Giới chuyên gia Mỹ kêu gọi chính quyền mở cửa kho dự trữ vaccine cho thế giới; Nghiên cứu các tác dụng phụ của vaccine công nghệ mRNA của vaccine Pfizer và Moderna… là tin tức thế giới đáng chú ý.
Giới chuyên gia Mỹ kêu gọi chính quyền mở cửa kho dự trữ vaccine cho thế giới
Trên 175 chuyên gia y tế công cộng và các nhà khoa học hàng đầu cũng như nhà hoạt động xã hội của Mỹ đã lên tiếng kêu gọi chính quyền Tổng thống Joe Biden có các bước đi khẩn cấp để cùng thế giới đương đầu với đại dịch COVID-19, trong đó có việc lập tức xuất khẩu lượng vaccine mà nước này đang lưu trữ.
Các nhà khoa học cảnh báo tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện các biến thể mới, một số biến thể có thể kháng lại các loại vaccine hiện có và đe dọa các thành tựu mà các nước đã đạt được trong gần hai năm qua. Họ nhấn mạnh "hiện là thời điểm mà các nhà lãnh đạo đầy tham vọng tiến hành tiêm chủng cho toàn thế giới".
Nghiên cứu các tác dụng phụ của vaccine công nghệ mRNA
Ngày 11/8, Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) thông báo đã bắt đầu nghiên cứu 3 điều kiện mới để đánh giá liệu có thể có các tác dụng phụ liên quan đến vaccine ngừa COVID-19 theo công nghệ mRNA của hai hãng dược phẩm Mỹ là Pfizer và Moderna hay không.
Cụ thể, Ủy ban an toàn của EMA đang nghiên cứu một dạng phản ứng phát ban đỏ trên da, các triệu chứng viêm cầu thận và suy thận cũng như các rối loạn liên quan đến thận sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Italy đẩy nhanh việc tiêm chủng cho trẻ 12-18 tuổ
Ngày 11/8, ông Francesco Figliuolo, quan chức phụ trách chiến dịch phòng chống COVID-19 của Italy, đã viết thư gửi người đứng đầu các chính quyền địa phương yêu cầu họ cho phép trẻ từ 12 đến 18 tuổi được tiêm vaccine phòng COVID-19 mà không cần đặt hẹn trước kể từ ngày 16/8.
Chính phủ Italy đang mong muốn tiêm vaccine cho càng nhiều trẻ em trong độ tuổi này càng tốt trước khi năm học mới được khai giảng vào tháng 9 tới.
Pháp áp dụng các biện pháp cứng rắn để kiểm soát dịch COVID-19
Người phát ngôn của Chính phủ Pháp Gabriel Attal ngày 11/8 thông báo nước này sẽ áp dụng một số biện pháp kiểm soát dịch COVID-19 cứng rắn hơn trong bối số ca mắc mới đang “giả đi ngang” và không có dấu hiệu lắng xuống, trong đó có yêu cầu tất cả khách du lịch đến từ các quốc gia có nguy cơ phải được kiểm soát bằng các xét nghiệm kháng nguyên nhằm ngăn chặn tối đa sự lây nhiễm vào lãnh thổ nước này.
Ngoài ra, người đứng đầu địa phương hoặc người quản lý cơ sở kinh doanh cũng có quyền quyết định việc đeo khẩu trang tại những vùng có tỷ lệ mắc cao này, nhất là tại các rạp chiếu phim, nhà hàng và hộp đêm.
Bỉ bắt đầu áp dụng hộ chiếu vaccine cho các hoạt động tập trung đông người
Được áp dụng thử nghiệm từ đầu mùa Hè cho các chuyến du lịch, “chứng chỉ xanh” về COVID-19 hay hộ chiếu vaccine sẽ chính thức có hiệu lực tại Bỉ từ ngày 13/8 đối với các sự kiện tập trung đông người, đặc biệt tại các sân vận động và các lễ hội diễn ra vào cuối tuần này.
Trung Quốc phê chuẩn thử nghiệm đầu tiên tiêm kết hợp vaccine
Cơ quan quản lý dược phẩm Trung Quốc đã phê chuẩn thử nghiệm tiêm kết hợp vaccine đầu tiên giữa vaccine “bất hoạt” của hãng dược Sinovac nước này với vaccine được sản xuất dựa trên ADN do hãng dược Inovio của Mỹ bào chế.
Thử nghiệm này sẽ kiểm tra tính hiệu quả của việc kết hợp hai loại vaccine này trong phòng chống COVID-19, nhất là trong bối cảnh biến thể Delta lây lan nhanh đang làm gia tăng lo ngại về tính hiệu quả của các loại vaccine.
Tăng tốc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 ở Manila, Philippines
Các trung tâm tiêm chủng ngừa COVID-19 trên toàn thủ đô Manila của Philippines đang tăng tốc tiến độ tiêm chủng, trong đó có cả mở cửa hoạt động 24/24, nhằm ngăn chặn số ca mắcCOVID-19 đang gia tăng do biến thể Delta gây ra.
Chưa tới 20% dân số Mỹ Latinh được tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19
Giám đốc Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) Carissa Etienne ngày 11/8 cảnh báo, số dân Mỹ Latinh được tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 chưa đạt tới 20%, thậm chí trong một số trường hợp tỷ lệ này còn thấp hơn 5%.
Phát biểu trong một buổi họp báo thường kỳ của tổ chức y tế khu vực, quan chức PAHO đánh giá rằng sự chênh lệch này giữa những người được tiêm vaccine và những người không thể tiếp cận vaccine là “không thể chấp nhận được”.
Ấn Độ lo ngại người bình phục sau COVID-19 mắc bệnh tiểu đường
Hiện nay, nhiều bác sĩ lo ngại nhiều bệnh nhân hồi phục từ COVID-19 có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Ấn Độ đang xếp thứ hai thế giới về số ca mắc COVID-19 với 32 triệu người.
Một nghiên cứu với 555 người mắc COVID-19 tại hai bệnh viện ở Delhi và Chennai cho thấy những người khỏi COVID-19 mắc bệnh tiểu đường có lượng đường trong máu cao hơn cả những bệnh nhân tiểu đường mắc COVID-19.
Cảnh báo cuộc chiến chống dịch tại Nhật Bản bước vào giai đoạn nguy hiểm
Sức ép của đại dịch COVID-19 đối với hệ thống y tế tại Tokyo và các khu đô thị khác của Nhật Bản đang tiến đến giai đoạn nguy cấp. Đây là cảnh báo của hội đồng chuyên gia thuộc Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đưa ra tại cuộc họp của chính phủ ngày 11/8 trong bối cảnh số ca mắc mới tại Nhật Bản tăng lên mức cao mới do biến thể Delta lây lan mạnh.
Cảnh báo nguy cơ Hàn Quốc mất kiểm soát làn sóng lây nhiễm thứ 4
Đại dịch COVID-19 nguy cơ vượt tầm kiểm soát ở Hàn Quốc khi số ca nhiễm mới trong ngày lần đầu tiên vượt 2.000 ca vào ngày 11/8. Các chuyên gia y tế sở tại cũng đưa ra cảnh báo làn sóng lây nhiễm thứ 4 hiện nay dường như đang khó kiềm chế hơn những làn sóng trước đây và thậm chí vẫn chưa đạt đỉnh dịch.
Campuchia kéo dài lệnh giới nghiêm và hạn chế tại thủ đô
Chiều 11/8, chính quyền thủ đô Phnom Penh thông báo gia hạn lệnh giới nghiêm toàn thành phố và một số biện pháp hành chính, hạn chế trên địa bàn thủ đô để phòng chống dịch COVID-19.
Nội dung thông báo của chính quyền thành phố Phnom Penh nêu rõ: “Các đối tượng, hoạt động nghề nghiệp hoặc kinh doanh tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch cao sẽ tạm thời bị đình chỉ trong 14 ngày kể từ 0h ngày 13/8 đến ngày 26/8”.
Tổng thống Nam Phi lần thứ hai đưa ra lời khai tại ủy ban điều tra tham nhũng
Ngày 11/8, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tiếp tục cung cấp lời khai tại ủy ban điều tra tham nhũng trong 9 năm cầm quyền của người tiền nhiệm Jacob Zuma, một tháng sau khi vị cựu tổng thống này bị bỏ tù vì từ chối cung cấp bằng chứng cho chính cuộc điều tra.
Anh xác nhận công dân bị bắt tại Đức do nghi hoạt động gián điệp
Ngày 11/8, cảnh sát Anh xác nhận một công dân nước này đã bị nhà chức trách Đức bắt giữ do tình nghi phạm tội liên quan đến "hoạt động tình báo". Theo cảnh sát Anh, nam đối tượng này 57 tuổi.
Mỹ hối thúc OPEC+ tăng sản lượng dầu để hỗ trợ đà phục hồi kinh tế
Ngày 11/8, giới chức Mỹ hối thúc nhóm Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đối tác, còn gọi là OPEC+, tăng sản lượng dầu nhằm đối phó với giá dầu đang tăng đe dọa đến sự phục hồi kinh tế toàn cầu.
Trong một tuyên bố, Cố vấn An ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan cho rằng mức tăng sản lượng dầu của những nhà sản xuất dầu chủ chốt trên thế giới là không đủ vào thời điểm quan trọng hiện nay khi các nền kinh tế bắt đầu dần phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Nga và Nhật Bản xem xét hoạt động kinh tế chung tại quần đảo tranh chấp
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và người đồng cấp Nhật Bản Toshimitsu Motegi đã thảo luận kế hoạch hoạt động kinh tế chung trên quần đảo Nam Kuril hiện do Moskva kiểm soát, mà Tokyo cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Vùng Lãnh thổ phương Bắc. Thông báo ngày 11/8 của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ đây là cuộc điện đàm đầu tiên kể từ tháng 10/2020 giữa giới chức hai nước.
Tình báo Mỹ dự đoán thủ đô Kabul sớm rơi vào tay quân Taliban
Tờ Washington Post ngày 11/8 dẫn nguồn tình báo quân sự Mỹ cho biết thủ đô Kabul của Afghanistan có thể sẽ sớm rơi vào tay quân Taliban.
“Mọi thứ đang đang đi sai hướng. Kabul có thể thất thủ chỉ trong vòng 1 đến 3 tháng tới”, nguồn tin ẩn danh có quyền tiếp cận với báo cáo tình báo cập nhật của Cục tình báo quân đội Mỹ (DIA) tiết lộ. DIA hồi tháng 6 từng nhận định Kabul có thể thất thủ trước đà tấn công của Taliban trong vòng 12 tháng kể từ thời điểm Mỹ và NATO hoàn tất rút quân khỏi Afghanistan.
Đức và Hà Lan đình chỉ việc trục xuất người tị nạn Afghanistan
Ngày 11/8, Đức và Hà Lan đã quyết định đình chỉ việc trục xuất người tị nạn Afghanistan với lý do tình hình an ninh ở quốc gia Tây Nam Á này đang ngày một xấu đi trong bối cảnh phiến quân Taliban đẩy mạnh các cuộc tấn công.
Quyết định trên của Đức và Hà Lan đánh dấu một sự thay đổi lớn so với quan điểm cứng rắn trước đó. Hôm 10/8, sáu quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), gồm Bỉ, Đan Mạch, Đức, Hy Lạp, Hà Lan và Áo, đã gửi thư tới Ủy ban châu Âu yêu cầu tiếp tục trục xuất người di cư Afghanistan, dù Kabul đã kêu gọi các nước châu Âu tạm dừng động thái trên trong 3 tháng tới.
Cháy rừng hàng loạt tại Algeria
Truyền thông Algeria ngày 11/8 đưa tin lực lượng cứu hỏa, quân đội và tình nguyện viên nước này đang chiến đấu nhằm ngăn chặn các vụ cháy rừng ở miền Bắc, làm ít nhất 65 người thiệt mạng.
Nhà chức trách cho biết họ nghi ngờ có sự đốt phá trên diện rộng sau khi rất nhiều đám cháy đồng thời bùng phát trong một khoảng thời gian ngắn. Một số vụ bắt giữ đã được công bố nhưng danh tính và động cơ của nghi phạm vẫn chưa được tiết lộ.
Cảnh báo sóng thần sau trận động đất độ lớn 7,2 làm rung chuyển miền Nam Philippines
Cơ quan thăm dò địa chất Mỹ (USGS) cho biết nhà chức trách Philippines đã ban bố cảnh báo sóng thần sau trận động đất.
Theo USGS, trận động đất xảy ra vào rạng sáng 12/8 theo giờ địa phương, tâm chấn ở độ sâu khoảng 50km cách thành phố Bobon khoảng 66km về phía Đông Nam.
Nắng nóng kỷ lục lên tới 49 độ C tại Tunisia
Viện Khí tượng Tunisia cho biết, khu vực miền Bắc nước này đang trải qua đợt nắng nóng cao điểm, khiến nhiệt độ ngày 10/8 tăng lên các mức cao kỷ lục, trong đó thủ đô Tunis ghi nhận mức nhiệt lên tới 49 độ C.