WHO tới Trung Quốc điều tra nguồn gốc đại dịch COVID-19; Nhật Bản bổ sung 18 quốc gia vào danh sách cấm nhập cảnh; EU muốn dỡ hạn chế nhập cảnh cho 14 quốc gia ngoài khối từ ngày 1/7… là tin tức thế giới đáng chú ý.
WHO tới Trung Quốc điều tra nguồn gốc đại dịch COVID-19
Ngày 29/6, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus thông báo WHO sẽ cử một nhóm chuyên gia đến Trung Quốc vào tuần tới để điều tra về nguồn gốc virus SARS-CoV-2.
Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát hiện nguồn gốc virus SARS-CoV-2 để có thể phòng chống loại virus này tốt hơn.
Tuy nhiên, ông không cho biết thành phần nhóm chuyên gia được cử tới Trung Quốc cũng như nhiệm vụ cụ thể của nhóm chuyên gia này.
Ảnh minh họa
Nhật Bản bổ sung 18 quốc gia vào danh sách cấm nhập cảnh
Ngày 29/6, Chính phủ Nhật Bản cho biết nước này sẽ bổ sung 18 quốc gia vào danh sách cấm nhập cảnh như một phần của các biện pháp kiểm soát biên giới nhằm ngăn chặn đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lây lan. Theo thông báo, từ ngày 1/7, công dân nước ngoài từng đến 18 quốc gia nói trên trong vòng 14 ngày sẽ bị từ chối nhập cảnh vào Nhật Bản.
Các quốc gia mới được đưa vào danh sách này chủ yếu ở khu vực Mỹ Latinh, Trung Đông và châu Phi, gồm Algeria, Cuba, Iraq, Cameroon, CH Trung Phi, Costa Rica, Eswatini, Gruzia, Grenada, Guatemala, Guyana, Haiti, Jamaica, Liban, Mauritania, Nicaragua, Saint Vincent và Grenadines, cùng Senegal. Như vậy, danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới mà công dân bị cấm nhập cảnh vào Nhật Bản hiện lên tới con số 129.
Ủy viên Thương mại EU rút khỏi cuộc đua chức Tổng Giám đốc WTO
Ngày 29/6, Ủy viên Thương mại Liên minh châu Âu (EU) Phil Hogan thông báo sẽ không tham gia cuộc đua chức Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Lý do ông đưa ra là vì hiện công việc của EU quá nhiều, đòi hỏi ở ông một sự toàn tâm, toàn ý tuyệt đối trên cương vị hiện tại của mình.
Đức lần đầu triển khai dịch vụ xét nghiệm nhanh ở sân bay
Ngày 29/6, sân bay quốc tế Frankfurt của Đức đã đưa vào hoạt động trung tâm dịch vụ xét nghiệm virus SARS-CoV-2 dành cho hành khách có nhu cầu, với kết quả được trả trong vòng vài giờ. Đây là trung tâm xét nghiệm COVID-19 tại sân bay đầu tiên ở Đức, được thành lập nhằm giúp giải tỏa tâm lý lo ngại của hành khách khi mà giai đoạn cao điểm đi lại trong mùa Hè đang đến gần.
EU muốn dỡ hạn chế nhập cảnh cho 14 quốc gia ngoài khối từ ngày 1/7
Ngày 29/6, phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn truyền thông Đức đưa tin, Liên minh châu Âu (EU) muốn dỡ bỏ hạn chế nhập cảnh đối với công dân của 14 quốc gia từ ngày 1/7 bao gồm Algeria, Australia, Gruzia, Nhật Bản, Canada, Maroc, Montenegro, New Zealand, Rwanda, Serbia, Hàn Quốc, Thái Lan, Tunisia và Uruguay.
Tờ Thế giới (die Welt) dẫn nguồn Thông tấn Đức cho biết, EU muốn đề xuất chính thức các hạn chế nhập cảnh đối với 14 quốc gia nêu trên sẽ được dỡ bỏ kể từ ngày 1/7. Tuy nhiên, các hạn chế nhập cảnh chỉ được dỡ bỏ nếu các nước này cũng dỡ bỏ các hạn chế nhập cảnh đối với công dân Đức cũng như công dân các nước EU.
Tổng thống Indonesia yêu cầu giải ngân gói hỗ trợ chống dịch COVID-19
Ngày 29/6, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã chỉ thị cho Bộ Y tế nước này ngay lập tức giải ngân gói ngân sách trị giá 75.000 tỷ rupiah (khoảng 5,26 tỷ USD) hỗ trợ chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Philippines cam kết điều tra kỹ lưỡng vụ bê bối của Wirecard
Ngày 29/6, Cơ quan Chống rửa tiền Philippines (AMLC) tuyên bố sẽ tiến hành một cuộc điều tra "nhanh chóng và kỹ lưỡng" về những bê bối xung quanh công ty thanh toán điện tử hàng đầu của Đức Wirecard AG, đồng thời cho biết đã lập danh sách sơ bộ các cá nhân và tổ chức tại nước này có liên quan đến vụ việc.
Tuần trước, Wirecard đã đệ đơn phá sản và cho biết khoản tiền mặt trị giá 2,1 tỷ USD của hãng có thể không còn tồn tại. Động thái này được đưa ra sau khi công ty kiểm toán EY từ chối xác minh bản kê khai tài chính của Wirecard năm 2019, đồng thời cho biết có những bằng chứng rõ ràng về các hoạt động gian lận tinh vi của Wirecard liên quan đến nhiều công ty trên thế giới.
Cựu Thủ tướng Pháp F.Fillon nhận án tù
Ngày 29/6, một tòa án Pháp đã kết án 5 năm tù giam đối với cựu Thủ tướng nước này François Fillon với tội danh lạm dụng chức quyền, sử dụng công quỹ để trả lương cho chính vợ của mình cho những công việc không có thực tại quốc hội.
EU và Anh khởi động vòng đàm phán mới
Ngày 29/6, Liên minh châu Âu (EU) và Anh đã khởi động 5 tuần đàm phán quan trọng về một thỏa thuận xác định quan hệ giữa hai bên trong giai đoạn hậu Brexit. Đến với vòng đàm phán này, London mang theo tâm lý muốn nhanh chóng kết thúc vụ "ly hôn".
Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền chỉ trích kế hoạch sáp nhập Bờ Tây
Ngày 29/6, Cao ủy Liên hợp quốc về Nhân quyền Michelle Bachelet tuyên bố kế hoạch của Israel sáp nhập một phần lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng ở Bờ Tây là "trái phép", đồng thời cảnh báo động thái này có thể gây ra hậu quả "thảm khốc".
Trung Quốc đưa pháo 155 ly mẫu mới nhất tới Tây Tạng
Trung Quốc đã đưa các khẩu pháo mới thiết kế tới Tây Tạng, ở thời điểm căng thẳng gia tăng với Ấn Độ sau đụng độ ở biên giới khiến binh sĩ hai bên thiệt mạng. Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong,Trung Quốc) cho biết 5 quân khu lớn ở nước này đều được trang bị pháo gắn trên xe PCL-181 cỡ nòng 155mm.
10 người thương vong trong vụ tấn công Sở giao dịch chứng khoán Pakistan
Theo thông tin mới cập nhật của hãng tin AFP (Pháp), 4 phiến quân đã bị tiêu diệt và ít nhất 6 người khác đã thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố nhằm vào Sở giao dịch chứng khoán Pakistan (PSE), ở thành phố Karachi ngày 29/6.
Trên 1 triệu người phải sơ tán vì lũ lụt nghiêm trọng tại Ấn Độ
Lũ lụt nghiêm trọng do mưa lớn trong ngày 29/6 đã buộc hơn 1 triệu người phải sơ tán tại bang Assam, Đông Bắc Ấn Độ, trong khi tình hình đang ngày càng trở nên nghiêm trọng.