Trung Quốc đề nghị hỗ trợ các nước châu Âu chống Covid-19; London hỗ trợ hàng trăm người vô gia cư chống dịch COVID-19; Nga hối thúc Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt Iran giữa dịch Covid-19... là những tin tức thế giới nổi bật.
Trung Quốc đề nghị hỗ trợ các nước châu Âu chống Covid-19
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 21/3 gọi điện cho lãnh đạo các nước Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Serbia đề nghị hỗ trợ trong cuộc chiến chống Covid-19. Trong cuộc gọi với lãnh đạo các nước châu Âu, ông Tập đề nghị hỗ trợ trang thiết bị y tế, cũng như chia sẻ thông tin và kinh nghiệm phòng chống dịch.
Đức là nước duy nhất trong 4 nước ông Tập gọi điện thoại chưa yêu cầu Trung Quốc hỗ trợ y tế. Trung Quốc đã gửi hàng triệu khẩu trang sang châu Âu trong thời gian gần đây, khi tình hình dịch Covid-19 ở các nước châu Âu trở nên nghiêm trọng. Các đội y tế Trung Quốc đã được cử đến Italy và Tây Ban Nha.
Ông Tập Cận Bình.
Mỹ xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho khoảng 170.000 người
Tiến sĩ Deborah Birx, Điều phối viên Nhóm đặc trách ứng phó với Covid-19 của Nhà Trắng cho biết, tỷ lệ dương tính dao động từ 9 - 11%. Tiến sĩ Birx dự báo, số lượng xét nghiệm sẽ tăng mạnh trong những
Hiện tại, việc xét nghiệm Covid-19 tại Mỹ đang được tiến hành thông qua nhiều kênh khác nhau, bao gồm các phòng thí nghiệm y tế công cộng, bệnh viện và phòng thí nghiệm thương mại. Hàng chục nghìn xét nghiệm Covid-19 đang được thực hiện mỗi ngày ở Mỹ.
Cho đến nay, Mỹ đã ghi nhận số ca mắc Covid-19 trên cả nước là 19.476, trong đó 258 người chết. Một nhân viên trong văn phòng Phó Tổng thống Mike Pence mới đây được xác nhận dương tính với SARS-CoV-2.
Tổng thống Mỹ gửi thư cho lãnh đạo Triều Tiên bàn hợp tác chống COVID
Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 22/3 đưa tin, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gửi một bức thư tới nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Bức thư có nêu chi tiết một kế hoạch nhằm tăng cường quan hệ song phương, trong bối cảnh rạn nứt kéo dài trong các cuộc đàm phán giải giáp với phía Mỹ.
Bản tin của KCNA dẫn lời em gái của ông Kim Jong-un, cô Kim Yo Jong nêu rõ: “Trong bức thư, ông Trump đã giải thích kế hoạch của mình nhằm thúc đẩy quan hệ giữa hai nước Triều Tiên và Mỹ, đồng thời bày tỏ ý định hợp tác trong công tác chống dịch bệnh".
Người trẻ tuổi cũng có nguy cơ bị nhiễm Covid-19, thậm chí tử vong
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 20/3 cho rằng, việc Trung Quốc thông báo không có ca nhiễm bệnh mới nào tại Vũ Hán đã đem lại hy vọng cho thế giới. Ông Tedros cũng gửi thông điệp đến những người trẻ tuổi rằng, dù nhóm người cao tuổi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19, nhưng SARS-CoV-2 cũng có thể khiến các thanh niên có nguy cơ bị nhiễm bệnh và thậm chí tử vong.
Bà Maria Van Kerkhove, chuyên gia về các bệnh dịch mới của WHO cho biết, mọi người cần thiết phải giữ khoảng cách nhưng không cần phải tự cô lập về mặt xã hội, chúng ta có thể giữ kết nối theo nhiều cách mà không cần ở chung trong một không gian, điều quan trọng là phải duy trì sức khỏe và giữ tinh thần tốt.
Quốc hội Pháp phê chuẩn dự luật thiết lập tình trạng y tế khẩn cấp
Quốc hội Pháp ngày 21/3 đã thông qua dự luật chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) gây ra, cho phép thiết lập tình trạng y tế khẩn cấp. Dự luật này sẽ cho phép chính phủ hạn chế tối đa các quyền tự do công dân, thông qua lệnh phong tỏa, giới nghiêm, trưng dụng tài sản… và có thời hạn hai tháng, với mục đích duy nhất là chấm dứt thảm họa y tế.
Dự kiến ngày 22/3 sẽ diễn ra cuộc thảo luận giữa Quốc hội và Thượng viện nhằm tìm kiếm một thỏa hiệp, vì dự luật trên mang lại một "quyền lực khổng lồ" cho chính phủ.
Hàng nghìn binh sĩ Mỹ tại châu Âu phải cách ly
khoảng 2.600 quân nhân Mỹ, bao gồm cả các nhân viên quốc phòng đồn trú tại châu Âu, hiện tự cách ly sau khi được xác định là “những đối tượng có thể bị phơi nhiễm” Covid-19.
Bộ Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh, con số nêu trên cao hơn những số liệu đã ghi nhận trước đó; đồng thời nêu rõ, số người tự cách ly gồm cả những cá nhân có thể đã được xét nghiệm, mà không cho kết quả dương tính. Hiện, tổng số người dương tính với Covid-19 trong số những quân nhân Mỹ đang tự cách ly là 35 người.
London hỗ trợ hàng trăm người vô gia cư chống dịch COVID-19
Ngày 21/3 thị trưởng thành phố London (Anh) Sadiq Khan cho biết hàng trăm người vô gia cư tại thành phố đã được đưa vào một số khách sạn để tự cách ly và bảo vệ họ trước nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Hiện thành phố đã chuẩn bị khoảng 300 phòng thuộc 2 khách sạn trong nội đô để làm nơi ở cho những người vô gia cư này ở trong vòng 12 tuần tới.
Nga hối thúc Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt Iran giữa dịch Covid-19
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Ryabkov ngày 21/3 kêu gọi Mỹ dỡ bỏ trừng phạt nhằm vào Iran khi nước này đang phải đối mặt với dịch Covid-19. Tuyên bố của Nga nêu rõ, các biện pháp trừng phạt của Mỹ là “không có nhân đạo”, khi Iran đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng để giải quyết các vấn đề y tế khẩn cấp.
Theo số liệu mới nhất từ Bộ Y tế Iran, số người tử vong do Covid-19 tại nước này đã tăng lên 1.556 người, với số người nhiễm bệnh hiện đã vượt quá 20.000 người. Người phát ngôn Bộ Y tế Iran cũng cảnh báo các trường hợp nhiễm mới sẽ tăng nhanh, nếu người dân không hạn chế đi lại trong 2 tuần nghỉ Tết Ba Tư tại quốc gia Hồi giáo này.
Mỹ không phát hiện tàu ngầm Nga đi qua bờ biển
Đại tá hải quân Vasily Tankovid, cựu chỉ huy tàu ngầm hạt nhân Alexander Nevsky, hôm 19/3 tiết lộ, tàu ngầm Alexander Nevsky đi qua eo biển Bering - nơi có thể quan sát bờ biển Mỹ bằng mắt thường - năm 2015 nhưng hải quân Mỹ không thể phát hiện và theo dõi hành trình. "Tính năng tàu ngầm và những động tác cơ động đặc biệt khiến nỗ lực theo dõi của Mỹ hoàn toàn thất bại...”, đại tá Tankovid nói.
Đây không phải lần đầu tàu ngầm Nga di chuyển gần bờ biển Mỹ mà không bị phát hiện. Một sĩ quan Nga năm 2018 cho biết tàu ngầm tấn công Đề án 971 Shchuka-B của ông từng qua mặt nhiều hệ thống cảnh giới để áp sát căn cứ quân sự Mỹ. Trong một diễn biến khác, Phó đô đốc Andrew Lewis, tư lệnh Hạm đội 2 hải quân Mỹ, cho rằng bờ biển nước này không còn là nơi an toàn bởi các tàu ngầm hiện đại của Nga.
Mỹ thử phương tiện lướt siêu vượt âm
"Phương tiện Lướt Siêu vượt âm Chung (C-HGB) được phóng từ bãi thử tên lửa Thái Bình Dương ở Hawaii lúc 22h30 ngày 19/3. Đầu đạn đạt tốc độ siêu vượt âm và lao xuống khu vực mục tiêu định sẵn. Thông tin thu được từ cuộc thử nghiệm sẽ hỗ trợ quá trình phát triển công nghệ siêu vượt âm", hải quân Mỹ ngày 20/3 ra thông cáo cho hay.
Đây là bước tiến đáng kể trong chương trình vũ khí siêu vượt âm, vốn được Mỹ thừa nhận là tụt hậu so với những đối thủ như Nga, Trung Quốc. "Lầu Năm Góc đang phối hợp với ngành công nghiệp quốc phòng và các cơ sở nghiên cứu nhằm mục tiêu triển khai vũ khí siêu vượt âm từ giữa thập niên 2020", thông cáo viết. Vũ khí siêu vượt âm có tốc độ khoảng 6.000-12.000 km/h, có tầm bắn và khả năng cơ động cao hơn so với tên lửa đạn đạo, giúp nó có thể xuyên thủng lớp phòng thủ tên lửa của đối phương.