Ông Biden tiếp tục vượt qua Tổng thống Trump trong cuộc thăm dò dư luận; Lầu Năm Góc quan ngại về chủ trương của Tổng thống Trump điều quân đội chống biểu tình… là một số tin tức thế giới đáng chú ý.
Ông Biden tiếp tục vượt qua Tổng thống Trump trong cuộc thăm dò dư luận
Ngày 2/6, kết quả cuộc thăm dò mới của CBS News/ YouGov công bố cho thấy cựu Phó Tổng thống Joe Biden đã vượt qua Tổng thống Mỹ Donald Trump 4 điểm trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020.
Kết quả cuộc thăm dò cho thấy ông Biden - ứng cử viên lớn nhất của đang Dân chủ dù chỉ nhận được tỷ lệ ủng hộ 47% từ những cử tri tham gia cuộc khảo sát, giảm nhẹ so với mức 49% mà ông từng nhận được trong một cuộc thăm dò tương tự được công bố vào tháng Năm. Tuy nhiên, tỷ lệ ủng hộ dành cho ông Biden vẫn cao hơn những gì mà Tổng thống Trump thu về trong cuộc khảo sát này, khi ông chủ Nhà Trắng chỉ nhận được 43% số phiếu từ những người được hỏi.
Cựu Phó Tổng thống Joe Biden (trái) đã vượt qua Tổng thống Mỹ Donald Trump 4 điểm trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020.
Lầu Năm Góc quan ngại về chủ trương của Tổng thống Trump điều quân đội chống biểu tình
Một số quan chức quốc phòng Lầu Năm Góc bày tỏ quan ngại với kênh CNN về chủ trương Tổng thống Donald Trump tuyên bố ngày 1/6 là triển khai quân đội xử lý biểu tình.
Phát biểu tại Vườn Hồng, Tổng thống Trump nói rằng ông có thể áp dụng Đạo luật chống bạo động năm 1807 vốn tạo điều kiện để nhà lãnh đạo Mỹ triển khai quân đội xử lý rối loạn trong nước.
Cao ủy nhân quyền LHQ: Biểu tình ở Mỹ phơi bày những bất bình đẳng cố hữu
Ngày 2/6, Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền Michelle Bachelet cho rằng các cuộc biểu tình tại nhiều thành phố ở Mỹ, xuất phát từ cái chết của người đàn ông da màu George Floyd, cho thấy "nạn bạo lực của cảnh sát" nhằm vào người da màu và sự bất bình đẳng cố hữu trong tiếp cận y tế, giáo dục và việc làm.
Trong một tuyên bố, bà Bachelet cho rằng đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã có "tác động tàn phá" đối với người gốc Phi và các sắc tộc thiểu số ở Brazil, Anh, Pháp và Mỹ, đồng thời kêu gọi khả năng tiếp cận dễ dàng hơn trong xét nghiệm y tế và chăm sóc sức khỏe dành cho những đối tượng này.
Quốc hội Mỹ đánh giác tác động của COVID-19 với nền kinh tế
Một báo cáo của Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) công bố ngày 2/6 nhận định rằng, nền kinh tế của Mỹ có thể sẽ mất gần một thập kỷ để phục hồi hoàn toàn khỏi các ảnh hưởng của đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra (COVID-19) khi một loạt các cuộc khảo sát cho thấy xu hướng tiếp tục suy yếu của sản xuất toàn cầu.
CBO dự báo đại dịch COVID-19 có thể sẽ khiến sản lượng kinh tế của Mỹ thiệt hại khoảng 8 nghìn tỷ USD trong thập kỷ này, giảm khoảng 3% so với những dự báo trước khi dịch bệnh bùng phát.
Tổng thống Nga phê chuẩn kế hoạch phục hồi kinh tế
Tổng thống Vladimir Putin đã phê chuẩn kế hoạch khôi phục nền kinh tế nước này do Thủ tướng Mikhail Mishustin đệ trình.
Theo thông báo, chi phí của kế hoạch lên tới 5.000 tỷ ruble (72,75 tỷ USD), và mục tiêu chính là hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch COVID-19. Kế hoạch này gồm gần 500 điểm nhằm duy trì cung cầu trong xã hội và khởi động lại năng lực sản xuất. Kế hoạch gồm 3 giai đoạn: ổn định tình hình đến cuối năm 2020, phục hồi từ đầu năm 2021 và chuyển sang tăng trưởng trong quý IV/2021.
Một số doanh nghiệp Trung Quốc mua đậu nành Mỹ bất chấp căng thẳng song phương
Hãng Reuters (Anh) dẫn lời 3 thương nhân Mỹ thạo tin cho biết các công ty nhà nước Trung Quốc đã mua ít nhất 180.000 tấn đậu nành của Mỹ trong ngày 1/6. Thương vụ này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Bắc Kinh và Washington liên quan tới vấn đề Hong Kong (Trung Quốc).
Thượng viện Thái Lan thông qua gói kích thích kinh tế 60 tỷ USD
Sau hai ngày thảo luận, Thượng viện Thái Lan ngày 2/6 đã thông qua gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ baht (khoảng 60 tỷ USD) để giảm thiểu những khó khăn do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra.
Gói kích thích kinh tế này bao gồm 3 sắc lệnh khẩn cấp. Sắc lệnh thứ nhất cho phép Bộ Tài chính Thái Lan vay 1.100 tỷ baht để khôi phục nền kinh tế, sắc lệnh thứ hai dành những khoản vay ưu đãi với tổng giá trị 500 tỷ baht cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Sắc lệnh thứ ba dành số tiền còn lại cho việc ổn định hệ thống tài chính và an ninh kinh tế.
New York duy trì lệnh giới nghiêm đến hết ngày 7/6
Ngày 2/6, Thị trưởng New York (Mỹ) Bill de Blasio thông báo sẽ duy trì lệnh giới nghiêm tại thành phố New York từ 8h tối đến 5h sáng đến hết ngày 7/6, đồng thời cam kết sẽ có hành động thích đáng đối với tội phạm và các băng nhóm tội phạm.
Thông báo trên được đưa ra sau khi ông de Blasio nhận chỉ trích từ Thống đốc Andrew Cuomo – người cho rằng giới chức New York không có các biện pháp hiệu quả để bảo đảm an ninh trật tự và để tiếp tục xảy ra cảnh cướp phá ở các cửa hiệu vào đêm thứ Hai 1/6, bất chấp lệnh giới nghiêm đã được ban bố tại đây.
230 nhà lãnh đạo trên thế giới viết 'tâm thư' hối thúc G20 ứng phó với dịch COVID-19
Ngày 2/6, một nhóm nhà lãnh đạo đã mãn nhiệm và đương nhiệm của nhiều nước trên thế giới đã kêu gọi Nhóm các nước phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) triệu tập Hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp để giải quyết những vấn đề xoay quanh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và đưa ra giải pháp ứng phó có sự phối hợp chặt chẽ giữa các nước. Lời kêu gọi này được đề cập trong một bức thư có chữ ký của trên 230 nhà lãnh đạo đã mãn nhiệm, các chuyên gia y tế, chuyên gia kinh tế hàng đầu thế giới.
Căng thẳng thương mại Hàn Quốc - Nhật Bản 'nóng' trở lại
Ngày 2/6, Hàn Quốc thông báo sẽ tái khởi động quy trình khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về việc Nhật Bản hạn chế xuất khẩu các vật liệu công nghiệp quan trọng sang nước này. Tuy nhiên, Bộ Thương mại Hàn Quốc cho biết họ vẫn sẵn sàng đàm phán để giải quyết cuộc tranh chấp kéo dài hàng tháng với quốc gia láng giềng này.
Australia điều tra vụ việc phóng viên bị tấn công tại Mỹ
Bộ Ngoại giao Australia ngày 2/6 cho biết nước này đang mở cuộc điều tra vụ việc hai nhà báo thuộc kênh truyền hình 7News của nước này bị cảnh sát tấn công khi đang đưa tin về vụ biểu tình bên ngoài Nhà Trắng. Theo người đứng đầu Bộ Ngoại giao Australia, hiện Đại sứ quán nước này tại Mỹ đã được giao nhiệm vụ tiến hành cuộc điều tra này, cùng với xem xét để đưa ra khiếu nại chính thức đối với phía Mỹ.
Ấn Độ cho phép sử dụng khẩn cấp thuốc Remdesivir trong điều trị bệnh nhân COVID-19
Ngày 2/6, Chính phủ Ấn Độ cho biết đã cấp phép sử dụng khẩn cấp thuốc kháng virus Remdesivir trong điều trị cho các bệnh nhân mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Cơ quan quản lý dược phẩm Ấn Độ nêu rõ: "Thuốc Remdesivir đã được phê chuẩn vào ngày 1/6 trong điều trị khẩn cấp với điều kiện sử dụng 5 liều cho bệnh nhân".
Hong Kong gia hạn lệnh cấm du khách nước ngoài
Chính quyền Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) ngày 2/6 gia hạn lệnh cấm du khách nước ngoài thêm 3 tháng cũng như biện pháp hạn chế số người tụ tập ở mức 8 người thêm 2 tuần.
Cả hai biện pháp trên đều hết hạn vào cuối tháng 6. Những du khách đến Hong Kong cần phải cách ly bắt buộc 14 ngày.
Lái xe đánh võng, phanh gấp gây nguy hiểm có thể bị phạt tới 5 năm tù
Ngày 2/6, Hạ viện Nhật Bản đã thông qua Luật giao thông sửa đổi nhằm tăng cường xử phạt đối với các hành vi chưa được luật hóa trước đây. Trong Luật giao thông mới của nước này, hành vi lái xe không an toàn được quy định là các hành vi đánh võng, phanh gấp, sử dụng còi xe bừa bãi... và bị coi là hành vi gây nguy hiểm cho người khác. Chủ phương tiện có hành vi lái xe không an toàn, được xác định gây ra tình huống nguy hiểm sẽ bị phạt tối đa 5 năm tù giam hoặc phạt tiền lên đến 1 triệu yên (9.300USD).
Hãng hàng không quốc gia Indonesia sa thải 181 phi công
Ngày 2/6, Chủ tịch Hiệp hội Phi công quốc gia Garuda (APG) Cơ trưởng Bintang Muzaini, cho biết, 181 phi công Hãng hàng không quốc gia Indonesia (Garuda Indonesia) đã bị sa thải kể từ ngày 1/6.
Thông báo về việc sa thải được Ban giám đốc Garuda Indonesia đưa ra vào lúc 23h39 đêm 29/5 là ngày cuối tuần. Đây là việc làm không đúng theo hợp đồng vì phải thông báo trước ít nhất 30 ngày hoặc có thể tới 90 ngày.
Sập cầu khiến giao thông đường sắt miền Bắc nước Nga có thể gián đoạn nhiều tháng
Công ty đường sắt quốc gia ngày 2/6 cho biết đã tạm ngừng vận chuyển hàng hóa và hành khách bằng đường sắt giữa cảng Murmansk ở phía Bắc và phần còn lại của nước Nga sau vụ sập cây cầu đường sắt duy nhất nối liền hai khu vực.
Công ty cho biết tuyến đường này là duy nhất, vì vậy lệnh cấm tạm thời áp đặt lên việc vận chuyển tất cả hàng hóa đến trung tâm vận chuyển Murmansk sau khi cây cầu hư hại.