Với xu hướng hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ, các quan hệ hôn nhân gia đình có yếu tố nước ngoài cũng trở nên phổ biến, trong đó số lượng không nhỏ quan hệ bị đổ vỡ làm hàng loạt vấn đề pháp lý phát sinh.
Do đó, giải quyết các loại vụ việc về bắt cóc trẻ em và quyền nuôi dưỡng, thăm nom con cái mà cơ quan có thẩm quyền Việt Nam phải giải quyết sẽ ngày càng nhiều.
Trẻ em và vấn đề pháp lý phát sinh từ hôn nhân có yếu tố nước ngoài
Với việc giao lưu quốc tế ngày càng trở nên dễ dàng, số vụ việc cha, mẹ hoặc người thân đưa trẻ em đi hoặc giữ trẻ em lại trái với quyết định của cơ quan có thẩm quyền, trái quy định pháp luật ngày càng tăng cao. Hậu quả của hành vi đưa trẻ em đi hoặc giữ trẻ em lại trái phép đã ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển của trẻ. Hành vi này thường là trái với các quyết định của các cơ quan có thẩm quyền, trái quy định pháp luật, xâm phạm tới quyền nuôi dưỡng, thăm nom hợp pháp của cha, mẹ trẻ em. Trên thực tế, nhiều nước coi hành vi mà cha, mẹ hoặc người thân mang trẻ em đi khỏi lãnh thổ nơi trẻ em đang cư trú là bắt cóc trẻ em, nhưng không xử lý bằng biện pháp hình sự, mà trước hết tìm cách giải quyết hậu quả của hành vi này theo cơ chế dân sự.
Đối với Việt Nam, nước ta đang ngày càng hội nhập sâu rộng, toàn diện với khu vực và thế giới; các quan hệ giao lưu dân sự, thương mại cũng gia tăng, trong đó có các vụ việc liên quan đến hôn nhân gia đình có yếu tố nước ngoài. Theo số liệu của Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) tổng hợp từ các địa phương trên cả nước thì từ đầu năm 2008 đến hết tháng 6/2014 cả nước có 115.675 công dân Việt Nam (nữ chiếm 92,01%) kết hôn với công dân của trên 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bên cạnh đó, theo số liệu Bộ Tư pháp thì chỉ tính riêng trong 2 năm 2012- 2013 số trường hợp đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài là 25.767 trường hợp; năm 2014 là 13.554 trường hợp; năm 2015 là trên một vạn trường hợp.
Hội thảo hài hòa hóa tư pháp trong ASEAN về giải quyết các loại vụ việc bắt cóc trẻ em và quyền nuôi dưỡng, thăm nom con cái
Thời gian qua, Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) và TANDTC đã phối hợp xử lý vụ việc đối với công dân Việt Nam là Vũ Thị Hà bị tạm giữ tại sân bay JFK Nevv York với cáo buộc “bắt cóc con đẻ” theo phán quyết của Tòa án Pháp trên cơ sở yêu cầu của cha đẻ. Mới đây, Bộ Tư pháp đã tiếp nhận xử lý 2 yêu cầu của Đại Sứ quán Mỹ về nội dung có liên quan đến thực hiện quyền nuôi dưỡng, thăm nom trẻ em; vụ việc này đang được TAND TP. Hà Nội giải quyết. Vấn đề tương tự cũng có thể xảy ra ngay cả đối với quan hệ hôn nhân giữa 2 công dân Việt Nam cư trú tại nước ngoài khi cha hoặc mẹ bắt cóc trẻ về Việt Nam. Với sự hội nhập mạnh mẽ trong quan hệ hôn nhân gia đình như nêu trên thì loại vụ việc về bắt cóc trẻ em và vấn đề pháp lý liên quan đến quyền nuôi dưỡng, thăm nom con cái mà cơ quan có thẩm quyền Việt Nam phải giải quyết sẽ ngày càng nhiều.
Cần có cơ chế liên ngành
Để giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền trẻ em, đặc biệt là giải quyết hậu quả của hành vi bắt cóc trẻ em, Việt Nam thường tiếp cận ở khía cạnh hình sự. Chính vì vậy, Việt Nam đã gia nhập một số công ước liên quan về quyền trẻ em ở khía cạnh hình sự, cụ thể như: Công ước La Hay năm 1980 về tống đạt giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại; Nghị định thư về buôn bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em; Công ước về phòng chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; Nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị hành vi buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em...
Công ước La Hay về các khía cạnh dân sự của hành vi đưa trẻ em đi trái phép là văn bản pháp lý quốc tế quan trọng quy định các biện pháp hợp tác một cách có hệ thống giữa các quốc gia thành viên Công ước và thủ tục trao trả trẻ về nơi thường trú một cách nhanh nhất. Hiện nay, Công ước La Hay có 93 quốc gia thành viên từ các châu lục trên thế giới với các truyền thống pháp luật khác nhau. Mục tiêu của Công ước nhằm bảo vệ trẻ em khỏi những ảnh hưởng xấu từ hành vi bắt cóc và giữ trẻ trái phép. Công ước La Hay 1980 cũng đảm bảo rằng các quyền nuôi dưỡng và quyền thăm nom theo pháp luật của một quốc gia ký kết được tôn trọng và được bảo vệ tại các quốc gia ký kết khác. Đặc biệt, nhiều nước đã thành lập các tòa chuyên trách giải quyết các vụ việc về bắt cóc trẻ em và chỉ định Thẩm phán tham gia vào mạng lưới Thẩm phán quốc tế thực thi Công ước này.
Riêng đối với Việt Nam, việc giải quyết hậu quả pháp lý của hành vi bắt cóc trẻ em theo khía cạnh dân sự lại là vấn đề hoàn toàn mới và khá phức tạp. Trên thực tế, việc thực hiện quyền nuôi con trong các bản án hôn nhân gia đình của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài được giải quyết tại Việt Nam thường căn cứ vào các Hiệp định tương trợ tư pháp trong đó có nội dung về công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài. Hiện nay, đã xuất hiện yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài đề nghị Việt Nam hỗ trợ giải quyết một số trường hợp bắt cóc trẻ em, quyền nuôi dưỡng, thăm nom hợp pháp của cha, mẹ trẻ em nhưng do chưa có cơ sở pháp lý quốc tế và pháp luật trong nước nên việc giải quyết còn đang nhiều khó khăn. Để thực hiện yêu cầu trên, trong thời gian tới đòi hỏi một cơ chế liên ngành với sự tham gia của nhiều cơ quan như: Bộ Tư pháp, TAND, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an... Đặc biệt trong đó phải kể đến vai trò của Tòa án, vì Tòa án là cơ quan xem xét, ra quyết định về việc trả lại trẻ em hoặc ra quyết định về việc thực hiện quyền nuôi dưỡng, thăm nom trẻ em của các bên liên quan để trên cơ sở đó các cơ quan có thẩm quyền khác thực hiện.