Xây dựng TAND trong sạch và liêm chính” - đó là mục tiêu cũng là cam kết mạnh mẽ mà Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình tuyên thệ trước Quốc hội.
Hơn nửa nhiệm kỳ đã đi qua, bằng nhiệt huyết và quyết tâm, biến tư duy thành hành động, Chánh án đã cùng Ban cán sự Đảng TANDTC hiện thực hoá hai chữ liêm chính ngày càng thấm nhuần, lan toả trong hoạt động TAND các cấp, tạo nên những chuyển biến tích cực và sâu sắc trên các mặt công tác, đóng góp xứng đáng vào công cuộc đổi mới và phát triển của đất nước.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV
Xây dựng Toà án liêm chính
Chữ Liêm theo từ điển được hiểu là ngay thẳng, trong sạch, không tham của cải. Chính là đúng đắn, thích đáng, đúng phép tắc. Liêm chính là ngay thẳng và trong sạch. Trong tác phẩm Đời sống mới (3/1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh phải thực hành “Cần, kiệm, liêm, chính”. Bác cho biết nội hàm chữ Liêm trong “tứ đức” “là trong sạch, không tham lam”. Người cũng chỉ rõ sự khác biệt giữa "liêm" của "ngày xưa" với "liêm" của ngày nay. Nếu như ngày xưa "liêm" chỉ để nói đến "những người làm quan không đục khoét dân", "trong sạch, không tham lam" thì ngày nay "liêm" có nghĩa rộng hơn và "mọi người đều phải liêm". Và "Chữ liêm phải đi đôi với chữ kiệm", bởi "có kiệm mới liêm được. Vì xa xỉ mà sinh ra tham lam. Tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên đều là bất liêm".
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng cho rằng không phải cứ thực hiện các nội dung "liêm" như thế là đã có "liêm". Thực hiện "liêm" như vậy mới chỉ là "liêm một nửa". Để "liêm" thật sự hoàn chỉnh thì không phải chỉ mình thực hiện "liêm", mà còn phải giúp người khác cũng thực hiện được "liêm".
Liêm chính là một giá trị cơ bản mà bất cứ một nền công vụ nào thực sự vì dân cũng cần hướng tới. Một nền công vụ liêm chính sẽ mang đến những hiệu quả tích cực cho hoạt động công vụ, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Liêm chính góp phần phòng ngừa tham nhũng, xung đột lợi ích. Riêng đối với ngành Toà án, Hiến pháp 2013 quy định: “TAND là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”. Trong quá trình thực thi trọng trách đó, Thẩm phán được coi là nhân vật trung tâm trong hệ thống Tòa án, đảm nhận nhiệm vụ xét xử các vụ án, giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền để thực hiện nhiệm vụ hiến định.
Nhận thức sâu sắc giá trị cốt lõi của liêm chính với ngành Toà án, phát biểu nhậm chức ngày 27/07/2016, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đã cam kết: “Là người đứng đầu cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tôi sẽ cùng tập thể lãnh đạo TANDTC phát huy truyền thống, đoàn kết một lòng, đề cao kỷ luật, xây dựng TAND trong sạch và liêm chính; thực hiện tốt nhiệm vụ Hiến pháp quy định: bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; chăm lo xây dựng đội ngũ Thẩm phán giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh để nhân danh nhà nước đưa ra các phán quyết thượng tôn pháp luật, nghiêm minh và công bằng”.
Nói đi đôi với làm
Mang theo lòng nhiệt huyết và sự quyết tâm, biến lời nói thành hành động trong suốt những năm tháng sau này, Chánh án Nguyễn Hoà Bình - Người đứng đầu hệ thống cơ quan xét xử cùng Ban cán sự Đảng TANDTC đã kế thừa và phát huy những thành tích, kinh nghiệm công tác qua các thời kỳ. Đồng thời, ông cũng có những chủ trương đột phá, chỉ đạo, dẫn dắt hệ thống TAND các cấp vượt nhiều khó khăn, không ngừng phấn đấu, nỗ lực đổi mới, tạo nên những chuyển biến tích cực và sâu sắc trên tất cả các mặt công tác, đóng góp xứng đáng vào công cuộc đổi mới và phát triển của đất nước, tạo đà và động lực mới cho sự phát triển mạnh mẽ của các Tòa án trong tương lai.
Với mục tiêu xây dựng TAND trong sạch và liêm chính. Thẩm phán phải thực hiện nhiệm vụ một cách vô tư, khách quan, thượng tôn pháp luật, trở thành biểu tượng của đạo đức thanh liêm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của Ðảng, Nhà nước và nhân dân, ngày 4/7/2018, Chánh án Nguyễn Hoà Bình- Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia đã ký Quyết định số 87/QĐ-HĐTC, ban hành Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán bao gồm 7 nội dung quan trọng, trong đó như Chánh án Nguyễn Hoà Bình nhấn mạnh: “Liêm chính là một trong những phẩm chất hàng đầu được đề cập trong Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật, ban hành bộ quy tắc ứng xử nhằm hướng đến xây dựng đội ngũ Thẩm phán chuyên nghiệp, liêm chính có kiến thức pháp luật, có kỹ năng để hoàn thành nhiệm vụ thì đấy là mục tiêu của bộ quy tắc”.
Không chỉ ban hành quy tắc quán triệt trong tư tưởng, tạo sự thống nhất trong hành động của toàn hệ thống. Phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu, bản thân Chánh án Nguyễn Hoà Bình ở mọi nơi, trong mọi lúc cũng không ngừng thể hiện sự chính trực, đề cao liêm chính trong thực thi công vụ. Chắc hẳn nhiều người chưa quên hình ảnh của ông trên cương vị Chánh án TANDTC- lần đầu tiên tham gia phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV đã trả lời một cách khẳng khái trước Quốc hội và cử tri cả nước về vụ án Châu Thị Thu Nga rằng, không hề có gì “giấu giếm” hay “mờ ám” trong vụ án cũng như phiên toà xét xử.
Hay tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, giải đáp những băn khoăn của đại biểu về “sai lầm trong xét xử rất khó sửa chữa một cách tuyệt đối”, Chánh án nêu rõ: Quan điểm của chúng tôi là “sai thì phải sửa"; đồng thời Chánh án khẳng định lại: "Kể cả bản án đã thi hành án xác định là sai, thì vẫn phải sửa, để bảo đảm quyền lợi của người dân".
Gần đây nhất, tại Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 15/8, khi đại biểu đề nghị bày tỏ quan điểm của Chánh án TANDTC trước việc Tòa đã căn cứ vào một biên bản giám định "chui" để tuyên án trong vụ án buôn lậu gỗ của Công ty TNHH Ngọc Hưng, Chánh án đã không ngần ngại thông tin chính xác lại vụ án, đưa ra những bằng chứng, luận cứ xác đáng và khẳng định rõ ràng là biên bản giám định trong vụ án này không phải giám định "chui". Đồng thời, bày tỏ rõ quan điểm của người đứng đầu ngành Tòa án - cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp có nhiệm vụ bảo vệ công lý, luôn hướng tới xây dựng hệ thống TAND liêm chính, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình còn mạnh mẽ đưa ra cam kết, trong trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát vụ án, TANDTC đồng ý và sẵn sàng phối hợp trong vụ án này.
Lan tỏa, thấm nhuần trong toàn hệ thống
Vẫn là hình ảnh vị Trưởng ngành năm xưa, hơn nửa nhiệm kỳ đã đi qua mà như lần đầu nhậm chức, Chánh án Nguyễn Hoà Bình vẫn thể hiện từ khẩu khí đến hành động của một Thẩm phán thanh liêm chính trực. Nói điều này bởi lẽ, nếu ai đã từng ngồi tại nghị trường, hay theo dõi chất vấn qua phương tiện truyền thông mới thấy, khi ngồi trên “ghế nóng”, việc trả lời chất vấn của người đứng đầu cơ quan xét xử nếu không là “rút ruột”, không phải là người “nằm lòng” công việc, không chính trực từ sâu thẳm bên trong, sẽ không thể minh bạch và khẳng khái được như vậy.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình chủ trì phiên họp tháng 8/2019 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC
Không chỉ từ câu nói công khai trên nghị trường, mà tư tưởng sâu sắc của Chánh án còn được truyền tải, thấm nhuần vào cán bộ cấp dưới và lan tỏa ra toàn hệ thống. Hoạt động xét xử của các Tòa án, nhiệm vụ trọng tâm của hoạt động tư pháp, tiếp tục được bảo đảm và nâng cao chất lượng qua việc thực hiện đồng bộ 14 giải pháp mang tính chiến lược. Tinh thần “Trách nhiệm, kỷ cương, chất lượng, vì công lý” tiếp tục được đẩy mạnh, đã lan tỏa sâu rộng và thực chất, trở thành thông điệp hành động của đội ngũ cán bộ, Thẩm phán các TAND. Cùng với việc đẩy mạnh tổ chức phiên tòa xét xử theo đúng tinh thần cải cách tư pháp, công khai các bản án và các quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án trên cổng thông tin điện tử... Nhờ đó, tiến độ giải quyết các vụ của các Tòa án liên tục được đẩy mạnh, chất lượng xét không ngừng được nâng lên. Trong 3 năm từ 2016 - 2018, các Tòa án thụ lý 1.438.845 vụ việc, tăng 205.622 vụ, tương đương 16,6% so với giai đoạn trước đó (từ 2012 - 2015); đã giải quyết được 1.379.709 vụ, tăng 212.167 vụ, tương đương 18,2% so với giai đoạn 2012-2015, đạt tỷ lệ 95,9%. Tỷ lệ án bị huỷ, sửa do lỗi chủ quan tiếp tục được hạn chế (1,16% trong giai đoạn 2016 - 2018, giảm 0,39% so với giai đoạn 2012 - 2015), đáp ứng yêu cầu của Quốc hội đề ra tại các Nghị quyết về công tác tư pháp.
Đặc biệt, tính riêng 10 tháng đầu năm 2019, (từ tháng 10/2018 đến hết tháng 7/2019), các Tòa án đã giải quyết được 410.572/539.559 vụ việc đã thụ lý (đạt tỷ lệ 76,1%), tăng 56.427 vụ (16%). Tỷ lệ các bản án, quyết định bị huỷ, sửa do lỗi chủ quan của Tòa án là 1,1%, đáp ứng yêu cầu của Quốc hội đề ra. Việc xét xử các vụ án hình sự đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra oan sai và bỏ lọt tội phạm. Các Tòa án cũng đã đưa ra xét xử nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng được dư luận xã hội quan tâm. Cụ thể, đã xét xử sơ thẩm 240/409 vụ thụ lý với 517 bị cáo, tăng 83 vụ với 119 bị cáo so với cùng kỳ năm trước. Trong đó đáng chú ý vụ án Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam và các đồng phạm bị truy tố, xét xử về tội “Đưa hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ”, “Tổ chức đánh bạc”... xảy ra tại Phú Thọ và một số địa phương; vụ án Phan Văn Anh Vũ phạm tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ” xảy ra tại Đà Nẵng và một số địa phương… Các Toà án đã áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản lớn của Nhà nước; áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, các hình phạt bổ sung nhằm đảm bảo thu hồi tài sản Nhà nước đã bị chiếm đoạt hoặc gây thiệt hại...
Với những gì Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình nói và làm; cán bộ, Thẩm phán ngành Toà án đã thực hiện thời gian qua nhằm đảm bảo tốt hơn các hoạt động của Tòa án và sự độc lập, liêm chính của Thẩm phán trong quá trình thực thi nhiệm vụ, đã và đang từng bước khẳng định vị thế của Tòa án ngày càng được nâng cao, xứng đáng là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.