Cựu Bộ trưởng Tài chính Anh dẫn đầu trong vòng bỏ phiếu thứ nhất; Eurozone đối mặt với nguy cơ suy thoái ngày càng cao; Sắp ra mắt phiên bản vaccine COVID-19 chống được hai biến thể… là tin tức thế giới đáng chú ý.
Cựu Bộ trưởng Tài chính Anh dẫn đầu trong vòng bỏ phiếu thứ nhất
Cựu Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak đã giành được số phiếu cao nhất trong vòng bỏ phiếu đầu tiên nhằm tìm ra người kế nhiệm ông Boris Johnson làm lãnh đạo đảng Bảo thủ và Thủ tướng Anh, trong khi 2 ứng cử viên khác bị loại.
Trong vòng bỏ phiếu đầu tiên, ông Sunak đã giành được 88 phiếu bầu, dẫn trước bà Penny Mordaunt - Quốc vụ khanh phụ trách Chính sách thương mại thuộc Bộ Thương mại Anh (67 phiếu) và Ngoại trưởng Liz Truss (50 phiếu). Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Nadhim Zahawi và cựu Bộ trưởng Nội các Jeremy Hunt đã bị loại khỏi cuộc đua. Theo kế hoạch, vòng bỏ phiếu thứ 2 sẽ diễn ra vào ngày 14/7.
Mỹ khẳng định ủng hộ giải pháp 'Hai nhà nước' trong vấn đề Israel và Palestine
Ngày 13/7, ngay sau khi đặt chân tới Israel bắt đầu chuyến thăm chính thức Trung Đông, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định các bên sẽ thảo luận về sự ủng hộ của ông đối với giải pháp “hai nhà nước” trong cuộc xung đột giữa Israel và Palestine.
Thủ tướng Sri Lanka yêu cầu lực lượng an ninh khôi phục trật tự
Ngày 13/7, Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe đã chỉ thị cho quân đội và cảnh sát nỗ lực khôi phục trật tự. Trước đó cùng ngày, ông Wickremesinghe đã ban bố tình trạng khẩn cấp.
Trong tuyên bố trên truyền hình sau khi người biểu tình xông vào Văn phòng Thủ tướng, nhà lãnh đạo này cho rằng những người biểu tình muốn ngăn ông thực hiện chức trách của tổng thống tạm quyền.
Khai mạc Đại hội toàn quốc lần thứ 15 của Đảng Cộng sản Nam Phi
Ngày 13/7, Đại hội toàn quốc lần thứ 15 của Đảng Cộng sản Nam Phi (SACP) đã khai mạc tại thị trấn Boksburg, nằm ở phía Đông thành phố Johannesburg.
Tổng Bí thư Nzimande cho biết ông mong muốn Đại hội “diễn ra mạnh mẽ nhưng là sự tập hợp thống nhất của các tổ chức đảng cơ sở”. Ông cho biết: “Chương trình mới được đề xuất sẽ được thông qua tại Đại hội lần này sẽ là về cuộc đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội ở Nam Phi, với động lực là xây dựng một phong trào xã hội chủ nghĩa Nam Phi hùng mạnh - bao gồm công nhân và người nghèo”.
Iran bày tỏ lập trường về đàm phán hạt nhân
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani ngày 13/7 tuyên bố lập trường của nước Cộng hòa Hồi giáo đối với các cuộc đàm phán nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân năm 2015 là khá rõ ràng và Tehran sẽ duy trì cam kết đối với tiến trình đàm phán nhằm giải tỏa những khác biệt giữa các bên.
Nguy cơ liên minh cầm quyền tại Italy tan rã
Chính phủ của Thủ tướng Italy Mario Draghi đang đối mặt với nguy cơ tan rã nếu đảng Phong trào 5 sao (M5S) quyết định rút khỏi liên minh cầm quyền, làm tăng khả năng diễn ra bầu cử sớm tại nước này.
Trong khi đó, một nguồn tin trong đảng Dân chủ trung tả (PD) của Italy cho biết đảng này không muốn thành lập chính phủ mới mà không có sự tham gia của M5S, nếu M5S quyết định rời khỏi liên minh của Thủ tướng Draghi.
IMF: Triển vọng kinh tế toàn cầu ngày càng u ám
Ngày 13/7, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đánh giá triển vọng kinh tế toàn cầu thời gian qua đã xấu đi đáng kể và có thể sẽ còn tiếp tục u ám hơn, do ảnh hưởng của cuộc xung đột tại Ukraine và lạm phát tăng nhanh, gây nguy cơ đói nghèo lan rộng.
Cảnh báo trên được đưa ra chỉ vài tháng sau khi IMF hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu trong các năm 2022 và 2023.
Eurozone đối mặt với nguy cơ suy thoái ngày càng cao
Bloomberg dẫn kết quả thăm dò đối với các nhà kinh tế và công bố ngày 13/7 cho hay nguy cơ suy thoái tại khu vực Eurozone ngày càng hiển hiện, trong bối cảnh thiết hụt nguồn cung khí đốt tự nhiên và lạm phát tại một số nước thành viên đang ở mức cao kỷ lục. Đây được cho là hai nhân tố chính khiến Eurozone có thể rơi vào suy thoái.
Gazprom không đảm bảo Dòng chảy phương Bắc 1 vận hành suôn sẻ
Ngày 13/7, Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga cho biết không thể đảm bảo hệ thống đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 sang Liên minh châu Âu (EU) sẽ vận hành tốt và không biết liệu Canada có trả lại tua-bin khí được gửi đến nước này để sửa chữa hay không.
Dòng khí đốt của Nga tới châu Âu vẫn ổn định
Các dòng khí đốt của Nga vào Slovakia từ Ukraine qua điểm biên giới Velke Kapusany vẫn ổn định vào ngày 13/7, trong khi dòng chảy qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) vẫn bị đóng do bảo trì.
Dữ liệu từ nhà điều hành hệ thống truyền dẫn Ukraine cho thấy, lượng khí đốt ở mức 36,9 triệu m3 mỗi ngày, không thay đổi so với ngày hôm trước.
Indonesia sẽ tăng sản lượng than để lấp đầy khoảng trống từ Nga
Ngày 13/7, Bộ trưởng Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản Indonesia Arifin Tasrif cho biết quốc gia này - nhà xuất khẩu than nhiệt lớn nhất thế giới - sẽ có thể tăng sản lượng để giúp đáp ứng nhu cầu từ các nước mất nguồn cung từ Nga.
Phát biểu bên lề Diễn đàn Năng lượng Sydney do Chính phủ Australia và Cơ quan Năng lượng Quốc tế tổ chức, ông Tasrif cho hay một số quốc gia đã đề nghị Indonesia cung cấp than sau khi Nga chịu các lệnh trừng phạt liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine.
Đức tăng cường tích trữ máy sưởi điện đề phòng không khí đốt vào mùa Đông
Tại Đức, trước viễn cảnh thiếu khí đốt vào mùa Đông tới, nhu cầu về các thiết bị sưởi ấm đang tăng cao, đặc biệt là về bộ tản nhiệt dầu và lò sưởi điện.
Theo hãng tin n-tv của Đức, cửa hàng trực tuyến nổi tiếng OTTO ở Đức đã chứng kiến nhu cầu về máy sưởi điện tăng chóng mặt trong những tuần gần đây. Cửa hàng bán lẻ đồ điện nổi tiếng Saturn cũng thông báo về sự gia tăng sự quan tâm của người tiêu dùng Đức đối với những thiết bị này.
Ngân hàng trung ương Canada tăng lãi suất mạnh nhất kể từ năm 1998
Ngân hàng trung ương Canada (BoC) ngày 13/7 đã quyết định tăng lãi suất chủ chốt thêm một điểm phần trăm, ghi dấu đợt tăng lãi suất mạnh nhất kể từ năm 1998.
Hội đồng quản trị BoC đã bỏ phiếu nhất trí tăng lãi suất chủ chốt từ mức 1,5% lên 2,5%. Đây là lần tăng lãi suất thứ 4 liên tiếp kể từ tháng 3/2022, đưa BoC vượt lên so với các ngân hàng trung ương khác (ở các nền kinh tế tương đồng) trên lộ trình áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt khi phải đối mặt với cú sốc lạm phát lớn nhất trong một thế hệ.
Thái Lan gia hạn giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dầu diesel
Chính phủ Thái Lan ngày 12/7 đã nhất trí gia hạn giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dầu diesel ở mức 5 baht/lít (14 xu Mỹ/lít) thêm hai tháng (từ ngày 21/7 - 20/9) để giảm thiểu tác động của việc giá năng lượng tăng cao.
Các cựu lãnh đạo TEPCO bị yêu cầu bồi thường 95 tỉ USD liên quan thảm họa hạt nhân Fukushima
Ngày 13/7, Tòa án Tokyo phán quyết các cựu lãnh đạo của Công ty điện lực Tokyo (TEPCO) phải trả cho công ty này khoảng 13.000 tỉ yen (95 tỉ USD) bồi thưởng toàn bộ thiệt hại do không ngăn chặn được cuộc khủng hoảng năm 2011 tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1.
Phán quyết trên có lợi cho các cổ đông của TEPCO đệ đơn kiện năm 2012 và là phán quyết đầu tiên tuyên các cựu lãnh đạo TEPCO chịu trách nhiệm bồi thường, sau khi nhà máy điện hạt nhân ở Đông Bắc Nhật Bản gây ra 1 trong những thảm họa hạt nhân nghiêm trọng nhất trong lịch sử do trận động đất và sóng thần lớn hồi tháng 3/2011.
Mỹ và Israel thành lập cơ chế đối thoại chiến lược về công nghệ cao
Ngay trước khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Israel bắt đầu chuyến thăm chính thức Trung Đông, ngày 13/7, hai bên đã ra tuyên bố chung thành lập Cơ chế Đối thoại chiến lược về công nghệ cao giữa hai nước.
Burkina Faso tiêu diệt nhiều phần tử khủng bố
Quân đội Burkina Faso ngày 13/7 thông báo đã vô hiệu hóa ít nhất 17 phần tử khủng bố trong chiến dịch ngăn chặn hành động tấn công của các đối tượng có vũ trang nhằm vào binh sĩ và dân thường tại xã Barsalogho ở tỉnh Sanmatenga, thuộc khu vực trung tâm phía Bắc của quốc gia châu Phi này.
Campuchia tiếp tục thu giữ lượng lớn ma túy
Ngày 13/7, nhật báo Khmer Times đưa tin Cục Phòng chống tội phạm ma túy thuộc Bộ Nội vụ Campuchia tiếp tục triệt phá tổ chức sản xuất ma túy quy mô lớn, thu giữ số lượng ma túy rất lớn lên đến gần 1,9 tấn ma túy và hơn 276 tấn tiền chất ma túy.
Hai người thiệt mạng trong vụ trực thăng cứu hỏa rơi ngoài khơi Hy Lạp
Đài phát thanh và truyền hình quốc gia ERT của Hy Lạp đưa tin 2 nạn nhân đã thiệt mạng và 2 người khác được cứu sống sau khi một chiếc trực thăng rơi ở ngoài khơi đảo Samos của nước này trên Biển Aegea hôm 13/7 trong lúc thực hiện nhiệm vụ dập tắt một đám cháy rừng.
Sắp ra mắt phiên bản vaccine COVID-19 chống được hai biến thể
Reuters dẫn lời ông Pierre Delsaux, Giám đốc Cơ quan ứng phó và chuẩn bị khẩn cấp y tế của châu Âu - phát biểu tại Nghị viện Châu Âu ngày 13/7 cho hay hai hãng dược phẩm là Moderna và liên doanh BioNTech-Pfizer đang phát triển vaccine mới dựa trên sự kết hợp giữa chủng virus SARS-CoV-2 gốc ở Vũ Hán (Trung Quốc) và một biến thể phụ của Omicron.
Được gọi là vaccine lưỡng trị, các phiên bản mới dự kiến được đưa vào sử dụng trong một chiến dịch tiêm chủng vào mùa Thu năm nay.
Mỹ cảnh báo thực trạng kháng thuốc kháng sinh gia tăng trong đại dịch
Theo Reuters, sau nhiều năm giảm, năm 2020 chứng kiến tỷ lệ tăng 15% số ca nhập viện và tử vong do nhiễm siêu khuẩn. Tiến sĩ Arjun Srinivasan, chuyên gia thuộc Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) Mỹ, gọi đây là “một tình trạng đảo ngược đáng kinh ngạc”.
Quan chức CDC chỉ ra có một vài nguyên nhân gây ra tình trạng gia tăng các ca nhiễm khuẩn, trong đó có cách thức điều trị COVID-19 khi dịch mới bùng phát vào đầu năm 2020.
PAHO: Các dòng phụ của Omicron làm gia tăng số ca COVID-19 ở châu Mỹ
Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) ngày 13/7 cảnh báo số ca mắc mới COVID-19 ở châu Mỹ do các dòng phụ BA.4 và BA.5 của biến thể Omicron đang có chiều hướng gia tăng, mặc dù tổng số ca bệnh mới trên toàn châu lục đang giảm đi.
Phát biểu tại một buổi họp báo, Giám đốc PAHO Carissa Etienne cho rằng các quốc gia trên toàn châu lục cần phải hết sức cảnh giác trước tình trạng lây lan của các dòng phụ BA.4 và BA.5, bởi đây là những biến thể xuất hiện nhiều nhất ở Mỹ và một số nước khác trong những tuần qua.
Trung Quốc dừng xét nghiệm COVID-19 với một số mặt hàng nhập khẩu
Ủy ban y tế quốc gia (NHC) Trung Quốc ngày 13/7 cho biết nước này sẽ dừng xét nghiệm kiểm dịch COVID-19 đối với một số mặt hàng nhập khẩu.
Theo quy định mới được NHC công bố, các mặt hàng không cần bảo quản lạnh gồm than, quặng khoáng sản, thực phẩm và thức ăn chăn nuôi giờ đây có thể nhập cảnh Trung Quốc mà không phải xét nghiệm sàng lọc COVID-19, mặc dù những mặt hàng có nguy cơ cao vẫn phải được khử trùng.
Peru cho phép các tổ chức tư nhân mua vaccine ngừa COVID-19
Ngày 12/7, Bộ Y tế Peru cho biết chính phủ nước này đã quyết định cho phép các tổ chức tư nhân và chính quyền địa phương mua vaccine ngừa COVID-19, trong khuôn khổ chiến lược đảm bảo khả năng tiếp cận kịp thời với các chương tình tiêm chủng cho người dân.
Malaysia cân nhắc tái áp đặt quy định phòng dịch COVID-19
Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trở lại, Bộ Y tế Malaysia đang cân nhắc khả năng tái áp đặt quy định giãn cách xã hội, hay còn gọi là Quy trình Vận hành tiêu chuẩn (SOP), trong đó có yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang trong không gian kín.
Bồ Đào Nha khuyến nghị tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ cho người tiếp xúc gần
Ngày 13/7, Cơ quan y tế quốc gia Bồ Đào Nha (DGS) đã khuyến nghị tiêm vaccine phòng đậu mùa khỉ cho những người tiếp xúc gần với các ca mắc.
Theo quy định, việc tiêm phòng cần được tiến hành trong vòng 4 ngày đầu tiên kể từ khi tiếp xúc với các ca mắc và giai đoạn này có thể kéo dài tới 14 ngày nếu vẫn không có triệu chứng nhiễm bệnh.
Tây Ban Nha báo động nguy cơ nắng nóng diện rộng
Ngày 13/7, Chính phủ Tây Ban Nha đã cảnh báo do nhiệt độ tăng mạnh tại nhiều khu vực. Dự báo, nhiệt độ tại một số khu vực ở Tây Ban Nha, vốn đã chứng kiến đợt nắng nóng thứ nhất từ cuối tuần trước, sẽ lên tới 44 độ C. Đợt nắng nóng này được dự báo sẽ kéo dài đến ngày 17/7.
Xe khách lao xuống vực tại Pakistan, ít nhất 10 người tử vong
Ngày 12/7, truyền thông và giới chức địa phương của Pakistan cho biết có ít nhất 10 người thiệt mạng và 6 người khác bị thương khi một chiếc xe khách cỡ nhỏ lao xuống vực ở tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, Tây Bắc nước này.