Sri Lanka sẽ bầu tổng thống mới vào ngày 20/7; Dự án thủ đô mới của Indonesia thu hút quan tâm; Quân đội Mỹ dùng khí cầu giám sát vũ khí siêu vượt âm… là tin tức thế giới đáng chú ý.
Sri Lanka sẽ bầu tổng thống mới vào ngày 20/7
Quốc hội Sri Lanka sẽ nhóm họp trở lại vào ngày 15/7 và tiến hành bầu tổng thống mới của nước này vào ngày 20/7.
Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka Mahinda Yapa Abeywardena đã công bố thông tin trên ngày 11/7. Cụ thể, Tổng thống Gotabaya Rajapaksa có kế hoạch từ chức vào ngày 13/7 và ngày 19/7, Quốc hội sẽ công bố danh sách ứng cử viên tổng thông để bầu chọn.
Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc cam kết tăng cường hợp tác về vấn đề Triều Tiên
Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 10/7, các đặc phái viên hạt nhân của Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản đã tái khẳng định cam kết tăng cường hợp tác 3 bên trong vấn đề Triều Tiên tại cuộc họp diễn ra ở Indonesia tuần trước.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết, tại cuộc gặp, ông Sung Kim tái khẳng định tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác an ninh 3 bên nhằm ứng phó khả năng Triều Tiên tiếp tục phóng tên lửa đạn đạo. Các đặc phái viên hạt nhân của Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản tái khẳng định cam kết nỗ lực giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên thông qua các biện pháp ngoại giao và kêu gọi Bình Nhưỡng quay lại đối thoại.
Lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ thảo luận về xuất khẩu ngũ cốc và viện trợ cho Syria
Ngày 11/7, Điện Kremlin cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã có cuộc điện đàm, thảo luận về việc tổ chức cuộc gặp song phương, các nỗ lực phối hợp nhằm xuất khẩu ngũ cốc và đảm bảo an toàn hàng hải tại Biển Đen.Điện Kremlin cho hay hai nhà lãnh đạo đã trao đổi về công tác chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh song phương dự kiến diễn ra trong tương lai gần.
Venezuela thúc đẩy hợp tác với EU
Ngày 11/7, Ngoại trưởng Venezuela Carlos Faría cho biết quốc gia Nam Mỹ này và Liên minh châu Âu (EU) đang tìm cách tăng cường quan hệ ngoại giao và hợp tác về năng lượng, môi trường, y tế, cùng nhiều lĩnh vực khác.
Ông Faría cho biết ông đã hội đàm với Tổng giám đốc khu vực châu Mỹ của Cơ quan Hành động Đối ngoại châu Âu Brian Glynn tại Caracas nhằm thúc đẩy quan hệ song phương trên cơ sở ngoại giao hòa bình và tôn trọng lẫn nhau.
Dân số EU giảm năm thứ 2 liên tiếp
Ngày 11/7, Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho biết dân số Liên minh châu Âu (EU) đã giảm vào năm 2021. Đây là năm thứ 2 liên tiếp dân số khu vực này giảm, sau khi đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 2 triệu người tại EU. Số liệu được công bố đúng Ngày Dân số thế giới.
Theo Eurostat, dân số của 27 nước thành viên EU đã giảm gần 172.000 người so với tháng 1/2021 và 656.000 so với tháng 1/2020. Trong các năm 2020 và 2021, lượng người nhập cư vào EU đã không còn bù đắp được cho xu hướng thay đổi dân số tự nhiên trong khu vực. Do đó, tổng dân số trên toàn liên minh đã giảm đi.
Dự án thủ đô mới của Indonesia thu hút quan tâm
Chính phủ Indonesia cho biết hai công ty đa quốc gia Foxconn và Fosun đã bày tỏ quan tâm đến việc đầu tư vào dự án thành phố thủ đô mới (IKN) Nusantara ở tỉnh Đong Kalimantan sau khi tập đoàn Softbank (Nhật Bản) rút lui hồi tháng 3.
Bộ trưởng Đầu tư Bahlil Lahadalia cho biết gã khổng lồ công nghệ Foxconn và tập đoàn Fosun đang tìm hiểu khả năng đầu tư vào IKN, trong đó Foxconn xem xét cung cấp nền tảng thành phố thông minh cho Nusantara.
Thái Lan phê duyệt quy hoạch thành phố thông minh
Chính phủ Thái Lan ngày 11/7 đã phê duyệt kế hoạch xây dựng thành phố thông minh với số tiền 1,34 nghìn tỷ baht (khoảng 35,9 tỷ USD) tại một trung tâm công nghiệp gần Thủ đô Bangkok.
Thành phố thông minh mới sẽ có diện tích khoảng 2.340 ha, được xây dựng tại huyện Huai Yai thuộc tỉnh Chon Buri, cách Bangkok khoảng 160 km về phía Đông Nam. Tổng thư ký Văn phòng Hành lang Kinh tế phía Đông Kanit Sangsubhan cho biết, dự án sẽ bao gồm 5 trung tâm thương mại cho phép công ty thuê lại để hoạt động kinh doanh.
Gazprom cắt giảm 1/3 nguồn cung cấp khí đốt cho Italy
Tuyên bố ngày 11/7 của tập đoàn năng lượng khổng lồ Eni của Italy cho biết tập đoàn Gazprom (Nga) đã cắt giảm 1/3 nguồn cung cấp khí đốt cho nước này.
Tuyên bố của Eni viết: "Gazprom hôm nay thông báo sẽ cung cấp cho Eni khoảng 21 triệu mét khối (khí đốt)/ngày, trong khi mức trung bình những ngày qua là khoảng 32 triệu mét khối/ngày”. Eni cho biết lý do Gazprom đưa ra là đường ống Nord Stream 1 đang được bảo trì thường niên trong 10 ngày, bắt đầu từ 11/7 tới 21/7.
Brazil thúc đẩy thỏa thuận mua dầu diesel từ Nga
Ngày 11/7, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro xác nhận “đang gần như hoàn tất” một thỏa thuận mua dầu diesel với mức giá rẻ hơn từ Nga.
Phát biểu trước những người ủng hộ ở Dinh Tổng thống, mặc dù không cung cấp thông tin chi tiết về các điều khoản, ông Bolsonaro bày tỏ tin tưởng thỏa thuận nói trên sẽ giúp giảm giá nhiên liệu tại Brazil, vốn tăng vọt trong thời gian gần đây cùng những biến động trên thị trường quốc tế.
Đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 ngừng vận hành để bảo trì
Ngày 11/7, đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) dẫn khí đốt trực tiếp từ Nga sang Đức đã dừng vận hành để bảo trì, theo đó dòng khí đốt qua đường ống này dự kiến ngừng trong 10 ngày.
Quân đội Mỹ dùng khí cầu giám sát vũ khí siêu vượt âm
Tương tự các cuộc không chiến thời thế kỷ 19, Mỹ đang nghiên cứu sử dụng khí cầu để theo dõi tên lửa siêu vượt âm và giám sát bầu trời.
Một số tài liệu của Lầu Năm Góc cho thấy công nghệ Kiến trúc tầng bình lưu Covert Long-Dwell (COLD STAR) đang được chuyển giao từ các nhà khoa học thuộc Bộ Quốc phòng cho quân đội Mỹ.
Tờ Politico đưa tin khí cầu này này có thể bay đến độ cao 18.000 - 27.000 mét và trở thành trợ thủ đắc lực cho mạng lưới giám sát vệ tinh rộng khắp của Mỹ, cũng như phục vụ mục tiêu theo dõi vũ khí siêu vượt âm của các nước như Nga và Trung Quốc.
Mỹ cân nhắc dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Saudi Arabia
Tháng 2/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố ngừng hỗ trợ cho các hoạt động tấn công của Saudi Arabia ở Yemen, bao gồm việc bán vũ khí có liên quan cho Riyadh.
Dẫn các nguồn tin giấu tên, hãng tin Reuters cho biết chính quyền Tổng thống Biden đang xem xét dỡ bỏ lệnh cấm trên đối với Saudi Arabia. Các nguồn tin nói thêm quyết định cuối cùng sẽ phụ thuộc vào việc Riyadh có đạt được tiến bộ trong việc chấm dứt xung đột vũ trang ở nước láng giềng Yemen hay không.
Nhật Bản bước vào làn sóng thứ 7 của dịch COVID-19
Nhật Bản đang phải đối mặt với làn sóng thứ 7 của dịch COVID-19, song nước này chưa cần thiết thực hiện các biện pháp hạn chế đi lại.
Người đứng đầu Nhóm chuyên gia, cố vấn về phòng chống COVID-19 của Chính phủ Nhật Bản Shigeru Omi đã đưa ra tuyên bố trên ngày 11/7 sau cuộc gặp và làm việc với Thủ tướng Fumio Kishida tại văn phòng thủ tướng.
Malaysia: Hối thúc người dân tiêm mũi vaccine tăng cường phòng COVID-19
Ngày 11/7, Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob cho biết, tính đến thời điểm hiện tại vẫn còn khoảng 7 triệu người dân nước này chưa tiêm mũi vaccine tăng cường phòng COVID-19, do vậy mọi người nên đi tiêm càng sớm càng tốt.
Hong Kong yêu cầu người cách ly do COVID-19 đeo vòng tay điện tử
Làn sóng dịch bệnh thứ 5 tại Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) đã bùng phát trở lại. Ngày 11/7, đặc khu này ghi nhận 2.863 trường hợp mắc mới, trong đó có 7 trường hợp tử vong.
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 11/7, Cục trưởng Cục Y tế Lư Sủng Mậu cho biết số ca mắc mới hiện tại đều từ 2.000-3.000 ca/ngày, 60% trong số đó được cách ly tại nhà. Do đó, từ ngày 15/7, những người đang cách ly tại nhà sẽ phải đeo vòng tay điện tử để đảm bảo họ sẽ không rời khỏi nơi cư trú nhằm tránh nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng.
Lãnh đạo Hàn Quốc thảo luận biện pháp đối phó dịch COVID-19 tái bùng phát
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và Thủ tướng Han Duck-soo ngày 11/7 đã tiến hành cuộc họp hằng tuần và thảo luận các biện pháp nhằm đối phó với số ca mắc mới COVID-19 gia tăng trong bối cảnh có dấu hiệu bùng phát một đợt dịch mới.
Indonesia siết chặt quy định đi lại với du khách trong và ngoài nước
Theo một thông tư của Bộ Giao thông Vận tải có hiệu lực từ ngày 17/7, khách du lịch nội địa sử dụng phương tiện cá nhân hoặc phương tiện giao thông công cộng di chuyển từ khu vực này sang khu vực khác sẽ phải trình kết quả xét nghiệm PCR hoặc antigen âm tính, được lấy mẫu trong 72 giờ hoặc 24 giờ trước khi khởi hành, trong trường hợp chưa tiêm vaccine tăng cường ngừa COVID-19.
Du khách chưa tiêm chủng phải trình giấy chứng nhận y tế do các bệnh viện công cung cấp xác nhận lý do chưa hoặc không thể tiêm vaccine ngừa COVID-19, đồng thời trình kết quả xét nghiệm PCR hoặc antigen âm tính.
Hong Kong (Trung Quốc) tăng năng lực xét nghiệm nhanh COVID-19
Ngày 11/7, chính quyền Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) đã thực hiện các biện pháp nhằm tăng năng lực xét nghiệm nhanh acid nucleic sàng lọc COVID-19 tại Điểm kiểm soát nhập cảnh Vịnh Thâm Quyến, trong bối cảnh lượng khách đi lại gia tăng.
Mỹ: Xả súng tại bữa tiệc gia đình làm 5 người thương vong
Truyền thông địa phương dẫn thông báo của cảnh sát Mỹ cho biết đã có 3 người thiệt mạng và 2 người khác bị thương vào sáng 10/7 trong một vụ xả súng xảy ra tại một bữa tiệc gia đình ở phía Nam bang California.
Nigeria tìm thấy toàn bộ thi thể nạn nhân trong vụ lật thuyền ở Lagos
Ngày 10/7, Cơ quan Đường thủy bang Lagos, Nigeria thông báo đã tìm thấy toàn bộ 17 thi thể nạn nhân thiệt mạng trong vụ thuyền chở khách bị lật tại thành phố này xảy ra một ngày trước đó.
Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Quốc gia (NEMA) Nigeria ngày 10/7 cho biết 15 người đã thiệt mạng và 1 người mất tích sau khi 1 thuyền chở khách bị thủy triều cuốn trôi và lật ở Lagos - thủ đô kinh tế của quốc gia châu Phi này.
EU ứng phó với các mối đe dọa từ làn sóng tị nạn
Ngày 11/7, Bộ trưởng Nội vụ các nước thành viên EU tiến hành hội nghị không chính thức tại thủ đô Praha (CH Séc) với chủ đề chính liên quan đến tác động của cuộc khủng hoảng Ukraine, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vấn đề người tị nạn.
Cũng tại cuộc họp này, Ủy viên châu Âu phụ trách nội vụ Ylva Johansson cho biết EU có kế hoạch thành lập Trung tâm hỗ trợ an ninh nội bộ và quản lý biên giới EU tại Moldova nhằm ngăn chặn tội phạm có tổ chức, đặc biệt là việc lợi dụng cuộc xung đột tại Ukraine để buôn bán lại vũ khí.
Ấn Độ 'chạy đua' với thời gian tìm kiếm người mất tích sau mưa lớn
Hàng nghìn binh sĩ và nhân viên cứu hộ ở Ấn Độ đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm những người sống sót sau trận mưa lớn xảy ra ở Kashmir cuối tuần qua khiến ít nhất 16 người thiệt mạng và 47 người khác bị mất tích.
Quân đội Ấn Độ ngày 11/7 cho biết lực lượng cứu hộ vẫn đang sử dụng công nghệ radar xuyên đất, máy ảnh nhiệt và đội chó nghiệp vụ để tìm kiếm dấu hiệu của sự sống dưới đống đổ nát.
Trung Quốc phát cảnh báo màu cam về nhiệt độ cao
Trung tâm khí tượng quốc gia Trung Quốc ngày 11/7 phát cảnh báo màu cam về nhiệt độ cao, trong bối cảnh các đợt nắng nóng diễn ra tại nhiều khu vực rộng lớn của nước này.
Theo thông báo, ngày 11/7, nhiều khu vực thuộc các tỉnh, thành phố như Thiểm Tây, An Huy, Giang Tô, Thượng Hải, Hồ Bắc, Hồ Nam, Giang Tây, Chiết Giang, Phúc Kiến, Trùng Khánh, Quí Châu và Vân Nam cũng như Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương dự kiến ghi nhận nhiệt độ từ 37 đến 39 độ C, trong đó tại một số khu vực, nhiệt độ có thể vượt quá 40 độ C.
Italy xác nhận 11 người thiệt mạng trong vụ lở băng trên dãy Alps
Các nhà chức trách Italy đã công bố con số chính thức có 11 người thiệt mạng do trận lở băng xảy ra ở miền Bắc nước này mới đây.
Ngày 10/7, ông Giampietro Lago - Trưởng nhóm chuyên gia pháp y của lực lượng cứu hộ - cho biết đã xác định được danh tính của tất cả những người thiệt mạng và "không có yếu tố nào" vào thời điểm này cho thấy số người thiệt mạng sẽ tăng lên.
Bão tuyết khiến hàng trăm người mắc kẹt trên núi Andes ở Nam Mỹ
Trên 400 người, trong đó có nhiều du khách và tài xế xe tải, đã bị mắc kẹt ở khu vực núi Andes gần biên giới Argentina-Chile do một trận bão tuyết dữ dội xảy ra tại đây vào ngày 10/7 khiến nhiệt độ giảm xuống dưới mức đóng băng.