Giới nghiên cứu cảnh báo nguy cơ Covid-19 phủ khắp toàn cầu, Twitter đề nghị nhân viên trên toàn cầu làm việc tại nhà để phòng dịch, Nhật Bản được phép lùi thời điểm tổ chức Olympic Tokyo 2020... là những tin tức thế giới nổi bật.
Giới nghiên cứu cảnh báo nguy cơ Covid-19 phủ khắp toàn cầu
Covid-19 khởi phát ở Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc hồi tháng 12/2019, đến nay đã xuất hiện tại 78 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, khiến gần 91.000 người nhiễm bệnh, 3.124 người chết. Các nhà nghiên cứu cho rằng tất cả các nước nên tích cực lập kế hoạch để đối phó với khả năng dịch bùng phát tại nước mình.
"Khả năng cao là nCoV sẽ tiếp tục lan đến các quốc gia khác. Chúng ta đang bắt đầu thấy mức độ lây nhiễm không liên quan đến việc di chuyển từ nơi có dịch", Leslie Dach - cựu cố vấn cao cấp Bộ Y tế và Dịch vụ dân sinh Mỹ nói. Laurie Garrett - chuyên gia về bệnh dịch, tác giả cuốn sách "Ebola: Câu chuyện về sự bùng phát" nhận định: "Dịch sẽ quay vòng trên khắp thế giới, bất chấp thay đổi mùa, trong một thời gian dài".
Các nhà nghiên cứu ở Trung Quốc kiểm tra một con con dơi để tìm hiểu nguồn gốc của SARS-CoV-2
Twitter đề nghị nhân viên trên toàn cầu làm việc tại nhà để phòng dịch
Nhằm ngăn chặn dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lây lan, Twitter đã đề nghị tất cả nhân viên của hãng trên toàn cầu làm việc tại nhà từ tháng 3.
Giám đốc nhân sự của Twitter Jennifer Christie ngày 2/3 cho biết hãng khuyến khích tất cả nhân viên làm việc tại nhà nếu có thể, mục đích là hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh không chỉ cho chính họ mà cho cả cộng đồng. Quy định bắt buộc làm việc tại nhà sẽ áp dụng đối với các văn phòng của Twitter ở các điểm nóng dịch bệnh như Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc) và Nhật Bản.
Hàn Quốc đặt toàn bộ các cơ quan Chính phủ vào tình trạng báo động toàn diện chống dịch Covid-19
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 3/3 tuyên bố nước này đã bắt đầu "cuộc chiến" chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 trong bối cảnh tình hình dịch bệnh leo thang ở Daegu và tỉnh Bắc Gyeongsang, đặt toàn bộ các cơ quan Chính phủ vào tình trạng báo động toàn diện 24/24 giờ, quyết định chi chi 30 nghìn tỷ Won (25 tỷ USD) trực tiếp hoặc gián tiếp để đối phó với dịch bệnh.
Ông Moon nêu rõ việc tiếp tục ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) là "giai đoạn then chốt", cho rằng, tình hình đã hoàn toàn thay đổi liên quan tới số lượng lớn các ca nhiễm bệnh của tín đồ giáo phái Tân Thiên Địa (Shincheonji). Hiện Hàn Quốc đã ghi nhận thêm hơn 600 ca nhiễm mới, số ca tử vong do Covid-19 ở nước này đã lên 28 người.
Vòng loại World Cup 2022 có thể được lùi sang tháng 10 vì dịch Covid-19
Báo chí quốc tế hôm nay đồng loạt đưa tin, các đợt trận vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á trong tháng 3 và tháng 6 tới đây, có thể được lùi sang tháng 10, vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Trang Fox Sport phiên bản Thái Lan thông tin: “Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) quyết tâm hoãn các trận đấu thuộc AFC Champions League ở khu vực phía Đông. Ngoài ra, AFC còn tiến hành một cuộc họp khẩn với các liên đoàn thành viên, về chuyện có thể hoãn các trận đấu trong khuôn khổ vòng loại World Cup khu vực châu Á, diễn ra trong tháng 3”.
Nhật Bản được phép lùi thời điểm tổ chức Olympic Tokyo 2020
Bộ trưởng Olympics Nhật Bản Seiko Hashimoto gần đây cho biết, hợp đồng giữa Tokyo với Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) cho phép nước này trì hoãn tổ chức Đại hội thể thao Olympic Tokyo 2020 cho đến cuối năm nay, trong bối cảnh lo ngại bùng phát SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có khả năng buộc IOC phải hủy sự kiện này.
Phát biểu tại quốc hội, Bộ trưởng Hashimoto nêu rõ: "Hợp đồng này quy định tổ chức Đại hội thể thao Olympic Tokyo 2020 trong nhăm 2020. Điều đó có thể được hiểu là cho phép trì hoãn."
Theo thỏa thuận đăng cai, quyền hủy Đại hội thể thao Olympic Tokyo 2020 thuộc về IOC. Tuần trước, Chủ tịch IOC Thomas Bach cho biết, cơ quan này kiên quyết tổ chức sự kiện này theo đúng lịch trình, bất chấp sự lây lan của SARS-CoV-2.
Mỹ giảm phóng viên Trung Quốc thường trú
Theo thông cáo của Ngoại trưởng Mike Pompeo hôm qua (2/3), bắt đầu từ ngày 13/3, Mỹ sẽ giảm số phóng viên cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc thường trú ở nước này từ 160 người xuống còn 100 người. Các quan chức Mỹ cho biết quyết định này là biện pháp đáp trả "chính sách bắt nạt, quấy rối phóng viên Mỹ từ lâu" của Trung Quốc.
Động thái này sẽ buộc 5 cơ quan truyền thông của Trung Quốc có văn phòng thường trú ở Mỹ cân nhắc giữ lại người nào tiếp tục làm việc. Quan chức Trung Quốc đã phản đối mạnh mẽ. "Mỹ và Trung Quốc có một số bất đồng, nhưng chúng tôi không cho rằng Mỹ nên can thiệp vào công việc của các nhà báo đến từ Trung Quốc", đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Zhang Jun cho biết.
Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay chiến đấu của Syria
Ngày 3/3, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố bắn hạ một máy bay chiến đấu L-39 của các lực lượng Chính phủ Syria trong cuộc tấn công quân sự do Ankara phát động ở Tây Bắc Syria.
Tình hình thực địa tại tỉnh Idlib (Syria) diễn biến phức tạp khi Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục chiến dịch quân sự chống quân đội chính quyền Syria được Nga ủng hộ tại đây.
Thổ Nhĩ Kỳ đã gia tăng các hoạt động quân sự sau khi hàng chục binh sĩ nước này bị thiệt mạng trong các vụ không kích hồi tuần trước, mà Ankara quy trách nhiệm cho Chính phủ Syria. Sự kiện này đã đánh dấu sự leo thang nghiêm trọng giữa các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, đồng thời dấy lên nguy cơ xảy ra đụng đột toàn diện giữa cả hai bên.
Mỹ từ chối yểm trợ lính Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria
Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper ngày 2/3 cho biết không quân Mỹ sẽ không hỗ trợ lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ tham chiến tại tỉnh Idlib, Syria. "Sự hỗ trợ của Mỹ cho Thổ Nhĩ Kỳ không bao gồm yểm trợ hỏa lực không quân", ông Mark Esper trả lời câu hỏi về cách Mỹ hậu thuẫn đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ trong chiến dịch quân sự ở Idlib, tây bắc Syria.
Esper cũng cho biết ông đã thảo luận với Ngoại trưởng Mike Pompeo về việc cung cấp viện trợ nhân đạo bổ sung cho dân thường Syria tại Idlib. Ông cũng đã trao đổi với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg về tình hình ở Syria và cho hay NATO đã sẵn sàng cho bất cứ điều gì xảy ra tại đây.