Tỉnh Long An đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất

18/09/2012 22:54
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tỉnh Long An vừa tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 45 năm ngày Long An được phong tặng danh hiệu “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” (17/9/1967- 17/9/2012) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất của Chủ tịch nước tặng.

Đến dự buổi lễ kỷ niệm ngày 14-9 có Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Trương Hoà Bình; đại diện các Bộ, ngành Trung ương, đại diện Tỉnh ủy, UBND các tỉnh Đông và Tây Nam bộ; các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang, lãnh đạo tỉnh Long An qua các thời kỳ và đông đảo người dân trong tỉnh.

 

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình đã trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Đảng bộ và nhân dân Long An vì đã có thành tích đặc biệt góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Tỉnh Long An đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất

Bí thư Trung ương Đảng Trương Hòa Bình trao Huân chương Độc lập hạng Nhất 

 

Ông Mai Văn Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Long An đã ôn lại truyền thống đấu tranh hào hùng của quân dân trong tỉnh. Long An, thuộc Tân An - Chợ Lớn trước kia, có vị trí chiến lược và bề dày lịch sử, giáp Tp. Hồ Chí Minh và có đường biên giới giáp với Campuchia, nối liền miền Đông với miền Tây Nam bộ. Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, nhân dân Tân An - Chợ Lớn thực hiện xuất sắc đường lối kháng chiến của Đảng, đánh giặc trên các mặt chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa và xây dựng, củng cố nhiều căn cứ địa nổi tiếng như Đức Hóa, Đồng Tháp Mười… Những chiến công vang dội của Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định, Thủ Khoa Huân, Anh hùng dân chài Nguyễn Trung Trực lần đầu tiên nhấn chìm tàu giặc Pháp làm nên “Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên hạ”. Những nhà thơ, trí thức đánh giặc bằng ngòi bút như: Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Thông, Nguyễn An Ninh… Trong Cách mạng tháng Tám, Tân An là tỉnh tiên phong giành chính quyền ở Nam bộ, đồng thời đây cũng là 2 trong 9 tỉnh nổ ra mạnh nhất trong khởi nghĩa Nam Kỳ. Trong giai đoạn này, mảnh đất Long An tự hào là nơi sinh ra, lớn lên và hoạt động cách mạng của các Bí thư Xứ ủy Nam kỳ, đó là các chiến sĩ cộng sản kiên trung như: Hồ Văn Long, Trương Văn Bang, Võ Văn Tần, Trần Văn Giàu…

 

Đến cuộc kháng chiến chống Mỹ, Long An trở thành địa bàn trọng điểm số 1 trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ ngụy. Năm 1965, trong chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ, Đảng bộ Long An đã phát động “Phong trào toàn dân đánh giặc”, xây dựng làng xã chiến đấu và các vành đai diệt Mỹ, kiên cường bám trụ. Quân dân Long An đẩy mạnh chiến tranh du kích, kết hợp nhịp nhàng với quân chủ lực và các mũi đấu tranh chính trị, binh vận để phá ấp chiến lược, đánh hàng trăm trận, làm tan rã và tiêu diệt hàng chục ngàn quân ngụy, đánh bại sư đoàn 25 của địch, bức rút hơn 100 đồn bót. Tất cả đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của lực lượng vũ trang địa phương, khẳng định sức mạnh của thế trận chiến tranh nhân dân. 

 

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, ngày 17-9-1967, tại Đại hội Anh hùng và chiến sĩ thi đua toàn miền Nam lần thứ 2, Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã quyết định phong tặng cho Long An danh hiệu và lá cờ vẻ vang ghi tám chữ vàng “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”. Kết tinh nên tám chữ vàng, trong công cuộc đấu tranh giải phóng đất nước, Long An có gần 30.000 liệt sỹ, 1.829 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 209 đơn vị và cá nhân Anh hùng lực lượng vũ trang; trên 10.000 người được tặng Kỷ niệm chương tù đày và Huân chương kháng chiến các loại; hơn 70.000 người có công và còn biết bao gia đình, cá nhân đã thầm lặng hy sinh cho sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc, thực hiện trọn vẹn lời dạy của Bác Hồ “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

 

 Sau ngày giải phóng và thống nhất đất nước đến nay, kế thừa và tiếp nối truyền thống cách mạng, Long An cùng cả nước xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội. Từ một tỉnh thuần nông, Long An đã chuyển sang phát triển mạnh về công nghiệp, thương mại dịch vụ, đồng thời sản lượng lương thực tiếp tục tăng và đạt 2,6 triệu tấn. Trong sự nghiệp đổi mới, nhiều tấm gương tập thể, cá nhân lao động sáng tạo, chiến đấu dũng cảm được ghi nhận và đã được trao nhiều huy chương các loại, hơn 1.000 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, gần 20 tập thể, cá nhân của tỉnh được công nhận là Anh hùng trong thời kỳ đồi mới. 

 

Cùng ngày, từ sự vận động của ông Trương Hòa Bình, Quỹ Thiện Tâm, Công ty TNHH Bao bì giấy Việt Trung và Báo Công an Tp. Hồ Chí Minh đã trao 350 triệu đồng xây dựng 10 căn nhà tình nghĩa cho những người có công với cách mạng ở căn cứ kháng chiến cũ tại huyện Châu Thành, Bến Lức. 

 

Quang Trung

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tỉnh Long An đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất