Trong Nhà nước pháp quyền, các quyền con người được pháp luật bảo đảm thực hiện và được bảo vệ không bị xâm phạm.
Các quyền con người trở thành đối tượng bảo đảm trong việc ghi nhận về pháp lý, trong hoạt động thi hành pháp luật và xử lý vi phạm pháp luật của Nhà nước. Bảo đảm quyền con người đã trở thành mục tiêu cao nhất trong xây dựng Nhà nước pháp quyền ở nước ta hiện nay. Hiến pháp năm 2013 quy định Tòa án bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN… là một trong những nhiệm vụ chính.
Bảo vệ quyền con người là nhiệm vụ đầu tiên
Tòa án bảo vệ quyền con người, quyền công dân nói chung thông qua hoạt động xét xử, rõ nét nhất là trong vụ án hình sự. Và trong những năm qua, Tòa án các cấp đã làm rất tốt nhiệm vụ đó. Sau khi Hiến pháp năm 2013 được ban hành, tinh thần này đã được thể chế cụ thể tại Luật Tổ chức TAND 2014 và các luật về tố tụng. Tòa án nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xét xử các loại vụ án hình sự, dân sự, hành chính… để bảo vệ quyền con người quyền công dân nói chung và việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người được thể hiện rõ nét nhất thông qua xét xử những vụ án hình sự.
Khi thực hiện nhiệm vụ xét xử vụ án hình sự, Tòa án có quyền: Xem xét, kết luận về tính hợp pháp của các hành vi, quyết định tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên, Luật sư trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử; xem xét việc áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn; đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án; nhằm xét xử đúng người, đúng tội, không bị oan sai - đó là điều cơ bản cốt yếu nhất để bảo vệ quyền con người của các bị can, bị cáo.
Theo PGS.TS Trần Văn Độ, trong xét xử các vụ án hình sự, Tòa án cần đảm bảo các nguyên tắc: không làm oan người không có tội phải đi liền với không để lọt tội phạm; nhiệm vụ phát hiện xử lý tội phạm phải đi liền với việc bảo đảm quyền con người. Hoạt động tố tụng hình sự phải được thực hiện trên cơ sở coi trọng các yếu tố đó; bỏ qua hoặc coi nhẹ yếu tố này hay yếu tố khác nói trên đều ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đạt được mục đích tố tụng. Nếu muốn chứng minh tội phạm, xử lý tội phạm bằng bất cứ giá nào thì dễ dẫn đến vi phạm quyền con người; ngược lại nếu quá chú ý đến việc bảo đảm quyền con người thái quá mà không mạnh dạn áp dụng các biện pháp cưỡng chế tố tụng để phát hiện, chứng minh tội phạm thì sẽ làm cho hoạt động tố tụng thiếu hiệu quả, không thể phát hiện, xử lý kịp thời người phạm tội, thậm chí bỏ lọt tội phạm…
Khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân độc lập, chỉ tuân theo pháp luật
Ngoài ra, nhiệm vụ bảo vệ quyền con người của Tòa án thể hiện ở các nguyên tắc như: Độc lập xét xử, theo đơn vị hành chính và chịu sự giám sát của Quốc hội và HĐND các cấp. Tuyên ngôn nhân quyền và Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị, kinh tế cũng đã nêu rõ: “Mọi người đều có quyền được xét xử công khai, công bằng bởi một Tòa án độc lập, có thẩm quyền, được thành lập theo quy định”. Tinh thần này cũng đã được thể hiện rõ trong Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức Tòa án 2014 “Khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân độc lập, chỉ tuân theo pháp luật”. Kết quả của việc xử lý hành vi xâm phạm đến quyền con người, giải quyết các tranh chấp khác trong xã hội phải dựa trên bản án, quyết định đảm bảo sự thật khách quan, công bằng, công minh, đúng pháp luật, đạt đến chuẩn công lý.
Trong thực tế, hành vi xâm phạm quyền con người rất đa dạng và ở các cấp độ khác nhau. Trực tiếp, nguy hiểm và hậu quả nặng nề nhất là dạng hành vi xâm phạm quyền con người ở dạng tội phạm. Để đảm bảo quyền con người trước các hành vi đó, Nhà nước đã ban hành luật hình sự, tố tụng hình sự... Trong đó quy định các nguyên tắc mà các cơ quan tố tụng phải tôn trọng đó là: “Không bỏ lọt tội phạm và không làm oan người vô tội”; “Trách nhiệm xác minh sự thật của vụ án thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng”. Đặc biệt, các quyết định, bản án nhất là những bản án kết tội của Tòa án phải dựa trên cơ sở sự thật khách quan đã được chứng minh; phải dựa trên nhóm nguyên tắc “Xét xử có Hội thẩm nhân dân tham gia”, “Xét xử công khai” và “Đảm bảo sự phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng”. Ngoài ra, còn có một nguyên tắc vô cùng quan trọng nữa là “Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án”. Đây là nội dung cốt lõi của nguyên tắc suy đoán vô tội, một trong những nguyên tắc được coi là thành tựu vĩ đại của văn minh pháp lý nhằm bảo vệ quyền con người trong tố tụng hình sự.
Việc bảo vệ quyền con người bằng Tòa án kết thúc bằng hoạt động xét xử của Tòa án, chính vì vậy vai trò của Tòa án và Thẩm phán hết sức quan trọng. Các hoạt động điều tra, truy tố đóng vai trò chuẩn bị, tạo cơ sở cho hoạt động của Tòa án. Trong tố tụng hình sự, giai đoạn xét xử của Tòa án luôn đóng vai trò trung tâm. Để đảm bảo cho Tòa án thực hiện đúng chức năng, vai trò của mình, Bộ luật TTHS 2015 cũng đã quy định cụ thể về thẩm quyền của Tòa án, các quyền nghĩa vụ trong hoạt động tố tụng của Thẩm phán và những người tham gia tố tụng khác. Cơ chế hoạt động của Tòa án luôn đảm bảo tính độc lập của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân.
Thực tiễn bảo vệ quyền con người của Tòa án
Nhìn chung, trong quá trình xét xử sơ thẩm vụ án hình sự, các quyền của bị can bị cáo nói riêng và quyền con người nói chung đều được các Tòa án bảo đảm thực hiện. Theo báo cáo của TANDTC, chỉ trong 5 năm vừa qua (2010 – 2015), các TAND đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 306.105 vụ/552.235 bị cáo theo thủ tục sơ thẩm; đã giải quyết 283.232 vụ/502.632 bị cáo (đạt tỷ lệ 92,5%). Trong đó, TANDTC đã chỉ đạo Tòa án các cấp xét xử kịp thời các vụ án trọng điểm, tích cực phục vụ các đợt cao điểm đấu tranh phòng chống tội phạm nên đã đạt được rất nhiều kết quả khả quan. Đánh giá một cách tổng thể thấy rằng, việc xét xử các vụ án hình sự đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, đã hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp kết án oan người không có tội.
Báo cáo giám sát oan sai trong tố tụng hình sự năm 2014 của Ủy ban Tư pháp Quốc hội cũng đánh giá: nhìn nhận về góc độ cải cách tư pháp nhằm bảo vệ quyền con người của các bị can, bị cáo thấy rằng, trong công tác xét xử vụ án hình sự hiện nay, các Tòa án đã thực hiện tốt các thủ tục, quyền hạn mà BLTTHS quy định đối với bị can, bị cáo. Việc bảo đảm quyền bào chữa được thực hiện tốt; đảm bảo tốt thời hạn chuẩn bị xét xử, không có tình trạng Tòa án gây khó dễ cho luật sư trong thực hiện các quyền tố tụng quy định như nghiên cứu hồ sơ, tiếp xúc với bị can, bị cáo, đưa ra các yêu cầu, thực hiện tốt quyền hạn trong giai đoạn chuẩn bị xét xử như đình chỉ vụ án, trả hồ sơ để điều tra bổ sung…
Đặc biệt, theo thống kê của TANDTC, hàng năm có khoảng 4% - 5% số vụ án được các Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung; trong đó phần lớn là thiếu các chứng cứ buộc tội, gây bất lợi cho bị can theo quyết định truy tố của VKS. Con số vụ án sau khi Tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung đã được đình chỉ điều tra; hoặc Tòa án xét xử tuyên bị cáo không phạm tội cũng đã khẳng định được nhiệm vụ bảo vệ quyền con người của bị can, bị cáo của Tòa án.
TANDTC, Tòa án quân sự Trung ương cũng đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra theo chuyên đề hồ sơ các vụ án hình sự của TAND các cấp, Tòa án cấp quân khu mà bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật; Các TAND cấp tỉnh thường xuyên duy trì việc giám đốc kiểm tra việc xét xử đối với TAND cấp huyện thuộc thẩm quyền quản lý. Qua đó, chấn chỉnh kịp thời các sai sót trong hoạt động nghiệp vụ; các khó khăn, bất cập được tổng hợp xem xét, tìm biện pháp tháo gỡ; các vướng mắc trong thực tiễn xét xử được tập trung nghiên cứu, tổng kết, từng bước xây dựng, ban hành các nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC để hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật.
Từ năm 2010-2015, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành 3 Nghị quyết hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật về hình sự. TANDTC cũng ban hành nhiều công văn trao đổi, hướng dẫn nghiệp vụ về hình sự, việc phân công Thẩm phán, Thư ký tòa… Các văn bản này đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các Tòa án, đảm bảo chất lượng xét xử và áp dụng thống nhất pháp luật của các Tòa án, theo tinh thần Hiến pháp 2013 về bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Đáng chú ý từ 2004 - 2014, trong tổng số 733.984 vụ án được thụ lý cả sơ thẩm và phúc thẩm, Tòa án đã phát hiện 26.413 vụ án có thiếu sót, vi phạm phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung được VKS chấp nhận, chiếm 3,6%. Đặc biệt, trong số 1.275.098 bị cáo đã xét xử có 422 bị cáo được Tòa án tuyên không phạm tội, chiếm tỷ lệ 0,033%. Trong kỳ, có 629 bị can truy tố nhưng qua xét xử Tòa án kết luận chưa đủ căn cứ kết tội bị cáo, có dấu hiệu bỏ lọt 186 người phạm tội…
Như vậy, từ thực tiễn xét xử của Tòa án và các quy định của pháp luật TTHS nước ta thấy rằng về cơ bản, tư tưởng, mục tiêu tôn trọng và bảo vệ quyền con người được Tòa án đã thể chế, áp dụng hiệu quả trong hoạt động xét xử của mình, tạo niềm tin vững chắc cho nhân dân.