Việt Nam kêu gọi chấm dứt hành động làm phức tạp tình hình Biển Đông; Khai mạc Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ; Chủ tịch Hà Nội chỉ đạo kiểm tra công vụ đột xuất... là những tin tức thời sự nổi bật ngày 16/2.
Đại sứ Nguyễn Phương Nga (phải) tham dự phiên khai mạc khóa họp 70 Đại hội đồng Liên hợp quốc. (Ảnh: Lê Dương/TTXVN)
Việt Nam kêu gọi chấm dứt hành động làm phức tạp tình hình Biển Đông
Ngày 15/2, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tổ chức phiên thảo luận mở về chủ đề: “Tôn trọng các tôn chỉ, mục đích của Hiến chương Liên hợp quốc - yếu tố then chốt nhằm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế". Cuộc họp tháng 2 do Ngoại trưởng Venezuela, Chủ tịch Hội đồng Bảo an chủ trì.
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc nhấn mạnh vai trò đoàn kết của ASEAN trong việc bảo đảm cấu trúc an ninh và ổn định tại khu vực, đặc biệt trước những diễn biến phức tạp ở Biển Đông với những hành động đơn phương xây dựng, mở rộng đảo, đá bất hợp pháp làm ảnh hưởng đến môi trường và gây phương hại nghiêm trọng đến hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.
Đại sứ đề nghị các bên liên quan chấm dứt những hành động làm thay đổi hiện trạng, quân sự hóa hoặc làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông; kêu gọi giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không ở khu vực, cam kết thực hiện nghiêm túc và đầy đủ Tuyên bố về các ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).
Khai mạc Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ
Sáng nay (16/2) theo giờ Việt Nam, Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ đã chính thức khai mạc tại Sunnylands, bang California, Hoa Kỳ, với sự tham dự của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và lãnh đạo 10 nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự hội nghị. Dự kiến, chủ đề thảo luận của Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ lần này sẽ tập trung vào Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và vấn đề Biển Đông. (Xem thêm tại đây)
Thống nhất có 198 đại biểu Quốc hội ở Trung ương
Sáng 16/2, tại Hà Nội, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chủ trì Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, phục vụ cho bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp - một hoạt động sinh hoạt chính trị sâu rộng để cử tri cả nước lựa chọn những đại biểu chất lượng, xứng đáng, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân tại Quốc hội. Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì Hội nghị.
Tại Hội nghị, trên cơ sở thảo luận, Đoàn Chủ tịch Mặt trận đã biểu quyết, cơ bản thống nhất về số lượng 198 đại biểu Quốc hội ở Trung ương. Dù còn có một số ý kiến về việc cần tăng cơ cấu tỷ lệ nữ đại biểu, đại biểu tôn giáo, người dân tộc, nhưng tựu trung các ý kiến nhận định đã có sự chuẩn bị kỹ càng bên cạnh việc áp dụng những đổi mới tại Hội nghị Hiệp thương lần này.
Không phát hiện tặng, nhận quà trái quy định dịp Tết
Trao đổi với phóng viên Báo Tin tức chiều 16/2, Cục trưởng Cục chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) Phạm Trọng Đạt (ảnh) cho biết, qua tổng hợp báo cáo chưa đầy đủ của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tập đoàn kinh tế Nhà nước, tổng công ty 91 (gọi tắt là các bộ, ngành, địa phương), chưa phát hiện trường hợp sử dụng tiền, tài sản công không đúng quy định, lãng phí; việc tặng quà, nhận quà tặng không đúng quy định trong dịp Tết Bính Thân 2016.
Để công việc này đạt hiệu quả trong thời gian tới, Cục chống tham nhũng đã kiến nghị Tổng Thanh tra Chính phủ trong quá trình tổng kết, sửa đổi toàn diện Luật Phòng chống tham nhũng cần tập trung đánh giá các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, trong đó chú trọng đánh giá, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Quy chế tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng cho phù hợp với thực tế hiện nay. Đồng thời, đề xuất Tổng Thanh tra Chính phủ cho phép Cục chống tham nhũng thành lập một bộ phận chuyên tiếp nhận các nguồn tin về việc tặng quà, nhận quà tặng sai quy định và các hành vi có dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật về tham nhũng.
Chủ tịch Hà Nội chỉ đạo kiểm tra công vụ đột xuất
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa chỉ đạo lập các đoàn kiểm tra công vụ đột xuất các bộ phận giải quyết công việc thường xuyên của người dân, doanh nghiệp.
Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố, các đoàn kiểm tra công vụ của Hà Nội có trách nhiệm làm rõ việc chấp hành kỷ cương hành chính, kỷ luật công vụ, đặc biệt là tinh thần, trách nhiệm với công việc của cán bộ tại các bộ phận trực tiếp thực thi công vụ và giải quyết công việc thường xuyên của người dân và doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Đức Chung yêu cầu các cấp thực hiện kỷ cương hành chính, kỷ luật công vụ và hàng tháng, hàng tuần phải báo cáo nhiệm vụ. Giám đốc Sở, thủ trưởng các ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã trực tiếp chỉ đạo, giám sát tại đơn vị, địa bàn mình quản lý.