Pháp đưa loạt biện pháp mạnh mẽ chống Covid-19; EU kéo dài trừng phạt đối với các công dân Nga; Mỹ không kích dân quân do Iran hậu thuẫn... là những tin tức thế giới nổi bật.
Bệnh nhân mắc Covid-19 đầu tiên tại Trung Quốc được ghi nhận từ ngày 17/11/2019
Theo dữ liệu của chính phủ Trung Quốc, một phụ nữ 55 tuổi ở Hồ Bắc có thể là người đầu tiên mắc Covid-19 vào ngày 17/11/2019. Kể từ đó, mỗi ngày Trung Quốc phát hiện thêm từ 1-5 ca nhiễm mới. Cũng theo dữ liệu này, trong số 9 bệnh nhân ghi nhận vào tháng 11, không có người nào được xác định là "bệnh nhân số 0", do vậy giới khoa học cho rằng, dịch có thể đã khởi phát từ sớm hơn. Việc tìm ra "bệnh nhân số 0" có ý nghĩa quan trọng để xác định virus đã lây truyền sang người như thế nào.
Theo thông tin trên trang chủ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ca bệnh Covid-19 đầu tiên ở Trung Quốc được xác định vào ngày 8/12. Tuy nhiên, WHO không tự theo dõi, thu thập số liệu mà dựa vào thông tin do giới chức Trung Quốc cung cấp. Trong khi đó, báo cáo của các bác sĩ thuộc Bệnh viện Jinyintan ở Vũ Hán - những người điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 đầu tiên - trên tạp chí y khoa uy tín The Lancet cho rằng ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên tại nước này được phát hiện vào 1/12/2019.
Kiểm tra đồ bảo hộ của đồng nghiệp trước khi vào Trung tâm chăm sóc cuộc sống của Kirkland, một cơ sở chăm sóc dài hạn liên quan đến một số trường hợp coronavirus đã được xác nhận, tại Kirkland, Washington, Hoa Kỳ.
Pháp đưa loạt biện pháp mạnh mẽ chống Covid-19
Trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra đang diễn biến ngày càng phức tạp, các nước châu Âu đã triển khai nhiều biện pháp đối phó mạnh mẽ. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tối 12/3 tuyên bố đóng cửa tất cả các cơ sở giáo dục từ ngày 16/3 cho đến khi có thông báo mới. Pháp đã xác nhận 2.876 ca nhiễm bệnh và 61 trường hợp tử vong.
Tây Ban Nha phong tỏa tâm dịch vùng Catalonia ngăn Covid-19
Chính quyền vùng Catalonia thuộc Tây Ban Nha đã quyết định phong tỏa 4 thị trấn tại vùng này, bao gồm Igualada, Vilanova del Cami, Santa Margarida Montbui và Odena, với số dân gần 70.000 người để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19. Toàn bộ cư dân trong các thị trấn này sẽ không được phép di chuyển ra ngoài khu vực phong tỏa. Bên cạnh đó, người bên ngoài cũng bị cấm đi vào khu vực phong tỏa. Chính quyền Catalonia chỉ cho phép những người không cư trú tại khu vực này rời đi trong vòng 3 giờ đồng hồ.
Đây là lần đầu tiên lệnh phong tỏa được áp dụng tại Tây Ban Nha kể từ khi dịch Covid- 19 bùng phát tại nước này.
Quốc hội Canada thông qua cơ sở pháp lý để phê chuẩn NAFTA 2.0
Ngày 13/3, lãnh đạo chính phủ tại Hạ viện Canada Pablo Rodriguez cho biết các hạ nghị sỹ nước này đã thông qua cơ sở pháp lý để phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ phiên bản mới (NAFTA 2.0), mà Mỹ gọi là Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA). Ngay sau đó, Thượng viện Canada đã có bước đi tương tự.
Hiệp định này bao trùm một thị trường 500 triệu dân, với giá trị trao đổi thương mại giữa 3 nước thành viên đạt hơn 1.100 tỷ USD trong năm 2018. Hiện NAFTA 2.0 cần được Toàn quyền Canada Julie Payette phê chuẩn để có hiệu lực.
Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh Hạ viện Canada sẽ tạm ngừng hoạt động tới ngày 20/4 tới, trong khuôn khổ của những nỗ lực nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do SARS-CoV-2 gây ra.
EU kéo dài trừng phạt đối với các công dân Nga
Ngày 13/3, trong tuyên bố của Hội đồng Châu Âu tại Brussels đã nêu, Liên minh Châu Âu (EU) chính thức gia hạn 6 tháng các lệnh trừng phạt cá nhân đối với các công dân Nga, tức là tiếp tục kéo dài từ ngày 15/3 đến 15/9/2020. Tuyên bố của Hội đồng EU cũng nhấn mạnh rằng, những biện pháp hạn chế này không chỉ đóng băng tài chính mà còn cấm cung cấp các nguồn lực kinh tế khác cho những người được liệt kê trong danh sách. Hiện tại hạn chế được áp dụng đối với 175 cá nhân và 44 pháp nhân, sau khi loại khỏi danh sách hai người đã chết.
Thông báo này của Hội đồng EU sau khi được công bố trên tạp chí chính thức trong ngày 13/3, có hiệu lực sau một ngày, tức là vào ngày 14/3.
Mỹ không kích dân quân do Iran hậu thuẫn
Lầu Năm Góc xác nhận không kích 5 mục tiêu của dân quân thân Iran, đáp trả vụ phóng rocket làm 3 binh sĩ Mỹ và Anh thiệt mạng. Quân đội Mỹ cho biết cuộc tấn công được thực hiện bởi máy bay có người lái, khẳng định hàng động này mang tính tự vệ, tương xứng và là "phản ứng trực tiếp với mối đe dọa từ các nhóm dân quân do Iran hậu thuẫn". Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tuyên bố Washington sẵn sàng tiếp tục đáp trả nếu cần thiết nhằm bảo vệ lực lượng ở Iraq và khu vực Trung Đông.
Hiện chưa có ước tính về số thương vong dưới mặt đất, nhưng Bộ Quốc phòng Iraq thông báo 4 trong 5 mục tiêu là vị trí của quân đội, cảnh sát và lực lượng bán vũ trang ở thủ đô Baghdad và thành phố Najab. Không có dấu hiệu cho thấy Mỹ nhằm vào các chỉ huy cao cấp của dân quân Iraq hay lực lượng Iran như vụ hạ sát tướng Qassem Soleimani hồi tháng 1.
Điện Kremlin giải thích vì sao ông Putin đồng ý "xóa" nhiệm kỳ tổng thống
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 12/3 cho hay, nguyên tắc hạn chế số nhiệm kỳ của tổng thống vẫn được duy trì trong Hiến pháp và "việc miễn trừ cho tổng thống đương nhiệm chỉ mang tính sự vụ, chỉ liên quan đến tổng thống đương nhiệm…". Theo ông Peskov, vì vậy, Tổng thống Putin đã thay đổi lập trường liên quan đến việc giới hạn nhiệm kỳ của tổng thống, dù ông luôn nhấn mạnh tôn trọng quy tắc này.
Với câu hỏi có đúng là ông Putin đã thay đổi quan điểm của mình vì tình hình bên ngoài hay không, ông Peskov trả lời: "Đương nhiên, đây là một trong những yếu tố quan trọng. Chính ông Putin đã nói điều này trong bài phát biểu của mình". Trước đó, hôm 10/3, Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga đã thông qua sửa đổi do một nghị sĩ Đảng “Nước Nga Thống nhất" đề xuất, theo đó bãi bỏ hạn chế nhiệm kỳ đối với Tổng thống Putin và nhà lãnh đạo Nga đã nói rằng ông ủng hộ sửa đổi như vậy.