Tỉnh ủy Lạng Sơn đề ra nhiều chương trình giúp tỉnh phát triển dài lâu

Việt Bắc| 27/08/2021 21:52
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mới đây, ông Nguyễn Quốc Đoàn – Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Lạng Sơn đã ký, ban hành văn bản số 23-Ctr/TU về Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Trong đó, đề ra nhiều chương trình công tác trọng tâm, với những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, để giúp tỉnh nhà phát triển nhanh hơn trong những năm tới.

Dồn lực phát triển kinh tế cửa khẩu

Đối với chương trình đầu tiên là tiếp tục tập trung phát triển nhanh kinh tế cửa khẩu, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh, Tỉnh ủy đặt mục tiêu đến năm 2025, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn đạt khoảng 6.650 triệu USD, trong đó xuất khẩu 3.890 triệu USD, nhập khẩu 2.760 triệu USD. Song song đó là mục tiêu hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu trung chuyển hàng hóa (giai đoạn 1), Khu chế xuất 1 và các khu chức năng khác của Khu kinh tế cửa khẩu.

anh-ong-nguyen-quoc-doan-bi-thu-tinh-uy-lang-son.jpg

Ông Nguyễn Quốc Đoàn – Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Lạng Sơn.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn, để thực hiện được những mục tiêu trên thì tỉnh cần tiếp tục điều chỉnh quy hoạch các khu chức năng chủ yếu và các khu vực cửa khẩu phù hợp với tình hình thực tiễn, cũng như khả năng phát triển. Tiếp tục nghiên cứu, rà soát, xây dựng cơ chế, chính sách nhằm thu hút đầu tư, phát triển Khu kinh tế cửa khẩu và các khu chức năng.

Bên cạnh đó, tỉnh Lạng Sơn cũng cần tạo môi trường thuận lợi đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn. Phát huy tối đa lợi thế các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu song phương, cửa khẩu phụ và các lối mở biên giới để thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh. Đồng thời, thực hiện đồng bộ các dịch vụ logistics để rút ngắn thời gian kiểm hoá, kiểm soát, bốc xếp, trung chuyển hàng hoá qua biên giới, nhằm nâng cao năng lực thông quan hàng hóa.

Tập trung xây dựng đồng bộ hạ tầng giao thông tạo sự thông suốt giữa các khu chức năng; xây dựng và nâng cấp hệ thống cấp điện, cấp thoát nước, bưu chính, viễn thông đồng bộ, hiện đại. Đầu tư xây dựng hoàn thiện đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn và kết nối Cửa khẩu Tân Thanh; nâng cấp hoàn chỉnh Quốc lộ 4A, 4B, 3B.

Tiếp tục đề nghị Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu lập quy hoạch, nâng cấp tuyến đường sắt tốc độ cao Hà Nội - Lạng Sơn, đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng Ga đường sắt Đồng Đăng. Nghiên cứu mở rộng tuyến đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa tại khu vực mốc 1119-1120 Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị. Xây dựng khu Trung tâm hành chính của thị trấn Đồng Đăng quy mô khoảng 5 - 6 ha.

“Tập trung phát triển các khu chức năng trong Khu kinh tế cửa khẩu: Khu trung chuyển hàng hóa, Khu chế xuất 1, dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và nhà xưởng Phúc Khang thuộc khu phi thuế quan (giai đoạn 1)... Nghiên cứu, xem xét xây dựng hình thành các khu thương mại - công nghiệp thuộc các khu vực cửa khẩu: Cốc Nam, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng; Chi Ma, xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình; Bình Nghi, xã Đào Viên, huyện Tràng Định”, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn Nguyễn Quốc Đoàn thông tin.

Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Không chỉ dồn lực phát triển kinh tế cửa khẩu, Tỉnh ủy Lạng Sơn còn đề ra chương trình

đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Ở chương trình này, mục tiêu được đặt ra là giá trị tăng thêm ngành nông lâm nghiệp bình quân hàng năm tăng 3-3,5% và trồng rừng mới 9.000 ha/năm, để đến năm 2025, độ che phủ rừng đạt 65%.

Đáng chú ý, mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ dân cư ở nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 99%. Không chỉ vậy, đến năm 2025, tỉnh Lạng Sơn sẽ có thêm ít nhất 50 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên; xây dựng được 25 chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp, 04 chỉ dẫn địa lý, 20 nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm của tỉnh.

Về xây dựng nông thôn mới, mục tiêu đến năm 2025, tỉnh Lạng Sơn sẽ có 115/181 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 32 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 12 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu và 02 đơn vị cấp huyện hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

Để đạt được các mục tiêu trên, nhiệm vụ được đề ra là triển khai thực hiện tốt các chính sách của Trung ương, của tỉnh về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đã ban hành và nghiên cứu xây dựng, bổ sung các cơ chế, chính sách của tỉnh để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Đẩy mạnh triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, gắn với xây dựng nông thôn mới. Phát triển sản phẩm chủ lực có giá trị kinh tế cao, hình thành và phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung.

Chưa hết, tỉnh cũng huyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ chức và cá nhân có điều kiện về vốn, kỹ thuật liên kết với người dân tích tụ ruộng đất để sản xuất

nông, lâm nghiệp, chăn nuôi. Đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tập trung phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò chủ đạo, nòng cốt, dẫn dắt.

“Tăng cường xúc tiến kêu gọi các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, đối tác chiến lược đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Nâng cao năng lực nghiên cứu, dự báo, kết nối thị trường để định hướng sản xuất và quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, tìm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Chú trọng xây dựng các kênh tiêu thụ, kết nối cung - cầu giữa vùng sản xuất với hệ thống phân phối ở trong và ngoài nước”, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn nêu giải pháp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tỉnh ủy Lạng Sơn đề ra nhiều chương trình giúp tỉnh phát triển dài lâu