn thống nhất và giám đốc công tác xét xử của Toà án nhân dân tối cao về áp dụng pháp luật, đường lối xét xử. 

- Trong tổ chức và hoạt động của Toà án nhân dân, bảo đảm tối đa sự tham gia của nhân dân; cụ thể được thể hiện chế độ bầu cử các chức vụ Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán các Toà án nhân dân các cấp; thực hiện nguyên tắc xét xử của Toà án nhân dân có Hội thẩm nhân dân tham gia và chiếm đa số trong thành phần Hội đồng xét xử.

- Tổ chức Toà án nhân dân theo nguyên tắc kết hợp thẩm quyền xét xử với đơn vị hành chính lãnh thổ.

- Toà án nhân dân thực hiện chế độ hai cấp xét xử. Điều đó có nghĩa là Nhà nước ta chú trọng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

Căn cứ quy định của Hiến pháp năm 1980, về tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân được cụ thể hoá bằng Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 1981 được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 3-7-1981 và được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 22-12-1988.

Theo Điều 2 của Luật này thì “các Tòa án nhân dân gồm có: Tòa án nhân dân tối cao; các Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cấp tương đương; các Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; các Tòa án quân sự” và Khu tự trị giải thể, các Tòa án ở địa bàn này cũng chấm dứt hoạt động. Năm 1981 Bộ Tư pháp được tái lập lại, Bộ trưởng Bộ Tư pháp được giao quản lý các Tòa án địa phương về mặt tổ chức; Tòa án nhân dân tối cao lãnh đạo các Tòa án nhân dân địa phương về nghiệp vụ, khoa học chuyên môn, việc áp dụng thống nhất pháp luật trong hoạt động xét xử.

Nhiệm kỳ của Chánh án, Phó Chánh án và Thẩm phán Tòa án nhân dân các cấp theo nhiệm kỳ của cơ quan bầu ra mình (Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 1960 là quy định thời hạn nhất định). 

Năm 1992, Hiến pháp được sửa đổi, nhằm giải quyết yêu cầu của thực tiễn, Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 1993 quy định thẩm quyền của Tòa án nhân dân được mở rộng. Tòa án nhân dân đảm nhiệm thêm chức năng giải quyết các tranh chấp kinh tế của hệ thống Trọng tài kinh tế Nhà nước (các cơ quan Trọng tài Kinh tế chấm dứt hoạt động vào tháng 6/1994), giải quyết các tranh chấp trong quan hệ hành chính và lao động. Trong các Tòa án nhân dân được thành lập thêm Tòa chuyên trách là: Tòa Kinh tế, Tòa Lao động và Tòa Hành chính… có nhiệm vụ chuyên trách giải quyết, xét xử các tranh chấp về kinh tế, lao động và hành chính nảy sinh trong xã hội.

Nhằm cụ thể hóa các chủ trương, định hướng của Đảng về xây dựng và hoàn thiện bộ máy Nhà nước, và yêu cầu cụ thể đối với tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân, đặc biệt là Văn kiện Nghị quyết đại hội đại biểu lần thứ IX của Đảng và Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị “Về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới”… Tháng 4/2002 tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa X đã thông qua Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002, thay thế Luật Tổ chức TAND năm 1992, được sửa đổi bổ sung năm 1993 và năm 1995. Theo Luật này, Tòa án nhân dân tối cao quản lý các Tòa án nhân dân địa phương và các Toà án quân sự về mặt tổ chức, có sự phối hợp chặt chẽ với Hội đồng nhân dân địa phương và Bộ Quốc phòng (Bộ Tư pháp quản lý Tòa án về tổ chức từ 1981 đến 2002). Đây là một bước cải cách Tư pháp quan trọng đối với hệ thống Tòa án nhân dân.

Kế thừa, phát triển tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW năm 2002 của Bộ Chính trị về công tác Tư pháp, ngày 02/06/2005 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW “Về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”, đã nêu rõ: Tòa án là trung tâm, xét xử là trọng tâm, tranh tụng là khâu đột phá trong công cuộc cải cách tư pháp; Thể hiện sự quyết tâm chính trị cao của Đảng về Chiến lược cải cách tư pháp sâu rộng, cơ bản, thường xuyên và lâu dài nền tư pháp nước nhà.

Cụ thể hóa các Nghị quyết nêu trên của Đảng, Hiến pháp năm 2013, lần đầu tiên trong lịch sử lập Hiến, đã quy định rõ tại Điều 102: “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước CHXHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”.

Cùng với nguyên tắc độc lập xét xử; nguyên tắc suy đoán vô tội; chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được đảm bảo; Hiến pháp năm 2013 còn quy định cụ thể nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm (khoản 5 Điều 103); Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo về chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Tháng 11/2014, để phù hợp với nội dung Hiến pháp, Quốc hội đã thông qua Luật Tổ chức Tòa án nhân dân mới. Theo đó, hệ thống tổ chức của Tòa án nhân dân được tổ chức thành 4 cấp: Tòa án nhân dân tối cao; Toà án nhân dân cấp cao; Tòa án tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Tòa án huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Cùng với đó là nhiều thay đổi về chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc hoạt động, chế độ bổ nhiệm và thi tuyển Thẩm phán cùng các quy định khác liên quan đến tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân trong giai đoạn mới.

Đặc biệt, theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có nhiều thay đổi: Từ số lượng 120 Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao theo Luật cũ, nay theo quy định của Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 rút xuống chỉ còn 13 đến 17 người. Quy trình bổ nhiệm cũng có thay đổi cơ bản: Sau khi Hội đồng tuyển chọn và giám sát Thẩm phán quốc gia tuyển chọn và lên danh sách, trải qua quy trình lấy phiếu tín nhiệm ở nhiều cấp, sau đó trình Quốc hội phê chuẩn. Căn cứ vào Nghị quyết phê chuẩn của Quốc hội, Hội đồng Tuyển chọn Thẩm phán mới trình Chủ tịch nước ký quyết định bổ nhiệm.

Ngày 26/06/2015 vừa qua, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam đã chính thức thông qua Nghị quyết đề nghị phê chuẩn của Chánh án TANDTC về việc bổ nhiệm 15 Thẩm phán TANDTC. Như vậy, trong lịch sử lập Hiến, lập nước và trong suốt lịch sử 70 năm xây dựng và phát triển của Tòa án nhân dân, lần đầu tiên trong Hiến pháp nước nhà đã quy định rõ: “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”, thực hiện quyền lực quan trọng trong bộ máy Nhà nước. Đồng thời, đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử nền tư pháp đất nước, một chức danh tố tụng cao cấp là Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao được Quốc hội toàn thể xem xét, cân nhắc và phê chuẩn.

Các vị Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, lần đầu tiên được Quốc hội phê chuẩn có vị trí, vai trò quan trọng và vị thế hết sức thiêng liêng trước sứ mệnh cầm cân nảy mực, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ công lý, bảo vệ sự công bằng của xã hội. Đúng như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã phát biểu tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII ngày 26/06/2015, trước giờ Quốc hội ấn nút phê chuẩn các vị Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao: “Đây là một cuộc bỏ phiếu, nhưng còn là cuộc phê chuẩn tín nhiệm, đồng thời là một đòi hỏi của Quốc hội và Nhân dân ta đối với các vị Thẩm phán”.

Ngày 29/5/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 53/2015/NĐ-CP quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức theo quy định tại khoản 3 Điều 187 Bộ Luật Lao động. Theo đó, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao được kéo dài thời gian làm việc đến 65 tuổi (đối với nam), 60 tuổi (đối với nữ). Việc kéo dài tuổi làm việc sẽ giúp cho Thẩm phán có thời gian bồi bổ thêm kiến thức, ngày càng tích lũy nhiều kinh nghiệm, tăng cường chuyên môn nghiệp vụ và nâng cao tính độc lập của họ, tạo điều kiện nâng cao chất lượng giám đốc việc xét xử, phát triển án lệ và hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong hệ thống Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự các cấp.

Đây là một sự kiện quan trọng, một bước ngoặt trong lịch sử nền tư pháp quốc gia, một bước đổi mới căn bản của hệ thống Tòa án nhân dân trong sự nghiệp củng cố pháp chế và xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, sự đổi mới này là thành tựu to lớn, mang tính lịch sử của Chiến lược cải cách tư pháp suốt mấy chục năm qua theo định hướng của Đảng – Một chiến lược lâu dài, thường xuyên, đòi hỏi phải luôn luôn đổi mới tư duy chính trị và xây dựng pháp luật, nâng cao trình độ nghiên cứu, tổng kết thực tiễn và lý luận khoa học pháp lý, nhằm xây dựng một nền tư pháp minh bạch, chuẩn mực, ngày càng thực hiện có hiệu quả và đạt được mục tiêu cao đẹp của chế độ ta là: Bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giầu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đáp ứng xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay.

Được Quốc Hội phê chuẩn, Chủ tịch nước bổ nhiệm, Chính phủ cho phép kéo dài thời gian làm việc… Các vị Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hết sức vinh dự, tự hào với sứ mệnh tối cao, thiêng liêng trong việc Bảo vệ công lý, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ sự ổn định, bình yên của xã hội mà Đảng, Nhà nước, Nhân dân tin tưởng giao phó. Đồng thời, cũng đòi hỏi các vị Thẩm phán tối cao phải thường xuyên rèn luyện phầm chất đạo đức cách mạng, tất cả vì Công bằng, lẽ phải, ra sức nâng cao trình độ chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tận tụy phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao…

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tòa án nhân dân - 70 năm vững bước dưới lá cờ vẻ vang của Đảng cộng sản Việt Nam (kỳ 2)