Hôm nay, 18-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính. Một trong những nội dung quan trọng sẽ được thảo luận là việc giao cho TAND quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông Trần Đình Long phát biểu ý kiến
Trong dự thảo Luật quy định có 4 biện pháp xử lý hành chính (giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục; đưa vào cơ sở chữa bệnh). Cơ quan soạn thảo đưa ra hai phương án xin ý kiến về thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp này. Phương án thứ nhất đề nghị giao cho TAND quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính; Phương án thứ hai đề nghị giao cho cơ quan hành chính.
Nhiều ý kiến tán thành với phương án thứ nhất và cho rằng, các biện pháp xử lý hành chính là những biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc của Nhà nước (trong đó có 3 biện pháp buộc người bị áp dụng phải cách ly khỏi cộng đồng trong thời gian nhất định); do đó, việc áp dụng các biện pháp này cần được Toà án quyết định theo một trình tự, thủ tục chặt chẽ, bảo đảm khách quan, thận trọng, chính xác, đúng tinh thần “các cơ quan tư pháp phải thật sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người” đã được khẳng định tại Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp.
Trong Báo cáo kết quả giám sát việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XII, Ủy ban Pháp luật đã kiến nghị với Quốc hội “nghiên cứu trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp này thông qua quyết định của cơ quan tư pháp” (Báo cáo số 86/UBPL12 ngày 10-10-2007). Trong BLHS cũng giao cho Toà án quyết định một số biện pháp tư pháp, như đưa người chưa thành niên vào trường giáo dưỡng (các Điều 41 đến 43, Điều 70). Hơn nữa, việc giao Toà án quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính sẽ tạo điều kiện cho đương sự, luật sư, người bào chữa được tham dự để bảo vệ quyền lợi của đương sự, bảo đảm dân chủ, khách quan; phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế. Vì vậy, đề nghị Quốc hội giao Toà án thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính; đồng thời, nghiên cứu quy định việc xét xử theo thủ tục rút gọn sẽ đáp ứng yêu cầu nhanh gọn, bảo đảm nguyên tắc tranh tụng, công khai, minh bạch.
Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề này, có một số vấn đề đặt ra như: Về thủ tục tố tụng, cần xác định rõ việc TAND cấp huyện xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính thuộc loại thủ tục tố tụng nào?; Thứ hai, trong trường hợp đương sự không đồng ý với phán quyết của TAND cấp huyện, có cơ chế giải quyết theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm… hay không? Nếu không, thì sẽ làm hạn chế quyền của đương sự, nếu có thì Tòa chuyên trách nào sẽ là cơ quan giải quyết?; Thứ ba, Luật Tổ chức TAND và các văn bản pháp luật khác có liên quan chưa quy định TAND cấp huyện có thẩm quyền giải quyết các vụ việc này.
Bên cạnh đó, vấn đề nhân sự và các điều kiện bảo đảm cho việc thực hiện nhiệm vụ chưa được bố trí, sắp xếp v.v... Vì vậy, một số ý kiến cho rằng việc giao cho TAND cấp huyện xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính cần có một lộ trình phù hợp. Trước mắt, việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính vẫn giao cơ quan hành chính thực hiện nhưng cần sửa đổi, bổ sung về trình tự, thủ tục nhằm bảo đảm tính dân chủ, công khai, minh bạch, công bằng, chính xác và hiệu quả.
Theo Hội đồng thẩm định của Bộ Tư pháp: pháp luật không quy định bắt buộc về các loại thủ tục do Toà án giải quyết. Do vậy, việc TAND cấp huyện xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính là một loại thủ tục tố tụng độc lập, không nhất thiết phải thuộc một trong những loại thủ tục tố tụng đang tồn tại hiện nay. Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008, thì Luật Xử lý vi phạm hành chính có thể sửa đổi nội dung của một hoặc nhiều đạo luật khác nhau, trong đó có các nội dung liên quan đến thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính của TAND cấp huyện được quy định trong Luật Tổ chức TAND.
Vì vậy, Hội đồng thẩm định nhất trí với việc giao cho TAND cấp huyện xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên, cơ quan chủ trì soạn thảo cần xem xét, cân nhắc quy định về thời hạn có hiệu lực của Luật để bảo đảm việc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để TAND cấp huyện có thể thực hiện được nhiệm vụ này.
Trung Kiên