Tòa án đã xuất sắc trong việc thực hiện công tác xét xử và cải cách tư pháp

Mai Thoa| 25/02/2016 16:42
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đó là đánh giá chung của nhiều đại biểu tại phiên họp sáng nay 25/2, UBTVQH cho ý kiến về dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chánh án TANDTC. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì buổi họp.

Xét xử đúng người, đúng tội đúng pháp luật

Theo báo cáo của Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình, tính từ ngày 01/10/2010 đến ngày 30/9/2015, các TAND và TAQS đã giải quyết được 1.781.410 vụ án các loại trong tổng số 1.809.080 vụ án đã thụ lý, đạt 98,5%; So với nhiệm kỳ trước, số vụ án phải giải quyết tăng 763.459 vụ và các Tòa án đã giải quyết tăng 760.170 vụ. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy do lỗi chủ quan của Thẩm phán là 0,8% (giảm 0,4% so với nhiệm kỳ trước), bị sửa do lỗi chủ quan là 0,95% (giảm 0,85% so với nhiệm kỳ trước).

Công tác xét xử các vụ án hình sự, Tòa án các cấp luôn quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. Hầu hết các vụ án đều được đưa ra xét xử kịp thời, trong thời hạn luật định; tập trung làm tốt tranh tụng tại phiên tòa, lấy kết quả tranh tụng để làm cơ sở xem xét xác định tội danh và quyết định hình phạt theo đúng quy định của pháp luật,... Do đó, việc xét xử các vụ án hình sự cơ bản đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Đặc biệt, đã hạn chế đến mức thấp các trường hợp kết án oan người không có tội (từ năm 2011 đến 2015 có 03 trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm và tuyên bố bị cáo không phạm tội, so với nhiệm kỳ trước giảm 02 trường hợp).

Trong nhiệm kỳ qua, công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm và chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Với trách nhiệm của mình, Toà án các cấp đã tăng cường và xét xử nghiêm minh đối với loại tội phạm này. Trong 05 năm, các Toà án đã xét xử 1.233 vụ án với 2.813 bị cáo phạm các tội về tham nhũng, nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng về kinh tế, tham nhũng đã được các Tòa án khẩn trương nghiên cứu hồ sơ để đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh.

Hằng năm, các Tòa án đều triển khai thực hiện nghiêm túc các đợt cao điểm về đấu tranh phòng chống tội phạm theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đối với những vụ án lớn, trọng điểm, các Toà án đều khẩn trương nghiên cứu, hoàn tất hồ sơ và đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của các địa phương, cũng như cả nước, như các vụ án về xâm phạm an ninh quốc gia (vụ án Cù Huy Hà Vũ với tội danh “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; vụ án Phạm Minh Hoàng với tội danh “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”;..

Làm tốt công tác cải cách tư pháp

Trong nhiệm kỳ qua, các Tòa án thụ lý 27 yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm của Tòa án; đã giải quyết được 17 trường hợp thông qua thương lượng với tổng số tiền phải bồi thường là gần 11 tỷ đồng; đình chỉ giải quyết 08 trường hợp; còn lại 02 trường hợp đang trong quá trình thương lượng, giải quyết. Việc thương lượng về mức bồi thường, tổ chức xin lỗi công khai người được bồi thường được thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định; sau khi có quyết định bồi thường, các Tòa án đã khẩn trương hoàn tất thủ tục để chi trả tiền bồi thường cho đương sự.

Đối với công tác xây dựng pháp luật, TANDTC đã chủ trì xây dựng và trình Quốc hội thông qua 05 Luật. Trong đó có Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), Luật này đã thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp; cụ thể hóa các quy định mới của Hiến pháp về tổ chức và hoạt động của TAND nhằm xây dựng nền tư pháp trong sạch vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc. Luật Tổ chức TAND năm 2014 là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc đổi mới tổ chức và hoạt động của TAND theo tinh thần cải cách tư pháp. Đối với các Bộ luật, luật về tố tụng tư pháp do TANDTC chủ trì cũng như tham gia xây dựng đã cụ thể hóa tinh thần đổi mới theo quy định của Hiến pháp 2013 về Tòa án thực hiện quyền tư pháp. TANDTC đã trình và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 03 Pháp lệnh, đồng thời tích tham gia xây dựng Bộ luật hình sự, Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng hình sự và các luật, pháp lệnh do các cơ quan hữu quan chủ trì soạn thảo.

Nhìn chung, việc xây dựng các dự án luật, pháp lệnh của TANDTC được thực hiện theo đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng. Các quan điểm, chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp đã được quán triệt và thể chế hóa trong các dự án luật, pháp lệnh, đảm bảo các quy định của pháp luật phù hợp với các điều kiện thực tiễn, có tính khả thi và đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ cải cách tư pháp.

Giải oan cho người dân

Đánh giá về công tác nhiệm kỳ này, Ủy ban Tư pháp cho rằng: Trong nhiệm kỳ qua, TAND các cấp đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp, các Nghị quyết của Quốc hội về công tác tư pháp, thi hành Hiến pháp năm 2013, Luật tổ chức TAND năm 2014 góp phần quan trọng vào việc thể chế hóa chủ trương cải cách tư pháp của Đảng, hoàn thiện tổ chức bộ máy của TAND các cấp. TANDTC đã đề ra nhiều giải pháp khắc phục các hạn chế thiếu sót trong công tác nhất là công tác xét xử các vụ án, nghiêm túc tiếp thu các kết luận giám sát của Quốc hội, UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội… nên nhìn chung TAND các cấp đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, có đóng góp quan trọng vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; giám đốc kiểm tra việc xét xử có những chuyển biến tích cực. Trong nhiệm kỳ qua, TAND các cấp đã thụ lý 35.556 đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, đã giải quyết được 30.774 đơn, đạt tỷ lệ 86,5%, trong số đó đã kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm 4.394 vụ. UBTP thấy rằng, công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm trong nhiệm kỳ có nhiều chuyển biến rõ rệt cả về tiến độ và chất lượng giải quyết. Về cơ bản TAND các cấp đã hạn chế được tình trạng để đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật.

Trong nhiệm kỳ qua, TANDTC đã tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ xây dựng luật, pháp lệnh trong lĩnh vực tư pháp theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, trong đó, đã chủ trì xây dựng và trình Quốc hội thông qua một số dự án Luật lớn về tố tụng. Về cơ bản, các dự án Luật, Pháp lệnh đã quán triệt và thể chế hóa các quan điểm của Đảng và Hiến pháp năm 2013 về cải cách tư pháp, bảo vệ quyền con người, quyền cơ bản của công dân, phù hợp với thực tiễn, có tính khả thi.

Tòa án đã xuất sắc trong việc thực hiện công tác xét xử và cải cách tư pháp

Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Phan Trung Lý 

Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Phan Trung Lý đánh giá: Báo cáo chuẩn bị rất đầy đủ, công phu, nghiêm túc. Toàn bộ nội dung hoạt động của TAND các cấp trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII, được thực hiện rất trách nhiệm. Trong 5 năm qua, qua theo dõi hai nhiệm kỳ, thấy rằng nhiệm kỳ này Tòa án các cấp làm hiệu quả ngày càng tốt hơn, tiến bộ ngày càng cao hơn, đặc biệt là gắn với các tiêu chí, Nghị quyết mà Quốc hội đã đưa ra. “Có thể nói, Tòa án khá xuất sắc, bởi vì khi xử lý những vụ này không phải đơn giản, hiện nay Luật ngày càng hoàn thiện đặc biệt là Luật về bảo vệ quyền của công dân, tổ chức mà không phải có quyền là xử được mà xét xử phải đúng người, đúng tội trong khi tội phạm cũng nhiều mưu mô quỷ kế tìm cách lách Luật”- ông Phan Trung Lý nhấn mạnh.

Cũng Theo ông Phan Trung Lý, tuy vẫn còn để xảy ra 3 vụ án oan và cho rằng với người dân thì 1 vụ án oan cũng gây thiệt hại rất lớn, nhưng so với nhiệm kỳ trước, số vụ án oan đã giảm đáng kể. Điều quan trọng là ngành Tòa án đã nắm được số vụ án oan, lý do vì sao xảy ra oan và tìm ra hướng khắc phục. Việc dũng cảm nhận sai, kịp thời sửa sai, xin lỗi và bồi thường cho người bị kết án oan cũng thể hiện sự cố gắng rất lớn của ngành Tòa án.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đánh giá cao những nội dung mà báo cáo đã đề cập đến. Nhiệm kỳ qua đã có những đổi mới, bước tiến quan trọng, bám sát các Nghị quyết của Đảng, Bộ Chính trị về cải cách tư pháp. Đề nghị ngành Tòa án cần nêu ra được các bài học kinh nghiệm trong báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ, vì kinh nghiệm của ngành Tòa án rất quan trọng. Đồng thời, báo cáo cũng cần hoàn thiện theo hướng đánh giá về ý nghĩa hoạt động của ngành tòa án trong nhiệm kỳ qua, đem lại kết quả như thế nào…

Trên cơ sở các ý kiến đóng góp, báo cáo của Chánh án TANDTC sẽ được hoàn thiện để đưa ra trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII tới đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tòa án đã xuất sắc trong việc thực hiện công tác xét xử và cải cách tư pháp